Chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Hữu Định (54 tuổi), là cha ruột của em Nguyễn Hữu Tiến - thủ khoa Đại học Y Hà Nội năm 2013. Câu chuyện người cha từng sống ở ống cống mưu sinh nuôi các con học hành đỗ đạt từng khiến dư luận cả nước một thời xôn xao và cảm phục.
Căn phòng trọ rộng 9m2 là nơi 3 cha con ông Định tá túc.
Hơn 20h tối, ông mới chạy xe ôm về tới phòng trọ. Khác với cuộc sống cách đây hơn 1 năm về trước , hiện tại, cả 3 cha con ông Định đang tá túc trong căn phòng ở ngõ 72, đường Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Ngồi trong căn phòng chật chội tiếp chuyện chúng tôi, ông Định cho biết, hơn 1 năm trôi qua kể từ khi 2 con trai ông là Nguyễn Hữu Tiến đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội với số điểm 29,5 và Nguyễn Hữu Tiền đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với số điểm 26, ông quyết định đến ở cùng các con.
Ông Định nhớ lại những ngày tháng khốn khó của gia đình mình.
Vốn quê gốc ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, cuộc sống gia đình ở quê khó khăn, phải lo tiền bạc cho các con ăn học nên suốt 10 năm qua, ông Định sống lang thang ở gầm cầu, nhà vệ sinh, nắp cống… khắp phố phường, con ngõ Hà Nội để mưu sinh.
“Hồi 2 anh em nó bắt đầu đi học, cả gia đình tôi được một người tốt bụng cho ở rồi họ nhờ làm bảo vệ chung cư mini trên phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Làm được khoảng gần 1 năm thì mẹ tôi mất, lễ tết không được về ăn tết cùng gia đình, các cháu đi học xa trường hơn 10km nên tôi quyết định quay lại nghề bơm vá, chạy xe ôm rồi 3 cha con dọn về đây ở để các con đi lại đỡ vất vả”, ông Định kể.
Căn nhà trọ cũ nát nên cha con ông phải căng áo mưa trên trần nhà để tránh mưa dột.
Căn phòng này được cha con ông Định thuê trọ với số tiền 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhà được xây dựng từ lâu, cũ nát, mỗi khi mưa lớn lại bị thấm dột nên cha con ông phải phủ áo mưa khắp trên trần, nhất là khu vực quanh giường ngủ.
“Tạm thời 3 cha con tôi cứ ở đây. Thuê cho các cháu gần, thuê ở chỗ khác cũng được nhưng chi phí đắt đỏ trong khi ngày công tôi chạy xe ôm, ngày nào gặp khách thì được hơn 100 nghìn đồng, còn những ngày vắng chỉ có vài chục nghìn đồng”, ông Định thật thà kể.
Công việc bận rộn nên buổi tối 3 cha con ông mới được quây quần bên nhau. (Trong ảnh: Tiến ngồi phía ngoài cùng, bên phải, Tiền ngồi ngoài cùng bên trái).
Hằng ngày, để có tiền trang trải cho cuộc sống, ông Định chạy xe ôm ở khu vực ngã tư Chùa Bộc và ven khu vực quận Cầu Giấy… Ngoài ra, ông còn mang theo cả đồ nghề để bơm, vá xe từ sáng sớm tinh mơ đến tận chiều tối mới về. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông đều tất tả lo cho các con, mái tóc của ông đã thêm nhiều sợi bạc.
Thủ khoa Trường đại học Y Hà Nội năm 2013, Nguyễn Hữu Tiến đang chuẩn bị cho bữa cơm tối.
Tiến trông chững chạc và gầy hơn so với cách đây 1 năm.
Nhìn bê ngoài, Nguyễn Hữu Tiến chững chạc và gầy hơn so với thời điểm cách đây 1 năm. Đứng cắt rau để chuẩn bị bữa cơm tối, Tiến vui vẻ cho biết, ngoài những lúc đi học, anh em Tiến và Tiền còn đi làm gia sư mỗi tuần 2, 3 buổi để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Bữa cơm đơn giản của 3 bố con...
... Chỉ có rau và trứng được mang ở quê ra ăn dần.
Bữa cơm đơn giản chỉ có một đĩa cải bắp và đĩa trứng rán nhưng 3 cha con ông Định đều ăn một cách ngon lành và vui vẻ trò chuyện với nhau. Công việc của ông bận rộn nên duy nhất bữa cơm tối, cha con mới được quây quần. Vì lo đồng ruộng nên bà Nguyễn Thị Thanh (51 tuổi, vợ ông Định) phải ở quê. Khi nào công việc đồng áng bớt bận rộn, bà lại tất tả đi làm thêm đỡ đần chồng lo cho các con.
Thực phẩm cho cả tuần của 3 bố con ông Định.
“Nhà cách nơi ở trọ hơn 50km nên cứ cuối tuần, tôi lại chạy xe máy về lấy gạo, rau, ít trứng ra để phần nào đỡ tiền mua thức ăn”, ông Định vừa nói vừa kéo tủ lạnh vẫn còn ít rau và trứng mang ở quê ra cho chúng tôi xem.
Ông Định bày tỏ hi vọng lo được cho các con ăn học nên người.
Khi hỏi về ước nguyện, ông Định bày tỏ: “Tôi chỉ mong ước một điều là các con học hành nên người. Cuộc đời tôi đã rất khổ rồi, thời gian ở với vợ con trước đây được rất ít. Chỉ mong mỏi các cháu ra trường kiếm sống nuôi được bản thân, có như thế, dù khổ cực thế nào tôi cũng làm, vì các con”.
Tiến mong ước sau này trở thành một bác sĩ giỏi giúp đỡ, chữa bệnh cho người nghèo.
Tiến cũng chia sẻ: “Em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, để sau này trở thành một bác sĩ giỏi giúp đỡ, chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn như gia đình chúng em”.
Cậu em song sinh Nguyễn Hữu Tiền – học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng có nhiều thành tích tốt. Ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ viễn thông giỏi đã thôi thúc Tiền phấn đấu không mệt mỏi.
(Theo Tri thức trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.