Việc Fed phát đi tín hiệu tăng lãi suất mạnh tay hơn dự kiến đang tạo sức ép lên các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Bởi đồng USD mạnh hơn sẽ đè nặng lên những tiền tệ khác.
Theo CNBC, ngày 2/11 (theo giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Như vậy, ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất điều hành tổng cộng 3,75 điểm phần trăm kể từ đầu năm. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7 và tháng 9, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Sau đó một ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1989, đưa lãi suất cơ bản tại Anh lên 3%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp của cơ quan này.
Quyết định được đưa ra sau khi 9 thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) bỏ phiếu với kết quả 7-2. Một ủy viên ủng hộ mức tăng 0,5 điểm phần trăm, một người chọn 0,25 điểm phần trăm, 7 người còn lại nhất trí với 0,75 điểm phần trăm.
Các nước lớn tăng lãi suất mạnh tay
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tại Anh đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong 40 năm. Nhưng nền kinh tế nước này cũng đang trượt dài trong khủng hoảng.
Ngay sau khi tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, BoE cảnh báo Anh đang đối mặt với cuộc suy thoái dài nhất từ trước đến nay. Suy thoái kinh tế dự kiến kéo dài đến năm 2024.
BoE mô tả tình hình hiện tại của kinh tế Anh "rất thách thức". Cơ quan này nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gấp đôi lên 6,5% trong cuộc suy thoái kéo dài 2 năm.
Ngân hàng trung ương dự báo GDP của Anh sẽ giảm khoảng 0,75% trong nửa cuối năm 2022. Thu nhập thực tế của các hộ gia đình lao dốc vì giá năng lượng và hàng hóa tăng cao.
ECB có thể tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 12 chứ không phải 0,5 điểm phần trăm như dự đoán
Chuyên gia kinh tế Salomon Fiedler tại Berenberg
Trong khi đó, cuối tháng 10, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) nâng lãi suất điều hành 0,75 điểm phần trăm lên 1,5%, mức cao nhất kể từ năm 2009.
Lạm phát trong tháng 10 của khu vực đồng tiền chung euro đã tăng lên 10,7%, mức cao nhất kể từ khi khối được thành lập. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn đang đè nặng lên các hộ gia đình và ECB.
"Lạm phát đã tăng vọt trở lại vào tháng 10. Đó là ác mộng Halloween với ECB", đội ngũ phân tích tại Pantheon Macroeconomics bình luận.
"Giá tiêu dùng tiếp tục tăng, và nhu cầu trong nước vẫn phục hồi vào mùa hè cho thấy ECB có thể tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 12 chứ không phải 0,5 điểm phần trăm như dự đoán", chuyên gia kinh tế Salomon Fiedler tại Berenberg dự báo.
Theo Reuters, trong một cuộc phỏng vấn hôm 1/11, Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định cơ quan này vẫn phải tiếp tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát, ngay cả khi nguy cơ suy thoái của nền kinh tế khu vực đang gia tăng.
Bà nhấn mạnh "nhiệm vụ của ECB là bình ổn giá cả" và họ sẽ sử dụng mọi công cụ có thể.
Sức ép với các ngân hàng trung ương khác
Việc Fed phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất lên cao hơn dự kiến cũng tạo sức ép lên các ngân hàng trung ương khác. Trên thực tế, một số ngân hàng trung ương đang thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách, chẳng hạn Ngân hàng Trung ương Canada, Ngân hàng Trung ương Na Uy và Ngân hàng Dự trữ Australia.
Tuy nhiên, trong họp báo sau cuộc họp tháng 11, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định cuộc chiến lạm phát của họ "còn lâu mới kết thúc".
Người đứng đầu Fed khẳng định "mức lãi suất cuối cùng (của chu kỳ tăng) sẽ cao hơn dự kiến". "Còn quá sớm để thảo luận về việc tạm dừng tăng lãi suất", ông nói thêm.
Theo giới quan sát, việc Fed vẫn quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm phát có thể tạo áp lực lên kế hoạch tăng lãi suất của những ngân hàng trung ương khác. Nguyên nhân nằm ở tác động tiềm tàng từ sức mạnh của đồng USD với đồng tiền của các quốc gia này.
"Tiền tệ có thể không phải yếu tố quan trọng nhất trong việc ấn định lãi suất cuối cùng. Nhưng các ngân hàng trung ương trên thế giới đều không thể phớt lờ đà tăng của đồng USD", National Bank Financial Inc. nhận định trong một báo cáo.
Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đang ở quanh ngưỡng 112,5 điểm. So với một năm trước đó, chỉ số này đã tăng 19,28%.
Trong khi đó, đồng euro vẫn được giao dịch dưới ngưỡng 1 USD đổi 1 euro. Giá trị của đồng euro, bảng Anh, AUD và NZD đã giảm lần lượt 15,43%, 16,81%, 14,06% và 18,23% so với USD trong vòng 12 tháng qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.