Cuộc sống khốn khó khi hết thời của ca sĩ Hàn

Thứ tư, ngày 28/07/2021 12:05 PM (GMT+7)
Sau khi giải nghệ, nhiều ca sĩ phải làm thêm ở quán cà phê, cửa hàng quần áo để trang trải cuộc sống với thu nhập ít ỏi.
Bình luận 0

Có hàng chục nhóm nhạc ra mắt mỗi năm, nhưng rất ít nhóm được khán giả nhớ đến. Hầu hết thực tập sinh Hàn Quốc sống với mức lương ít ỏi, thậm chí có người phải gánh nợ và chờ cơ hội nổi tiếng. Dưới sự cạnh tranh lớn của thị trường, tốc độ đào thải luôn nhanh hơn cơ hội nổi tiếng của thần tượng.

Bởi thế, đằng sau ánh hào quang của những ca sĩ trẻ là cuộc sống thiếu thốn, với thu nhập bấp bênh, thậm chí không bằng những nhân viên văn phòng bình thường. Đặc biệt khi không còn đủ sức trụ lại thị trường giải trí và trở lại cuộc sống hàng ngày, họ phải làm những công việc bán thời gian để trang trải cuộc sống.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao

Theo Yonhap News, số lượng thanh niên thất nghiệp hoặc thiếu việc làm ở Hàn Quốc đang ở mức nghiêm trọng, bất chấp sự cải thiện gần đây của thị trường tuyển dụng. Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người từ 15-29 tuổi là 1,011 triệu vào tháng 12/2019 - một tháng trước khi Covid-19 xuất hiện trên toàn quốc - theo Chỉ số bổ sung III về việc làm do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc thông báo. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 1,205 triệu, tương đương 24,3% vào tháng 5/2021.

Cuộc sống khốn khó khi hết thời của ca sĩ Hàn - Ảnh 1.

Nhóm nhạc ANS tan rã sau thời gian đương đầu với khó khăn.

Theo Korea Times, dịch bệnh bùng phát dẫn đến các quy định giãn cách được áp dụng khiến tình trạng thất nghiệp trong ngành giải trí Hàn Quốc gia tăng. Korea Times cho biết nhân viên các đơn vị tổ chức sự kiện phải bỏ việc vì gần 2 năm qua, các chương trình âm nhạc không được thực hiện. Trong khi đó, nhiều nhóm nhạc, ca sĩ thần tượng cũng phải từ giã sự nghiệp khi mới hoạt động.

Năm 2020, công ty của nhóm nhạc tân binh ANS phải sa thải hầu hết nhân viên vì không đủ tiền chi trả. Nhóm nhạc ANS không có quản lý, phải chuyển ký túc xá từ Sinsa-dong (Seoul) đến Gimpo, tự cập nhật lịch trình, thậm chí tự phụ trách trang web dành cho người hâm mộ. Sau vài tháng gắng gượng, ANS tuyên bố đường ai nấy đi vào tháng 8/2020.

Nhiều nhóm nhạc khác như SPECTRUM, Yellow Bee, TREI, WhiteDay, KHAN, MASC cũng tuyên bố từ bỏ giấc mơ âm nhạc vì sự cạnh tranh quá lớn của thị trường, đặc biệt giữa bối cảnh Covid-19 hoành hành. Nhóm nhạc Moonlight Girls thậm chí tan rã trước khi ra mắt.

Tháng 8/2020, nhóm nhạc NeonPunch tuyên bố dừng hoạt động vì khó khăn kinh tế. Công ty của NeonPunch thông báo: “A100 và các thành viên của NeonPunch đã làm việc chăm chỉ với mục tiêu comeback vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ của công ty, cũng như việc tạm dừng hoạt động của 2 thành viên nên kế hoạch đó tiếp tục bị trì hoãn.

Có nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch Covid-19 khiến chúng tôi đi đến kết luận rất khó để duy trì nhóm nhạc nữ NeonPunch. Vì thế, chúng tôi quyết định để nhóm chính thức tan rã”.

Cuộc sống khốn khó khi hết thời của ca sĩ Hàn - Ảnh 2.

Hàng loạt nhóm nhạc tan rã.

Chật vật kiếm sống sau khi giải nghệ

Thành viên của các nhóm nhạc Kpop tận hưởng những ngày vinh quang khi họ còn trẻ. Nhưng sau khi một nhóm nhạc tan rã, các ngôi sao - vẫn ở độ tuổi 20 hoặc 30 - phải đối mặt với “thế giới thực”.

Đây là tình huống mà hầu như tất cả ngôi sao Kpop đều phải đối mặt sau khi sự nghiệp kéo dài chỉ vài năm. Theo Ủy ban Thương mại Công bằng của Hàn Quốc, 7 năm là thời hạn hợp đồng dài nhất giữa một công ty quản lý và ca sĩ. Sau đó, 2 bên phải gia hạn hợp đồng để duy trì mối quan hệ kinh doanh, nhưng họ thường không làm như vậy.

