Cuộc sống nữ công nhân mang thai hơn 7 tháng "mắc kẹt" tại công trình ở Hà Nội những ngày giãn cách xã hội

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 25/08/2021 19:30 PM (GMT+7)
Đang mang thai tháng thứ 7, do dịch bệnh Covid-19, Hà Nội giãn cách xã hội nên chị Trần Thị Hoa (ở Hải Phòng) cùng nhiều công nhân khác "mắc kẹt" tại công trình. Chị Hoa cũng tỏ ra lo lắng nếu dịch phức tạp sẽ phải sinh con ở thủ đô với chi phí tốn kém.
Bình luận 0

Cuộc sống nữ công nhân mang thai hơn 7 tháng tại công trình xây dựng ở Hà Nội

Ngày 25/8, anh Bùi Văn Quý (30 tuổi) cùng vợ là chị Trần Thị Hoa (31 tuổi, quê xã Lại Xuân, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) cùng nhóm công nhân xây dựng chuẩn bị bữa cơm trưa.

Nhóm công nhân của anh Quý gồm 8 người suốt hơn 1 tháng qua "mắc kẹt" tại công trình xây dựng trên đường Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đặc biệt, chị Hoa (vợ anh Quý) đang mang thai hơn hơn 7 tháng, không lâu nữa đứa con thứ 4 của họ sẽ chào đời.

Cuộc sống nữ công nhân mang thai hơn 7 tháng "mắc kẹt" tại công trình ở Hà Nội những ngày giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Những ngày "mắc kẹt" tại Hà Nội, anh Quý cùng người vợ mang thai tháng thứ 7 thường xuyên gọi điện cho các con ở quê. Ảnh: Gia Khiêm

Bữa cơm trưa đơn giản có hai đĩa su su luộc, trứng rán, lạc rang cùng bát mì tôm pha làm canh. Tất cả vui vẻ trò chuyện cùng nhau ăn qua bữa rồi ai về phòng nấy nghỉ ngơi. Chiều đến, mọi người lại tụ tập nấu nướng. Cứ như vậy, công việc này được mọi người "lập trình" đều đặn suốt thời gian Hà Nội giãn cách xã hội.

Ôm bụng bầu đã vượt mặt, chị Hoa kể, vợ chồng đã có 3 người con (trong đó có 2 bé sinh đôi một trai một gái năm nay 11 tuổi, bé gái thứ ba 6 tuổi). Các con chị nhờ ông bà nội chăm sóc. Cách đây hơn 2 tháng, chị cùng chồng lên Hà Nội làm thuê xây dựng.

Cuộc sống nữ công nhân mang thai hơn 7 tháng "mắc kẹt" tại công trình ở Hà Nội những ngày giãn cách xã hội - Ảnh 2.

Bữa cơm trưa 25/8 gồm hai đĩa su su luộc, trứng rán, lạc rang cùng bát mì tôm pha làm canh của nhóm công nhân. Đây đều là thực phẩm được hỗ trợ. Ảnh: Gia Khiêm

Hàng ngày, chị chăm lo hậu cần cơm nước cho đội ngũ thợ gần 30 người ở công trình với hy vọng kiếm thêm thu nhập lo cho các con và đỡ buồn bã chân tay lúc mang thai. Tuy nhiên, làm được 1 tháng thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Những ngày qua, chị Hoa cùng mọi người phải nghỉ việc ở yên một chỗ.

Cuộc sống nữ công nhân mang thai hơn 7 tháng "mắc kẹt" tại công trình ở Hà Nội những ngày giãn cách xã hội - Ảnh 3.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến ngày sinh, chị Trần Thị Hoa không khỏi lo lắng. Ảnh: Gia Khiêm

"Tôi muốn tranh thủ lên đây làm cùng chồng kiếm thêm thu nhập khi nào gần sinh sẽ về quê. Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp, công việc tạm dừng, về quê cũng không về được đành ở lại đây hết ngày. Ba con ở nhà tôi không về được nên nhờ ông bà sắm sách vở cho các con. Mặc dù xa bố mẹ nhưng các con ngoan ngoãn, đều đạt học sinh giỏi. Hằng ngày, vợ chồng tôi gọi điện về nói chuyện với các con nguôi ngoai nỗi nhớ", chị Hoa chia sẻ.

Cuộc sống nữ công nhân mang thai hơn 7 tháng "mắc kẹt" tại công trình ở Hà Nội những ngày giãn cách xã hội - Ảnh 4.

Mọi người cùng hỗ trợ nhau trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Mang thai khiến việc đi lại khó khăn nên từ việc cơm nước, chồng chị Hoa cùng nhóm công nhân phân chia nhau làm. Mọi người cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

"Dịch giã khiến chúng tôi gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm. Cũng may những ngày qua, UBND phường, công an hỗ trợ gạo, nước mắm, nhu yếu phẩm nên mọi người cũng đỡ hơn", chị Hoa kể.

"Tôi mong hết dịch để yên tâm sinh con"

Trước đó, chị Hoa dự tính đến thời kỳ mang thai tháng thứ 8 sẽ về quê chờ sinh. Tuy nhiên, những dự định đó của chị phải tạm dừng do dịch bệnh. Chị đã chuẩn bị đồ sơ sinh cho con ở quê. Thế nhưng, nếu Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, khả năng chị sẽ phải sinh con ở thủ đô.

