SĂN LÙNG TẠI HANG Ổ
Nhóm nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán thu thập mẫu tại một hang dơi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: EcoHealth Alliance
Trong những tháng săn virus đầu tiên vào năm 2004, bất cứ khi nào đội của Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) tìm thấy một hang dơi, họ sẽ đặt lưới trước khi hoàng hôn, rồi chờ dơi bay ra kiếm ăn đêm. Khi những con dơi sa bẫy, các nhà nghiên cứu lấy mẫu máu và nước bọt. Sau khi ngủ dậy, họ sẽ quay trở lại hang vào buổi sáng để thu thập nước tiểu và các viên phân dơi.
Nhưng hết mẫu này đến mẫu khác đều không xuất hiện dấu vết vật liệu di truyền từ virus Corona. Đó là một cú đánh nặng nề. Tám tháng làm việc vất vả dường như đã uổng công. “Chúng tôi đã nghĩ rằng virus Corona có lẽ không ưa dơi Trung Quốc”, Thạch Chính Lệ kể lại. Nhóm của bà định bỏ cuộc thì một nhóm nghiên cứu khác ở Vũ Hán chuyển cho họ một bộ dụng cụ xét nghiệm kháng thể từ máu những người bị SARS (Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp tính nặng)
Không có gì đảm bảo xét nghiệm này sẽ có tác dụng đối với kháng thể ở dơi, nhưng dù sao thì Thạch Chính Lệ cũng thử. Và kết quả vượt quá mong đợi của bà. Các mẫu từ ba loài dơi móng ngựa có chứa kháng thể chống lại virus SARS. “Đây là một bước ngoặt cho dự án!”.
Các nhà nghiên cứu lúc này hiểu được rằng sự hiện diện của virus Corona ở dơi là phù du và theo mùa nhưng một phản ứng kháng thể vẫn có thể kéo dài từ vài tuần đến vài năm. Vì vậy, bộ dụng cụ chẩn đoán đã đưa ra một “con trỏ” có giá trị với họ, chẳng hạn trong khi xác định làm thế nào để tìm ra trình tự gien của virus SARS.
Sau khi lấy mẫu máu và dịch, Thạch Chính Lệ thả môt con dơi ăn trái cây. Ảnh chụp năm 2004 - Viện Virus học Vũ Hán
Nhóm của Thạch Chính Lệ đã sử dụng xét nghiệm kháng thể để thu hẹp các địa điểm và loài dơi nhằm theo đuổi nhiệm vụ tìm kiếm manh mối gien này. Sau khi di chuyển qua các vùng địa hình đồi núi ở phần lớn Trung Quốc, các nhà nghiên cứu chú ý đến một địa điểm: Hang Shitou ở ngoại ô Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, nơi họ tiến hành lấy rất nhiều mẫu qua các mùa khác nhau trong suốt 5 năm liền.
Những nỗ lực đó đã được đền đáp. Các “thợ săn mầm bệnh” phát hiện ra hàng trăm loại virus Corona ở dơi với sự đa dạng di truyền đáng kinh ngạc. Phần lớn trong số chúng là vô hại, Giáo sư Thạch Chính Lệ cho biết. Nhưng hàng chục loại Corona lại cùng nhóm với SARS. Chúng có thể tấn công vào các tế bào phổi của con người, gây ra các bệnh giống như SARS ở chuột và còn “lẩn tránh” được các vắc-xin và thuốc chống SARS.
Trong hang Shitou, nơi giống như một thư viện di truyền tự nhiên về virus ở dơi, nhóm nghiên cứu của Thạch Chính Lệ đã kết thúc cuộc tìm kiếm kéo dài cả thập kỷ về nguồn gốc tự nhiên của virus SARS.
Nhóm các nhà khoa học quốc tế, mà Thạch Chính Lệ tham gia, lấy mẫu từ dơi để xác định mầm bệnh tiềm ẩn. Ảnh: Viện Virus học Vũ Hán
Trong nhiều ổ dơi mà Thạch Chính Lệ đã lấy mẫu, bao gồm cả hang Shitou, “việc trộn lẫn các loại virus khác nhau tạo ra cơ hội lớn cho các mầm bệnh nguy hiểm mới xuất hiện” - ông Ralph Baric, một nhà virus học tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill (Mỹ) cho biết.
Và ở các vùng lân cận của những “nồi quấy virus” như vậy, bạn không cần phải là một người buôn bán động vật hoang dã mới bị lây nhiễm. Ví dụ, gần hang Shitou là nhiều ngôi làng nằm giữa những sườn đồi tươi tốt hồng, cam, óc chó và táo gai. Vào tháng 10/2015, nhóm của Thạch Chính Lệ đã thu thập mẫu máu của hơn 200 cư dân tại 4 trong số những ngôi làng đó. Người ta phát hiện ra rằng 6 người, tương đương gần 3%, mang kháng thể chống lại virus Corona giống như SARS từ dơi, mặc dù không ai trong số này đã từng xử lý động vật hoang dã. Chỉ có một người đã ra khỏi Vân Nam trước khi lấy mẫu, và tất cả đều nói rằng họ đã nhìn thấy những con dơi bay trong làng. Điều đó cho thấy, virus từ dơi đã lây trực tiếp sang người mà không cần qua vật chủ trung gian.
Ba năm trước, nhóm của Thạch Chính Lệ đã được mời đến để điều tra hồ sơ virus tại một hầm mỏ ở núi Mojiang, tỉnh Vân Nam, nơi 6 thợ mỏ bị viêm phổi và 2 người đã tử vong. Sau khi lấy mẫu tại hang mỏ trong một năm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một nhóm virus Corona đa dạng có trong 6 loài dơi. Họ nhận thấy trong nhiều trường hợp, nhiều chủng virus Corona ký sinh trong cùng một loài động vật, biến nó thành một “nhà máy sản xuất ra những virus mới”.
Dơi mật hoa tại Singapore. Ảnh do nhà nghiên cứu Linfa Wang (người Singapore), cộng tác với Thạch Chính Lệ, chụp.
Khi dân cư ngày càng gia tăng xâm lấn vào môi trường sống hoang dã, khi động vật hoang dã và gia súc được vận chuyển qua các quốc gia và các sản phẩm của chúng được đưa đi khắp thế giới, và với sự gia tăng mạnh mẽ của cả du lịch trong nước và quốc tế, một bệnh mới bùng phát có nhiều nguy cơ phát triển ở quy mô dịch và đại dịch. Điều này đã khiến Thạch Chính Lệ và nhiều nhà nghiên cứu khác thức trắng đêm trước khi các mẫu “bệnh lạ” được đưa tới Viện Virus học Vũ Hán vào buổi tối tháng 12/2019 đó.
Khoảng một năm trước thời điểm này, nhóm của Thạch Chính Lệ đã công bố hai đánh giá toàn diện về virus Corona trên tạp chí Virus và Đánh giá tự nhiên vi sinh vật. Rút ra bằng chứng từ các nghiên cứu, bà Thạch và các đồng tác giả đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát các loại virus Corona mới trong tương lai.
Trên chuyến tàu trở về Vũ Hán vào ngày 30/12/2019, Thạch Chính Lệ và các đồng nghiệp đã thảo luận về cách bắt đầu ngay lập tức xét nghiệm các mẫu từ bệnh nhân “viêm phổi lạ”. Và trong những tuần kế tiếp, quãng thời gian căng thẳng nhất trong cuộc đời của Thạch Chính Lệ, “nữ người dơi Trung Quốc” cảm thấy như bà đang chiến đấu trong một cơn ác mộng tồi tệ nhất, dù đó là thứ mà bà đã chuẩn bị để đối mặt suốt 16 năm qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.