Một số ca sĩ sau khi dừng sự nghiệp ca hát chuyển hướng làm diễn viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng trụ lại được với công việc có tính cạnh tranh cao không kém này. Số khác chuyển hướng kinh doanh, giảng dạy thanh nhạc, vũ đạo hoặc làm vlog. Với những thần tượng ít danh tiếng, họ khó có được công việc ổn định sau khi từ bỏ ánh đèn sân khấu.

Thiếu thốn kiến thức văn hóa do học thanh nhạc, vũ đạo từ nhỏ lại không kiếm được tiền trong những năm tháng làm thần tượng khiến họ rơi vào tình trạng cùng cực.

Way - cựu thành viên nhóm Crayon Pop - hoạt động trên YouTube sau khi giải nghệ. Cô ra mắt kênh vào năm 2017 và chủ yếu chia sẻ những câu chuyện hậu trường của nhóm nhạc nữ Kpop. Cô đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, từ những khó khăn mà ngôi sao Kpop phải chịu đựng cho đến các mẹo làm đẹp.

Jewelry từng là nhóm nhạc nổi tiếng, thậm chí thắng giải Daesang tại Golden Disc Awards lần thứ 23 nhờ ca khúc One More Time. Nhưng khi danh tiếng qua đi, các thành viên của nhóm cũng phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt. Baby J (tên thật Jooyeon) chật vật để kiếm được tiền sau khi giải nghệ.

Nữ ca sĩ nổi tiếng một thời cho biết phải làm công việc bán thời gian. “Tôi thậm chí làm việc tại cửa hàng pizza và bán quần áo. Tôi đã khóc rất nhiều và dần trở nên tự ti hơn", cô nói.

Đầu năm 2020, trong một chương trình, Baby J rơi nước mắt chia sẻ cô làm việc tại một quán cà phê trong khoảng 9 tiếng mỗi ngày và chỉ được trả 1 triệu won một tháng. Đó là mức lương tối thiểu với nhân viên trong quán. Nữ thần tượng đã tìm đến nhiều công ty giải trí với hy vọng được trở lại ngành nhưng không nơi nào chấp nhận cô.

Cuộc sống khốn khó khi hết thời của ca sĩ Hàn - Ảnh 4.

Choi Yun Jin mở quán cà phê bán ven đường sau khi giải nghệ.

Tương tự đàn chị, Choi Yun Jin - cựu thành viên nhóm TINT - tìm đến công việc ở quán cà phê sau khi giải nghệ. Nói với tờ Newsen, cựu ca sĩ cho biết cô cùng bạn thân mở quán cà phê. Mỗi ngày cô thức dậy từ 7h để chuẩn bị đồ uống cho khách hàng.

Giữa năm 2020, CAP - trưởng nhóm Teen Top - tiết lộ trong chương trình phát sóng trực tuyến anh không hoạt động trong một thời gian dài và chật vật về tài chính. Thời gian đó, anh chỉ có thể trông chờ vào khoản lương 703 won hàng tháng từ công ty môi giới.

Ban đầu nam ca sĩ thảo luận với công ty phát sóng trực tiếp mỗi tuần một lần, nhưng do thu nhập kém nên anh buộc phải tăng số lần phát. CAP tiết lộ các thành viên khác của Teen Top cũng đang trong tình trạng tài chính eo hẹp, họ hy vọng có việc làm càng sớm càng tốt.

Theo CAP, Chunji trước khi nhập ngũ đã thực hiện rất nhiều video cover trên một nền tảng, nhưng nam ca sĩ phải ngừng quay do không đủ kinh phí. CAP cho biết biết tất cả thu nhập từ việc quay video của Chunji thuộc về chủ sở hữu bản quyền và anh ấy không đủ khả năng để tiếp tục quay. Ricky ở tình trạng tương tự Chunji.

Chia sẻ của CAP gây sốc bởi Teen Top không phải nhóm nhạc vô danh. Họ từng nổi tiếng và có lượng fan ổn định. Tuy nhiên, nếu xem xét thực trạng nhóm nhạc Hàn Quốc, khi mức kinh phí đầu tư quá lớn nhưng thu nhập không đáng kể, việc ca sĩ thần tượng không kiếm được tiền trong và sau khi hoạt động là dễ hiểu. Ngay cả những nhóm nổi tiếng như 2AM, Momoland cũng không được trả lương trong thời gian dài sau khi ra mắt.

Năm 2019, công chúng Hàn Quốc chấn động trước thông tin Hara - cựu thành viên Kara - tự tử tại nhà riêng. Một người thân tiết lộ với tờ Osen ngoài vụ kiện bị bạn trai bạo hành, Hara còn cô đơn và áp lực khi công việc của cô trong ngành giải trí gặp nhiều khó khăn.

Lan Phương (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem