Hai bên đường Lương Định Của (quận 2, TP HCM) vẫn còn khoảng chục căn nhà tuềnh toàng của các hộ dân không di dời vì cho rằng đất của mình không nằm trong quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm. Con đường Lương Định Của bị chặn một đầu, lổn nhổn hạ tầng và thường xuyên bị ngập nước khi trời mưa.
Không có người thu gom nên quanh nhà những hộ dân còn bám trụ lại ở Thủ Thiêm chất đầy rác thải. Ngoài ra, tình trạng an ninh không đảm bảo khiến người dân hay bị mất cắp.
Gần một tuần nay, những cơn mưa diễn ra thường xuyên làm nhà của bà Trịnh Thị Kim Cúc (60 tuổi) lúc nào cũng lênh láng nước. "Nước chưa kịp rút thì cơn mưa khác ập đến. Hôm nào có triều cường thì ngập đến đầu gối luôn. Đồ đạc trong nhà tôi phải kê hết lên cao", bà Cúc cho biết. Khu đất của bà Cúc khoảng 5.000 m2. Năm 1997, một năm sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, căn nhà của bà được chính quyền xác định nằm trong khu dân cư, ngoài quy hoạch. Tuy nhiên nhiều năm sau đó, ngôi nhà lại bị xác định thuộc khu vực giải tỏa. Khẳng định chính quyền làm sai, gia đình bà nhất quyết không di dời.
Trước khi có quyết định giải tỏa, khu đất nhà bà Cúc vốn là một nhà hàng tiệc cưới. Bây giờ, con cái bà đã dọn tạm ra bên ngoài ở, còn bà kiếm sống qua ngày nhờ dãy nhà trọ cho công nhân thuê và tiệm tạp hóa nho nhỏ cũng chỉ bán cho người trong xóm.
Nhà bà Cúc đã xập xệ do nhiều năm không được phép sửa chữa. Hơn 15 năm nay, mỗi mùa mưa đến nhà đều ngập, bà đã quá quen với cảnh đi ủng quanh nhà, ăn uống, sinh hoạt ngay trên giường. "Ở đây chỉ làm bạn với cây cối rậm rạp, ruồi muỗi, tối đi ngủ phải mắc màn mà có khi nước dâng cao quá đành thức trắng cả đêm. Dù vậy, tôi vẫn cố sống trên chính mảnh đất của ông bà để lại", người phụ nữ 60 tuổi chia sẻ.
Ngồi ăn mì tôm trước khoảng sân tựa như cái ao, anh Bùi Huy Hoàng (32 tuổi) cho biết, đã cho vợ cùng hai con nhỏ về nhà ngoại ở quận 9 để không còn chịu cảnh ngập nước trường kì. "Hơn chục năm nay tôi quen với cảnh nhà thành ao, trước kia ngập nhanh rút giờ thì nước không có chỗ thoát. Khi mưa thì nước dột khắp nơi, còn có cả rắn rết theo dòng nước chui vào nhà. Cả nhà tôi nhiều người bị lở loét mấy kẽ chân do ngâm nước thường xuyên", anh Hoàng nói.
Căn nhà của gia đình anh Hoàng xuống cấp, luôn lõng bõng nước, rêu mốc bám khắp nơi. Trong nhà gần như trống trơn do đồ đạc phần hư hỏng hoặc được dời ra chỗ khác, trở thành nơi vui chơi của đám trẻ trong xóm. "Từ thời Pháp thì dòng họ tôi đã ở khu đất này, tính ra tôi là người Thủ Thiêm gốc đấy chứ. Tiền đền bù tôi không nhận vì bản chất nhà của tôi nằm ngoài ranh giới quy hoạch năm 1996 mà Thủ tướng phê duyệt thì cớ sao giải tỏa", anh Hoàng bày tỏ.
Ở cạnh nhà anh Hoàng, sau khi giặt đồ xong thì chị Bùi Thị Hồng Quyên dùng xe máy chạy ra chỗ ráo phơi đồ. Do cả khu bị ngập nước nên hầu như việc đi lại chị đều dùng xe máy cho khỏi ướt chân tay, quần áo.
Quần áo, đồ đạc phải để trong phòng khách, nơi ít ngập nhất, chị Trần Thị Út Tần (27 tuổi) ngao ngán: "Mang tiếng là cư dân thành phố nhưng quanh đây không tiện ích, cây cối um tùm, điện đường hư hỏng phải tự sửa để đảm bảo an ninh".
Một hồ cá đã trở thành hồ bơi của những đứa trẻ trong xóm.
Bà Phạm Thị Vinh (66 tuổi, khu phố 1, phường Bình An) thuê người đào tạm rãnh để nước trong nhà có chỗ thoát mỗi khi trời mưa hay triều cường. "Trước đây khu vực này có trường học, trạm y tế, điện, hệ thống thoát nước... đầy đủ nhưng mấy năm trước đã bị phá bỏ nên cuộc sống những người còn ở lại gặp nhiều khó khăn", bà cho hay.
Những công nhân ở thuê tại dãy trọ luôn đi làm về nhà trong cảnh dắt bộ vì xe chết máy. Họ cho biết, ở đây kiếm phòng trọ đàng hoàng không có vì nhà dân đã bị giải tỏa hết, chỉ còn đất phân lô, cao ốc... trong công trường ngổn ngang. Những người bám trụ hàng chục năm từ khi bị di dời nhà ở tại Thủ Thiêm dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn chờ một ngày được giải quyết đền bù thỏa đáng. Tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Khu đô thị có các chức năng chính là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí... Để đầu tư xây dựng siêu dự án này, thành phố đã mất 10 năm giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời.
Cuộc sống của những cư dân cuối cùng ở Thủ Thiêm. Video: Đức Huy.
Quỳnh Trần (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.