Cuộc sống nữ công nhân mang thai hơn 7 tháng "mắc kẹt" tại công trình ở Hà Nội những ngày giãn cách xã hội - Ảnh 5.

Dịch bệnh khiến công việc của anh Quý cùng mọi người đều phải tạm dừng. Ảnh: Gia Khiêm

"Giờ tôi cũng muốn về quê nhưng nếu về phải đi cách ly 28 ngày (trong đó 14 ngày cách ly tập trung, 14 ngày cách ly tại nhà), chi phí ăn uống tại khu cách ly, tiền xét nghiệm sẽ rất tốn kém. Thêm nữa, trong bối cảnh dịch bệnh này đi lại không an toàn. Nếu ở Hà Nội, chi phí sinh đẻ cao.

Vợ chồng tôi ở công trường, nếu chuyển dạ thì phải thuê trọ ngoài, lại thêm một khoản tiền không nhỏ. Giờ mong sao dịch bệnh sớm qua đi, Hà Nội hết giãn cách xã hội để mọi người tiếp tục công việc, tôi cũng yên tâm về quê sinh con", chị Hoa bày tỏ.

Cuộc sống nữ công nhân mang thai hơn 7 tháng "mắc kẹt" tại công trình ở Hà Nội những ngày giãn cách xã hội - Ảnh 6.

Chị Hoa mong Hà Nội sớm hết giãn cách xã hội để về quê sinh con tiết kiệm chi phí. Hai vợ chồng dắt tay nhau đi quanh trong công trình để chị đỡ bị "buồn chân". Ảnh: Gia Khiêm

Chị Hoa cũng tỏ ra cảm kích khi nhận được sự quan tâm của cơ quan ban ngành phường Nguyễn Du. "Chúng tôi được Mặt trận tổ quốc phường giúp đỡ lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó còn tặng cho tôi sữa bầu, động viên tôi nếu sinh con ở Hà Nội cần hỗ trợ sẽ giúp đỡ nhiệt tình. Tôi rất cảm kích. Nếu không nhận được sự quan tâm này, cuộc sống của những công nhân thất nghiệp như chúng tôi sẽ rất khó khăn", thai phụ chia sẻ.

Tiếp lời vợ, anh Quý cho biết, suốt những ngày qua dịch bệnh phức tạp nên anh chị không ra khỏi công trình. Hằng ngày lúc buồn chán anh lại dẫn vợ đi loanh quanh trong khu vực công trình, động viên tinh thần để vợ khuây khoả.

"Tôi mong sao dịch bệnh đỡ để chúng tôi tiếp tục công việc thường ngày lo cho gia đình, vợ con. Tôi cũng động viên anh em cùng cố gắng trong lúc khó khăn này. Nhà có gì ăn nấy. Chúng tôi cũng đã nhận được gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm UBND phường chu cấp trong những ngày giãn cách xã hội.

Mong sao hết dịch đưa vợ về quê kịp ngày sinh để người thân tiện chăm sóc và phần nào đỡ chi phí. Trường hợp nếu dịch bệnh tiếp tục, tôi cũng tính đến phương án sẽ chuẩn bị để vợ sinh tại Hà Nội" anh Quý nói.

Anh Quý cho biết thêm, ngoài nhóm công nhân của anh, còn có nhiều người lao động khác cũng làm cho công trình này. Những ngày này, mọi người đều ở yên tại công trình không ra ngoài.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Kiều Thị Nguyệt Nga, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng cho biết, trong đợt Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chính quyền luôn quan tâm đặc biệt tới những gia đình khó khăn, người lao động làm thêm thất nghiệp, sinh viên mắc kẹt.

"Từ nguồn huy động xã hội hoá chúng tôi kêu gọi vận động được hơn 300.000.000 đồng. Phường Nguyễn Du đã hỗ trợ xấp xỉ 1.000 suất quà, mỗi suất trị giá khoảng 300.000 đồng gồm mì tôm, gạo, nước mắm, thực phẩm thiết yếu… , các quán ăn nấu miễn phí mỗi ngày 100 suất ăn miễn phí hỗ trợ cho người lao động làm thuê, tiếp tế cho người dân để mọi người yên tâm ở nhà chống dịch, không ra ngoài", bà Nga thông tin.

Về nữ công nhân đang mang thai tháng thứ 7, bà Nga cho hay, chính quyền rất quan tâm tới trường hợp này. Theo bà Nga, nhóm công nhân ở đây hiện có 17 người đều đã nhận được trợ cấp.

"Ngày 17/8, vừa qua chúng tôi trợ cấp cho mọi người 20 kg gạo, mì tôm, trứng, dầu ăn… Trong chiều 24/8, chúng tôi giúp đỡ thêm 30 kg, 5 thùng mì tôm, vài kg lạc, nước mắm… Thấu hiểu hoàn cảnh cô ấy mang thai, tôi tặng riêng tiền mua sữa bầu với mong muốn mẹ con khoẻ mạnh vượt qua đợt dịch này", bà Nga chia sẻ.

Bà Nga cũng cho biết thêm: "Trong trường hợp nếu chị Hoa sinh con tại đây cần sự giúp đỡ, chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ. Chúng tôi sẽ cùng kết hợp với Hội phụ nữ phường giúp đỡ như quần áo, sơ sinh, bỉm, sữa... Góc độ địa phương giúp được gì chúng tôi sẽ giúp hết sức. Chính vì vậy, chị Hoa hãy yên tâm chăm lo sức khoẻ để mẹ tròn con vuông".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem