Cuộc sống trong khu trọ 0 đồng giữa mùa dịch Covid-19

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 12/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 ập đến khiến nhiều người rơi vào cảnh vô cùng khó khăn. Trong đó, rất nhiều người buộc phải trả lại phòng trọ, gói ghém đồ đạc để quay về quê hương. Có những người trở thành vô gia cư, lay lắt cảnh màn trời chiếu đất… May mắn thay có khu trọ 0 đồng.
Bình luận 0

Những ngày không quên

12 ngày sống lang thang khắp nơi, khi thì ở gầm cầu, khi thì góc chợ, nhà hoang, công viên… là khoảng thời gian suốt cuộc đời này anh H.V.T (27 tuổi, quê Lạng Sơn) không thể nào quên. Có nằm mơ, anh cũng không bao giờ nghĩ rằng có một ngày, thanh niên trai tráng, sức dài vai rộng như anh phải vật vờ, xin ăn từng bữa.

Cuộc sống của những người dân trong khu trọ 0đ giữa mùa Covid-19 - Ảnh 1.

26 phòng trọ tại địa chỉ 345A Tô Ngọc Vân đang cho những người khó khăn không có nơi ở vào ở tạm trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Anh T. kể, vào TP.HCM lập nghiệp hơn 11 năm, cuộc sống không dư dả nhưng cũng chẳng thiếu thốn. Nhà nghèo, lam lũ từ nhỏ nên anh quen sống tằn tiện, tiết kiệm. Tiền làm được anh chỉ dành một phần lo cho bản thân, còn lại gửi về nhà giúp đỡ gia đình.

"Khoảng 4 tháng trước, vì ảnh hưởng dịch bệnh, công ty may nơi tôi làm (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) không cầm cự nổi buộc phải cho hơn 300 công nhân nghỉ việc. Ban đầu, tôi và một số anh em đến ở nhờ tại công ty. Ở đây chúng tôi được hỗ trợ ăn uống và không phải trả tiền trọ. Tuy nhiên, ở được một thời gian ngắn thì công ty buộc phải giải tán số công nhân này vì không còn khả năng hỗ trợ. Tiền không có để thuê phòng, xin tá túc tứ phương nhưng bất thành, tôi trở thành kẻ vô gia cư thật sự" – anh T. cười chua chát.

Cuộc sống của những người dân trong khu trọ 0đ giữa mùa Covid-19 - Ảnh 2.

Anh H.V.T cho biết rất cảm kích khi được giúp đỡ, cho vào ở tạm trong thời gian dịch bệnh. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Được biết, lúc rời công ty, anh T. được hỗ trợ 800.000đ để trang trải. Thế nhưng, ở thời điểm giãn cách xã hội, khắp nơi căng giây phong toả, anh T. không thể tìm được nơi thuê trọ. Tìm đến bạn bè, người thân nhưng cũng đành bất lực, vì người thì ở trong khu phong toả, nơi thì chính quyền không cho phép đưa người lạ vào ở. Thế là anh đành xách túi có vài ba bộ quần áo và đồ sinh hoạt cá nhân đi lang thang khắp nơi. Ban ngày thì ngồi lề đường, cây xăng, ban đêm thì chui xuống gầm cầu, góc chợ để ngủ.

"12 ngày lang thang, vất vưởng khắp nơi và đối diện với nỗi sợ hãi chưa từng có trong đời. Sợ lang thang mà nhiễm bệnh thì không biết sẽ như thế nào. Sợ vì ngủ vật vờ ngoài đường với biết bao nhiêu nguy hiểm xung quanh… Tôi không thể ngờ được cũng có lúc mình bế tắc đến vậy. Về chuyện ăn uống, ngày nào may mắn thì gặp được nhóm từ thiện cho cơm, cho bánh mì ăn. Ngày nào xui thì chỉ ăn mì gói sống hoặc nhịn đói cho qua bữa. Tắm rửa, vệ sinh thì vào cây xăng xin dùng ké" - anh T. nói.

