1. Trong vòng 1 tháng qua, Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, ứng viên cho vị trí Chủ tịch VFF khóa VII, đã không ít lần đăng đàn “vận động hành lang” cho chính mình.
Bắt đầu bằng lời giới thiệu khe khẽ về mình: “Làm Chủ tịch VFF kiểu tàng tàng ai làm cũng được, và tôi sẽ không làm kiểu đó…Tôi tự hào là trong lịch sử BĐVN chưa có ai làm tài chính giỏi như mình”.
Tiếp đến ông chia sẻ thống thiết đối với những người từng ngồi vào ghế Chủ tịch VFF: “Chủ tịch VFF bị "khủng bố" toàn diện về tinh thần chứ có hạnh phúc gì đâu. Lương rất bèo bọt nhưng áp lực kinh khủng. Các đội tuyển thắng người ta chỉ khen HLV, còn thất bại thì lại đổ đầu ông Chủ tịch. Như vậy là không công bằng. Nói thật, chúng tôi làm bóng đá như cái vận vậy, bỏ thì không được nhưng theo thì rất khổ”.
|
Cuộc đua vào ghế Chủ tịch VFF giữa ông Lê Khánh Hải (trái) và ông Lê Hùng Dũng đang diễn ra đầy kịch tính |
Nghe những gì ông Dũng nói, người vô tư nhất cũng lờ mờ nhận ra ông muốn nói tới thế mạnh của mình, đó là tiền, nói một cách chính xác là kiếm tiền. BĐVN nói riêng và bóng đá chuyên nghiệp nói chung không thể phát triển nếu thiếu tiền.
Ông Dũng cũng ngầm ý chê cách làm “tàng tàng” kiều bàn giấy, và cuối cùng là “dọa” ngồi vào ghế Chủ tịch VFF sẽ mệt mỏi lắm chứ chẳng dễ chịu gì! Ngẫm ra cũng bài bản và "tinh tế" thật!
Không biết có phải nghe ông Dũng nói mãi cũng… "nóng trong người" hay không. Hôm rồi, người ta thấy ông Phan Đình Tân-Phó chánh văn phòng đồng thời là người phát ngôn Bộ VH-TT-DL, cũng lên tiếng nói về chuyện bầu bán Chủ tịch VFF.
Cũng cần phải nói thêm rằng, ông Lê Khánh Hải-Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, là người được Bộ này giới thiệu ra tranh cử chức Chủ tịch VFF với ông Dũng. Thế nên, chuyện ông Tân lên tiếng về việc bầu Chủ tịch VFF, cũng là điều dễ hiểu.
Lý giải cho việc ông Lê Khánh Hải thời gian qua ít xuất hiện trước dư luận, ông Tân cho rằng đó là vì “Anh Hải quá bận” (như thế khác nào nói ông Dũng rảnh ?!) và làm thế “dễ bị dư luận đánh giá là PR cho bản thân” (chẳng khác gì nói ông Dũng tranh thủ PR?!).
Ông Tân cũng đề cập tới “bài học VPF” với ý nói doanh nhân làm bóng đá chưa chắc đã thành công: “VPF hiện nay toàn doanh nhân điều hành nhưng có thành công không? Chẳng có gì đảm bảo rằng không phải quan chức nhà nước thì tốt hơn”… và “doanh nghiệp luôn đặt mục đích lợi nhuận lên trên, còn nếu là người nhà nước thì phải đảm bảo lợi ích chung”
Và chỉ 1 ngày sau khi ông Tân đăng đàn (ngày 22.5), tới ngày 23.5, ông Lê Hùng Dũng đã "phản pháo": “Có vẻ như Bộ đã ra đòn nhẹ vào đối thủ khi phát ngôn như vậy. Chứng tỏ năng lực của mình trước công luận là điều nên làm. Và vận động hành lang không có gì xấu nếu công khai minh bạch. Bộ nhận xét, ông Hải là người của nhà nước nên nếu làm Chủ tịch VFF sẽ vì cái chung, còn doanh nhân chỉ lo lợi nhuận. Đây là suy nghĩ có phần “ngô nghê” và chỉ đúng phân nửa.
Tôi cũng là người của nhà nước vì công ty mà tôi đang nắm giữ cũng thuộc sự quản lý của nhà nước thông qua Thành ủy TP.HCM. Tại sao lại đặt ra sự kỳ thị người của nhà nước cấp Bộ với người nhà nước cấp thành phố. Thành ủy giao cho tôi 80 tỉ đồng/năm và yêu cầu phải bảo toàn, phát triển vốn. Tôi làm tăng cao lợi nhuận cũng là hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Nếu tôi làm Chủ tịch VFF, các CLB sẽ sống được bằng bóng đá. Đó không phải là cái chung thì vì cái gì!”.
Chưa hết, ông Dũng còn nói rằng: “Tôi có thể quyết một chục hay hai chục tỉ một cách dễ dàng. Tôi còn biết huy động các nguồn lực của xã hội. Còn xổ số bóng đá, từ năm 2000 tôi đã đi các nước nghiên cứu và sau 13 năm chẳng có gì tiến triển. Kiếm tiền qua con đường này quá mông lung nên tôi buông”.
Cuối cùng, ông Dũng chốt lại: “Tôi có chiến thuật riêng là con bài tẩy mà đối phương sẽ rất bất ngờ và không thể lường trước được. Tôi sẽ tung ra trước đại hội mà cũng không sợ muộn”.
2. Chứng kiến cuộc "khẩu chiến" giữa 2 ứng viên cho vị trí tân Chủ tịch VFF, nhiều người kỳ vọng cuộc đua năm nay sẽ vô cùng nóng bỏng, sẽ "một mất, một còn" để chiếc ghế chèo lái con tàu bóng đá Việt thực sự là ghế nóng, chứ không phải là ghế "ế" như các kỳ Đại hội trước.
Nhưng với bóng đá Việt, người ta đã có không ít bài học về cái sự càng kỳ vọng nhiều thì thất vọng càng lớn. Và xét cho cùng, nói gì, tuyên bố ra sao cũng chẳng quan trọng bằng làm.
Giờ chỉ mong rằng hai ứng viên cho cuộc đua vị trí Chủ tịch VFF phải là người nói được và làm được, cũng như hết lòng vì BĐVN. Để rồi sau khi chiếc ghế đã có chủ, những người hâm mộ không phải mượn lời mấy anh Hai Nam bộ để thở than rằng "Nói vậy mà không phải vậy"!
Đừng để người yêu bóng đá Việt chứng kiến một cuộc đua vào ghế Chủ tịch VFF lúc đầu thật kịch tính, nhưng kết thúc Đại hội và cả những năm tiếp theo lại đọng lại nhiều dấu ấn “tính kịch”!
Chính Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.