Cuộc đột kích giải cứu tù nhân táo bạo trong Thế chiến II

Quốc Việt Thứ bảy, ngày 23/11/2019 20:31 PM (GMT+7)
Tháng 1/1945, 133 đặc nhiệm Mỹ đột kích vào trại tù Cabanatuan giải cứu thành công 500 tù nhân phe Đồng minh khỏi sự giam cầm của Nhật Bản.
Bình luận 0

Theo trang web của các cựu đặc nhiệm Mỹ Shadowspear, tháng 1/1942, quân đội Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Luzon. Tướng Douglas MacArthur, tư lệnh lực lượng Đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương, hợp nhất các đơn vị trên bán đảo Bataan nhằm chống lại quân đội Nhật. Tuy nhiên, lúc đó quân Nhật quá mạnh, lực lượng Đồng minh quân số ít và thiếu hỗ trợ hậu cần nên nhanh chóng bị đánh bại.

img

Đội Ranger cùng du kích địa phương hành quân đến điểm tập kết. Ảnh: Wikipedia.

Sau thất bại tại Bataan, hàng trăm tù binh Mỹ được chuyển đến nhà giam ở thành phố Cabanatuan, tỉnh Nueva Ecija, Philippines. Nhà tù này giam khoảng 500 lính Mỹ cùng một số thường dân. Những người trong trại giam phải đối mặt với điều kiện sống tàn bạo, thường xuyên bị lính Nhật tra tấn. Bên cạnh đó, họ còn phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật kéo dài.

Ngày 20/10/1944, Hải quân Mỹ đánh bại Nhật Bản trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử ở vịnh Leyte dọn đường cho cuộc đổ bộ lên đảo Luzon. Quân đội Nhật đồn trú ở Philippines hành quyết 150 tù nhân Mỹ để trả thù.

Sau thất bại tại vịnh Leyte, sức mạnh quân đội Nhật ngày càng suy yếu. Các nguồn tin tình báo Mỹ nhận định, nguy cơ Nhật hành quyết các tù nhân để trả thù là rất cao.

Trước tình hình đó, tướng MacArthur quyết định tiến hành chiến dịch giải cứu. Quân đoàn số 6 của quân đội Mỹ được giao nhiệm vụ lập kế hoạch cho chiến dịch. Họ phối hợp cùng lực lượng du kích địa phương để tiến hành nhiệm vụ.

Chiến công vang dội của đội Ranger

Lực lượng đột kích chính gồm 133 lính đặc nhiệm thuộc Trung đoàn 75 Ranger, lực lượng hỗ trợ khoảng 300 du kích địa phương. Đầu tháng 1/1945, tình báo Mỹ tiến hành trinh sát khu vực trại tù Cabanatuan để chuẩn bị cho chiến dịch giải cứu.

img

Một nhóm đặc nhiệm Ranger chụp hình lưu niệm sau cuộc đột kích. Ảnh: Wikipedia.

Họ ước tính, lính canh bảo vệ tại trại khoảng 100 – 300 người. Quân số đồn trú gần đó khoảng 1.000, tổng quân số toàn tỉnh khoảng 5.000.

Sáng sớm ngày 28/1/1945, 121 lính đặc nhiệm Ranger dưới sự hướng dẫn của du kích địa phương hành quân đến khu vực trại giam. Họ ém quân ở vị trí cách trại khoảng 8 km, trước đó, một nhóm trinh sát đã được cử đi nghiên cứu trận địa.

Nhóm trinh sát báo cáo về, xung quanh trại rất bằng phẳng, tầm quan sát từ phía trại rất tốt. Người Nhật đã tận dụng lợi thế này để phát hiện các tù nhân bỏ trốn. Địa hình trống trải là bất lợi lớn cho cuộc đột kích, trong khi đó, bất ngờ chính là yếu tố quyết định thành công của chiến dịch.

Các vị chỉ huy cuộc đột kích quyết định sử dụng chiến thuật nghi binh. Họ yêu cầu Không quân Mỹ điều động máy bay đánh chặn ban đêm P-61 Black Widow (Góa phụ đen) bay qua trại nhiều vòng để thu hút sự chú ý của lính canh.

17h ngày 30/1/1945, đội hình tấn công bắt đầu bí mật xâm nhập trại. Trong khi phi cơ P-61 quần đảo trên bầu trời, nhóm đột kích đã ém rát hàng rào mà toán lính Nhật không hay biết. Đúng 19h40, nhóm tấn công đồng loạt vào các trạm canh. Trong vòng vài phút, toàn bộ chốt gác bị hạ gục.

Những tù nhân nghe súng nổ tưởng rằng lính Nhật đang tiến hành cuộc thảm sát nên vội vàng tìm chổ nấp. Lính đặc nhiệm Ranger vừa tấn công quân Nhật vừa hô to kêu các tù nhân chạy ra ngoài. Tuy nhiên, tù binh tưởng rằng lính Nhật lừa họ ra để giết nên cố thủ trong các vị trí ẩn nấp.

Bên cạnh đó, một số người còn chống lại đội Ranger vì họ mặc đồng phục khá giống với lính Nhật. Trong tình thế cấp bách, lính Mỹ buộc phải dùng vũ lực để ép các tù nhân ra ngoài. Đến 20h15, đội Ranger khống chế toàn bộ trại, đại úy Robert Prince bắn pháo sáng báo hiệu cuộc tấn công kết thúc. 26 xe tải chờ sẵn ở khu tập kết tiến về trại chở các tù nhân về thị trấn Pateros.

Đúng 22h, nhóm tấn công cùng tù nhân về đến điểm tập kết an toàn với thương tối thiểu. Cuộc đột kích diễn ra thành công ngoài mong đợi, chỉ có 2 lính Mỹ thiệt mạng, 4 trường hợp thương vong. Trong khi đó, quân Nhật tổn thất khoảng 500 binh lính, 4 xe tăng.

Chiến dịch giải cứu tù nhân ở Cabanatuan trở thành một trong những chiến công vang dội nhất trong lịch sử trung đoàn 75 Ranger. Đích thân Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt trao bằng khen cho đội. Bên cạnh đó, người ta còn xây một đài tưởng niệm ở hiện trường để ghi nhớ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem