Ri Jong Chol đã sống ở Malaysia hơn 3 năm qua.
Theo Reuters, thị thực công việc của Ri Jong-Chol (47 tuổi) cho thấy, người đàn ông này đăng ký làm việc tại một hãng dược nhỏ tên Tombo Enterprise.
Tuy nhiên, quá trình điều tra của cảnh sát xác định, Ri chưa từng đi làm cho công ty này một ngày nào trong suốt 3 năm ở Malaysia và cũng chưa từng nhận lương.
Chong Ah Kow, chủ công ty xác nhận đã tạo điều kiện để Ri có visa công việc. Tài liệu mà phía Malaysia xác định là người Triều Tiên, cho thấy người đàn ông là giám đốc phát triển trong bộ phận IT, nhận 1.230 USD mỗi tháng. Thị thực đã được gia hạn một lần vào tháng 6.2016.
“Đó chỉ là thủ tục trên giấy tờ, tôi chưa từng trả lương cho anh ta”, Chong nói. “Tôi không biết anh ta sống ở Malaysia thế nào, hay lấy tiền ở đâu”.
Chong thường xuyên bay đến Triều Tiên và nói chỉ muốn “giúp đỡ” Ri. Theo Reuters, Chong sẵn sàng chịu mọi hậu quả vì cung cấp thông tin sai lệch cho chính phủ.
Chong nói nghi phạm Ri Jong Chol sống ở Malaysia cùng vợ và hai con. Cảnh sát Malaysia hiện chưa bình luận về lý do vì sao gia đình Ri được hỗ trợ ở Malaysia.
Cảnh sát Malaysia cung cấp thông tin về nghi phạm Ri Jong Chol.
Nghi phạm Ri sống tại một căn hộ ở Kuchai Lama, khu vực đa số dân là tầng lớp trung lưu sinh sống ở ngoại ô Kuala Kumpur. Căn hộ có 3 phòng ngủ ở đây thường được thuê với giá từ 337-449 USD/tháng.
Con gái Ri học tại trường Đại học HELP, trường tư nhân ở phía tây Kuala Lumpur. Ngôi trường này từng phong cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bằng tiến sĩ danh dự trong lĩnh vực kinh tế, vì “nỗ lực không ngừng nghỉ cho giáo dục và hạnh phúc của người dân”.
Chong cho biết, Ri đã tới tìm ông vào năm 2013 ở Kuala Lumpur, và nói rằng mình có liên quan tới việc chiết xuất một loại nấm có khả năng chống ung thư. Chong đã tới Triều Tiên khoảng 10 lần và ngưỡng mộ nền văn hóa nước này.
Ri thường xuyên gặp Chong tại Kuala Lumpur để bàn về công việc kinh doanh. Con gái của Ri giúp phiên dịch từ tiếng Triều Tiên sang tiếng Anh và ngược lại. Tuy nhiên, đôi bên thường không tìm được cơ hội kinh doanh nào trong các cuộc trao đổi này. Lần cuối hai người gặp nhau là vào tháng Giêng.
Malaysia là một trong số những quốc gia mà công dân Triều Tiên có thể dễ dàng nhập cảnh, nhờ chính sách miễn thị thực.
Từ những năm 1980, Triều Tiên đã coi Malaysia là trung tâm thúc đẩy chiến lược và lợi ích kinh doanh, một số nhà phân tích nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.