Cuộc sống của những người dân trong khu trọ 0đ giữa mùa Covid-19 - Ảnh 4.

Hai mẹ con chị H.T.X đứng trước căn phòng được hỗ trợ cho ở tạm trong lúc dịch bệnh phức tạp. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tương tự, chị H.T.X (sinh năm 1993, quê Quảng Ngãi) cho biết, không còn bám trụ nổi với cuộc sống chồng chất khó khăn, chị phải trả phòng trọ, ôm đứa con gái nhỏ 10 tháng tuổi để tìm cách về quê. Tuy nhiên, thành phố áp dụng giãn cách, không có cách nào để di chuyển được. "Cuộc sống mờ mịt, tối tăm, không biết ngày mai ra sao. Quay lại thuê trọ thì không có tiền, bước tiếp thì chẳng biết về đâu…" – chị X. nói.

Không tin nổi có nơi cho ở miễn phí

Nói tiếp hành trình của mình, chị X. cho biết, khi đang ôm con ghé vào cửa hàng tạp hóa mua đồ, thì chủ tiệm nói về nhà trọ 0 đồng dành cho người khó khăn trong đợt dịch Covid-19.

"Ban đầu tôi không tin. Tôi nghĩ làm gì có ai tốt đến vậy, thời buổi này ai cũng khó khăn cả mà. Thế nhưng, chỉ sau một cuộc gọi thì đã có người tới đón hai mẹ con tôi. Ngồi sau xe, tôi vẫn bán tín bán nghi và nói với anh tình nguyện viên, rằng tôi đã khổ lắm rồi, đừng lừa đảo hay chở tôi đi bán. Đến bây giờ,thi thoảng gặp lại, anh tình nguyện viên này vẫn còn chọc tôi" – chị X . kể.

Cuộc sống của những người dân trong khu trọ 0đ giữa mùa Covid-19 - Ảnh 5.

Dãy trọ với 26 phòng rộng rãi, sạch sẽ, chưa đưa vào kinh doanh được anh Vũ sử dụng cho người dân ở tạm. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Anh T. cũng cho biết, gần nửa tháng sống cảnh màn trời, chiếu đất thì đến ngày 21/8, anh tìm được thông tin dự án ATM nhà trọ miễn phí ở TP.HCM.

Liên hệ tổng đài, anh được hỗ trợ đến ở tại nhà trọ của anh Đỗ Viết Vũ (Giám đốc Công ty Azone) ở địa chỉ số 245 Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12. "Thấy người dân cực khổ quá, sống lang thang vật vạ ngoài đường nên tôi đã bàn với anh em trong công ty, cho người dân vào ở tạm qua mùa dịch. Sau đó, ai đi làm được thì đi làm, ai về quê thì về quê. Chứ dịch dã nguy hiểm mà phải ở ngoài đường, nắng mưa sương gió càng nguy hiểm hơn" – anh Vũ nói.

Cuộc sống của những người dân trong khu trọ 0đ giữa mùa Covid-19 - Ảnh 3.

Phòng trọ hơn 10m2, có gác và rất sạch sẽ, thoáng mát. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Trao đổi với Dân Việt, anh Đỗ Viết Vũ cho biết, dãy trọ được công ty xây dựng với mục đích kinh doanh, nhưng vì dịch bệnh nên chưa đưa vào hoạt động được. Bản thân anh Vũ thường xuyên đi phát quà từ thiện, nên gặp nhiều người lang thang ngoài đường không có nơi ở. Hỏi thăm thì được biết, hoàn cảnh quá khó khăn, họ trả phòng trọ để về quê nhưng bị vướng chỉ đạo "ai ở đâu thì ở yên đó" nên mắc kẹt lại.

Cũng theo anh Vũ, ngoài dãy trọ này, anh còn có một dãy khác ở phường Tân Hiệp Chánh, Quận 12. Ban đầu, nhà trọ 0 đồng đã tiếp nhận khá đông người vào ở. Tuy nhiên, vì thực hiện yêu cầu cách giãn của địa phương, nên công an phường Thạnh Xuân đã di tản bớt người dân đi. Do đó, hiện phòng trống còn nhiều và có thể tiếp nhận thêm cả trăm người nữa nếu có nhu cầu.

Cuộc sống của những người dân trong khu trọ 0đ giữa mùa Covid-19 - Ảnh 7.

Bà L.T.P (52 tuổi) là một bệnh nhân điều trị Covid-19 trở về nhưng không thể vào phòng trọ để tự cách ly thêm 14 ngày nên được hỗ trợ vào ở tại nhà trọ 0đ. Ảnh: Mỹ Quỳnh

"Ở đây hội tụ đủ các hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả trường hợp là F0 đi điều trị trở về nhưng không có nơi ở. Trước khi vào đây, người dân phải test và có kết quả âm tính với Covid-19, đồng thời, trong quá trình sinh sống không được ra khỏi dãy trọ và tuân thủ nguyên tắc 5K. Ngoài ra, người dân cũng phải thực hiện test Covid-19 thường xuyên theo yêu cầu của địa phương" - anh Vũ cho biết.

Cuộc sống của những người dân trong khu trọ 0đ giữa mùa Covid-19 - Ảnh 8.

Những người vào đây ở tạm đều cố gắng hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau và xem nhau như một gia đình mới. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dù đã ở đây được 20 ngày, nhưng khi được hỏi đến, bà T.T.L.T (60 tuổi, ) vẫn rất xúc động. Bà cho biết, 60 năm có mặt trên cuộc đời, lần đầu tiên bà cảm nhận được sự bao bọc, hỗ trợ và giúp đỡ trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

"Được vào đây ở thật sự là điều may mắn của tôi cũng như những người nơi đây. Không chỉ có nơi ở đàng hoàng, an toàn giữa mùa dịch mà còn được cung cấp nhu yếu phẩm như gạo, rau củ, thực phẩm, gia vị... Nếu không nhận được sự giúp đỡ này, không biết chúng tôi sẽ ra sao nữa..." - bà T. nghẹn ngào nói.

Dự án ATM nhà trọ cộng đồng do Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại TP.HCM (YSW) hỗ trợ thông qua tổng đài 1900.638.090.

Dự án được phát động vào giữa tháng 8/2021 để chia sẻ phần nào gánh nặng về nhà trọ cho người lao động gặp khó khăn khi TP.HCM giãn cách xã hội. Cùng với ATM nhà trọ, YSW còn thực hiện song song chương trình ATM việc làm, kết nối với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc có việc làm phù hợp, giúp họ có thu nhập, trang trải cuộc sống.

Hiện tại, YSW đã vận động được hơn 200 phòng từ các chủ nhà trọ hảo tâm, các mạnh thường quân trên địa bàn. Nhóm dự án sẽ chia sẻ thông tin lên các trạng mạng xã hội để vận động nguồn nhà trọ. Ngoài ra nhóm cũng phát triển nguồn nhà trọ thông qua các kênh tuyên truyền đến các cơ sở Đoàn quận, huyện. Người cho thuê trọ có thể đưa ra yêu cầu cụ thể là có thể tiếp nhận những nhóm người theo nghề nghiệp, giới tính, tình trạng hôn nhân… Dựa vào những thông tin này, dự án sẽ điều phối người đến cho phù hợp với yêu cầu chủ trọ.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc dự án ATM nhà trọ công đồng (YSW), những người được tiếp nhận phải xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi vào ở, được hỗ trợ tiêm vaccine để đảm bảo an toàn phòng dịch. Nhóm dự án tổ chức vận động các tổ chức xã hội, người hảo tâm và địa phương hỗ trợ lương thực thực phẩm cho người ở trọ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem