Hai giai nhân đình đám được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt đầu tiên

Yến Thanh Thứ năm, ngày 26/12/2024 19:04 PM (GMT+7)
Trong danh sách các nghệ sĩ được phong tặng hay truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đợt đầu tiên vào năm 1984, có hai nữ nghệ sĩ được công chúng ngưỡng mộ cả về tài năng lẫn nhan sắc.
Bình luận 0

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Dậu

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Dậu sinh ngày 9/1/1945 tại Hà Nội trong một gia đình khá giả. Năm 13 tuổi, bà tham gia Đội sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tới 16 tuổi, khi đang học ở trường trung học Việt - Đức, bà nhận được giấy gọi vào Đoàn ca múa nhạc Trung ương. Từ đó, nữ nghệ sĩ bắt đầu sự nghiệp âm nhạc.

Tuổi đôi mươi, nghê sĩ Vũ Dậu đặt chân trên nhiều nẻo đường của đất nước để phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Năm 1965, bà có mặt trong đoàn nghệ sĩ miền Bắc đầu tiên vào tuyến lửa Quảng Trị.

Hai giai nhân đình đám được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt đầu tiên - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Dậu thời trẻ. (Ảnh: ST)

Năm 20 tuổi, Vũ Dậu kết hôn với nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng, người hơn bà 9 tuổi, cũng là người thầy dẫn dắt bà trong sự nghiệp. Năm 1967, bà sinh con trai đầu lòng (cố nhạc sĩ Ngọc Châu). Sáu năm sau, bà sinh con thứ hai là nữ ca sĩ Khánh Linh.

Vũ Dậu đi hát sớm tuy nhiên lại nổi tiếng muộn hơn nhiều so với những ca sĩ cùng thời như Bích Liên, Mỹ Bình, Diệu Thúy... Mặc dù có cả thanh lẫn sắc, nhưng do bản tính nhút nhát, Vũ Dậu chỉ dám hát tốp ca. Đến năm 1972, bà mới bắt đầu hát đơn. Cũng từ đây, nữ nghệ sĩ nổi tiếng với hàng loạt ca khúc nhạc cách mạng như Cô gái mở đường, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Đôi dép Bác Hồ... và đặc biệt là những ca khúc của Phan Huỳnh Điểu như Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Đêm nay anh ở đâu...

Hai giai nhân đình đám được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt đầu tiên - Ảnh 2.

NSƯT Vũ Dậu ở tuổi gần 80. (Ảnh: FB ca sĩ Khánh Linh)

Ở thập niên 1980, bà là một trong những ca sĩ đầu tiên hát nhạc nhẹ tại miền Bắc. Nghệ sĩ thể hiện những bài hát Việt Nam, Liên Xô, Đông Âu, Triều Tiên... với phong cách mới, được nhiều khán giả yêu thích, mến mộ. Đến năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Hiện tại, ở tuổi xế chiều, NSƯT Vũ Dậu dành nhiều thời gian cho Phật pháp. Chia sẻ với Dân Việt, ca sĩ Khánh Linh cho biết cô cảm phục sự kiên cường của mẹ: "Những năm qua, nhà tôi có quá nhiều chuyện xảy ra, anh Ngọc Châu qua đời. Tất cả những gì tôi có thể giúp mẹ là an ủi tinh thần và chăm lo sức khỏe để bà vững vàng hơn. Tôi vững vàng thì mẹ tôi mới vững vàng. Nhưng trước mẹ, tôi lúc nào cũng bé bỏng. Mẹ luôn dặn dò mọi thứ dù tôi đã ở tuổi 41”.

Cố nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga

NSƯT Thanh Nga (tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga) sinh năm 1942 tại Tây Ninh. Bước lên sân khấu từ năm 8 tuổi, bà được khán giả vô cùng yêu mến và đặt biệt danh là "Thần đồng cải lương".

Từ năm 16 tuổi, NSƯT Thanh Nga đã trở thành "ngôi sao sáng" của làng cải lương miền Nam. Tên tuổi của nữ nghệ sĩ gắn liền với nhiều vở diễn kinh điển như: Người vợ không bao giờ cưới; Bên cầu dệt lụa; Tiếng trống Mê Linh... Bên cạnh tài năng, nữ nghệ sĩ còn sở hữu nhan sắc vạn người mê, luôn bừng sáng mỗi khi đứng dưới ánh đèn sân khấu.

Hai giai nhân đình đám được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt đầu tiên - Ảnh 3.

Cố Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga. (Ảnh: NX)

Bà từng đoạt giải Thanh Tâm triển vọng với vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới. Năm 1966, nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở Sân khấu về khuya. Ngoài cải lương, Thanh Nga cũng là gương mặt tham gia nhiều phim điện ảnh. Thanh Nga từng nhận giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1974, với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều.

Biến cố xảy ra với NSƯT Thanh Nga vào tháng 11/1978. Tối đó, bà cùng gia đình bước lên xe sau khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng. Một kẻ lạ mặt đã xông vào xe, chĩa súng đòi bắt cóc con trai bà. Trong lúc cố gắng bảo vệ con trai, nữ nghệ sĩ Thanh Nga và chồng đã bị bọn bắt cóc nổ súng sát hại. Bà qua đời ở tuổi 36, khi đang ở thời kỳ rực rỡ nhất.

Năm 1984, bà là nữ nghệ sĩ đầu tiên dù đã qua đời nhưng vẫn được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt xét tặng đầu tiên. Danh hiệu một lần nữa khẳng định những đóng góp của Thanh Nga với nền cải lương nước nhà.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem