Chống tội phạm vốn là một công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Và nó càng gian nan hơn ở một nơi mà tội phạm nổi tiếng là liều lĩnh, manh động bậc nhất cả nước - thành phố Cảng. Đã khi nào trong cuộc chiến cam go này, các cán bộ chiến sĩ của Cục Cảnh sát hình sự cảm thấy sợ khi đứng trước tội phạm? Câu trả lời chỉ có một: Sợ thì không làm được hình sự. Thế rồi, đồng chí Thượng tá Phạm Văn Hát, Phó trưởng Phòng 1, Cục Cảnh sát hình sự kể cho tôi nghe về chuyên án bắt trùm giang hồ đất Cảng Phạm Đình Nên.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ở các thành phố, thị xã nổi lên những băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu "xã hội đen". Dạo ấy, những cái tên như: Phạm Đình Nên (cu Nên), Lâm “già”, Vũ Thị Kim Dung (Dung “Hà”) làm nhiều người dân khiếp sợ, không dám đụng, cũng chẳng dám tố cáo, bởi chúng là những cái tên cầm đầu của ba băng nhóm tội phạm khét tiếng. Sau khi lập chuyên án đấu tranh, triệt phá băng nhóm tội phạm do tên Phạm Chí Tin cầm đầu tại số 62 Trần Phú, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự tăng cường các biện pháp nắm tình hình, lên danh sách các băng nhóm để lập chuyên án đấu tranh.
Đầu năm 1995, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hải Phòng tiến hành rà soát lên danh sách các băng nhóm tội phạm hình sự nổi, hoạt động trên địa bàn. Cả 3 nhóm tội phạm khét tiếng trên đều không nằm ngoài “danh sách đen”.
Sau khi lên kế hoạch tổ chức xác minh, băng nhóm của “cu Nên” được cho là “trội” hơn cả và được Cục Cảnh sát hình sự chỉ đạo Công an TP.Hải Phòng “ưu tiên” thành lập chuyên án để triệt phá trước tiên.
Trong những kẻ phạm tội ở Việt Nam, có lẽ rất ít người có thể vượt qua con số 22 tiền án, tiền sự, trong đó đa số là về tội cướp và cố ý gây thương tích của Nên. Năm 1987, sau khi tập trung cải tạo về, Nên chia tay người vợ đầu mặc dù 2 con vẫn còn nhỏ, để rảnh rang trốn sang Trung Quốc. Không được như ý định ban đầu, đến Trung Quốc, Nên phải ở trại tị nạn 2 năm do vượt biên trái phép. Tại đây, Nên lấy vợ hai, sinh con rồi đến năm 1989 thì bị buộc hồi hương. Về lại Hải Phòng, Nên trở thành một tay giang hồ cộm cán, chuyên làm giàu bằng sòng bạc.
“Cu Nên” một thời ngang dọc tại đất Cảng.
Qua công tác đấu tranh ban đầu, lực lượng cảnh sát hình sự xác định đây là băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm, hoạt động trắng trợn, lộng hành. Trong một thời gian dài, “cu Nên” ngông nghênh, hoành hành khắp TP.Hải Phòng như thể “con trời”, đâm, chém bất cứ ai hắn thích.
Một tối, bị mất một cây cảnh trên sân thượng, Nên cùng đám đàn em ùa ra đường đuổi trộm. Đang tức tối vì không bắt được trộm, quay lại tới đầu ngõ Nhà Thờ (Lạch Tray), gặp anh Vũ Văn Ninh đang đi xe đạp, Nên đã túm lấy anh Ninh và đánh hết sức dã man để hả giận với một lý do hết sức lãng xẹt: Không đuổi trộm giúp y.
Trước tình hình đó, Cục Cảnh sát hình sự đã tăng cường tổ trinh sát do thượng tá Bùi Ngọc Hải, Trưởng phòng Trọng án làm tổ trưởng. Ban chuyên án xây dựng kế hoạch phân công các tổ công tác, thu thập tài liệu, chứng cứ các vụ việc mà Nên và đồng bọn đã gây ra. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát di biến động của các đối tượng trong băng nhóm, để sớm đấu tranh triệt phá.
Nhóm tội phạm do Nên cầm đầu có gần 20 tên, chuyên hoạt động bảo kê, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản. Chúng rất manh động, liều lĩnh, tàn bạo, côn đồ, thường dùng nhiều loại vũ khí khác nhau như súng ngắn, súng AK, súng thể thao... gây án.
Sẵn có trong tay tiền bạc, vũ khí và cả đám tay chân sát thủ, Phạm Đình Nên lộng hành như một ông trùm đao búa. Giữa ban ngày Nên xông vào tận trụ sở Công an phường Lạch Tray, nơi gia đình Nên cư trú để giải cứu cho đồng bọn khi tên này bị Công an phường bắt giữ vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Không chỉ thế, Nên còn đe dọa sẽ bắn và tạt axít vào mặt Phó Trưởng Công an phường. Đồng thời, Nên còn là nghi phạm liên quan đến một vụ giết người trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Vì vậy, việc triệt phá băng nhóm này phải có kế hoạch cụ thể, nhằm tránh thương vong cho cán bộ, chiến sĩ công an và người dân...
Thượng tá Phạm Văn Hát kể, để chọn điểm đột phá vụ án, qua công tác trinh sát, ban chuyên án nắm được Nên cùng một số đối tượng có tham gia vụ đánh bạc tại Kiến An, TP.Hải Phòng. Tháng 2.1995, Nên đánh bạc tại sới nhà Bùi Văn Quynh. Tuy nhiên với kỹ năng chơi bài hạng xoàng, tàn canh, Nên thua đậm. Không chịu mất tiền, Nên quyết tâm “gỡ” và gọi điện cho đàn em đến hỗ trợ bằng “hàng nóng”. Thấy đại ca gọi, đàn em của Nên mang theo 4 khẩu súng, dùng ôtô, xe máy thần tốc ập đến. Thùng tẩy (thùng đựng tiền chung của cả chiếu bạc - PV) hơn 100 triệu đồng bị chúng vét sạch; đồng thời, một con bạc “thích ý kiến” bị chúng đánh cho toác đầu, trầy mặt. Đây là điểm mấu chốt để phá án.
Sau khi gây án, Nên và đồng bọn đe doạ bị hại không cho tố giác; thậm chí còn tìm cách truy sát những người biết sự việc, có ý định tố cáo, buộc nạn nhân phải bỏ trốn khỏi địa phương. Vì vậy, công tác lấy lời khai là vô cùng khó khăn. Để thu thập được đầy đủ chứng cứ, lực lượng trinh sát đã phải bí mật hẹn gia đình bị hại vào buổi tối, tìm gặp các con bạc, động viên số người này khai báo.
Do băng nhóm của Nên hoạt động một cách công khai, trắng trợn, lại ngông nghênh theo kiểu “con trời” nên “cu Nên” có khá nhiều kẻ thù. Ngôi nhà bề thế tại 112 đường Lạch Tray trong một thời gian dài là hang ổ của băng nhóm tội phạm do Phạm Đình Nên cầm đầu. Trong nhà Nên, ngoài người mẹ già, vợ chồng Nên và 3 đứa con thì lúc nào cũng có hàng chục tên đàn em túc trực để bảo vệ tính mạng cho Nên và sẵn sàng chờ lệnh, như lời khai của “Linh cu”, một tay chân thân tín còn đang ở tuổi vị thành niên nhưng đã được Nên đào tạo thành sát thủ.
Những tài liệu điều tra, xác minh ban đầu của Cục Cảnh sát hình sự đã đủ căn cứ xác định vụ cướp tại Kiến An do Nên cầm đầu. Sáng 15.3.1995, căn cứ tài liệu này, Công an TP.Hải Phòng đã tổ chức bắt, khám xét, thu giữ nhiều tang vật gây án trong đó có: 1 súng tiểu liên, 3 súng ngắn, 47 viên đạn, 1 quả lựu đạn và nhiều lê, kiếm.
Sở dĩ lý do phải chọn ngày này vì hôm đó, ngành hải quan có tổ chức một hội nghị ở Cung Văn hoá hữu nghị Việt-Tiệp, đối diện nhà Phạm Đình Nên, xe ôtô của các đại biểu đến rất đông. Do vậy, đây là thời điểm thích hợp để lực lượng công an đổ quân bao vây hang ổ của Nên mà không sợ bị lộ. Trận đánh nhanh gọn, không có tiếng súng, không có thương vong. Mở rộng điều tra, lực lượng công an còn làm rõ nghi vấn trong vụ giết người tại Bệnh viện Việt-Tiệp.
Theo đó, do cháu của Nên va chạm với xe một người đi đường, Nên đã gọi “Linh cu”, Đinh Đình Tuyển và một số tên khác đến để xử lý. Anh Trần Anh Tuấn, con trai độc nhất của một người thương binh mù, bạn của người đàn ông nói trên, đã bỏ mạng dưới tay đám đàn em của Nên, khi đến thăm bạn tại bệnh viện. Nên và đồng bọn đã phải trả giá. Trong những ngày nằm trong phòng biệt giam chờ thi hành án, kẻ luôn rêu rao, tự đắc chẳng ai dám làm như mình lại mất hết tinh thần, khóc và làm thơ gửi vợ. Ngày 7.4.1997, bản án tử hình Phạm Đình Nên đã được thi hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.