Cuộc thi lớp 6 trường chất lượng cao tại Hà Nội: Vì sao chưa bao giờ bớt ‘hot’?

Thứ năm, ngày 25/05/2023 08:44 AM (GMT+7)
Năm nay số học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 6 các trường chất lượng cao ở Hà Nội tăng, khiến không ít phụ huynh, học sinh như ngồi trên đống lửa.
Bình luận 0

Năm nay, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khi yêu cầu hồ sơ tiểu học của học sinh phải đạt gần như toàn 10 điểm.

Cụ thể, với 17 đầu điểm cấp tiểu học: Toán, Tiếng Việt (lớp 1, 2); Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh (lớp 3); Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Tiếng Anh (lớp 4, 5), học sinh phải đạt từ 167 trở lên (trên tổng 170 điểm) mới được coi là hợp lệ. Như vậy, học sinh chỉ được phép đạt tối đa 3 điểm 9 hoặc 1 điểm 9, 1 điểm 8 trong suốt 5 năm tiểu học mới đủ điều kiện nộp hồ sơ thi vào lớp 6 Trường Ams.

Các trường THCS chất lượng cao còn lại (THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm, THCS Lê Lợi - Hà Đông, THCS Chu Văn An - Long Biên) về phần hồ sơ dự tuyển cũng có quy định rõ nhưng không gắt gao như trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam .

Cụ thể, Trường THCS Nam Từ Liêm ra điều kiện sơ tuyển như sau: Lớp 1, 2, học sinh có tổng điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của hai môn Toán, Tiếng Việt đạt từ 17 điểm trở lên, trong đó không có môn nào dưới 8 điểm. Các lớp 3, 4, 5 có tổng điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của ba môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh đạt từ 26 điểm trở lên, trong đó không có môn nào dưới 8 điểm.

Với Trường THCS Cầu Giấy, năm 2022 yêu cầu học sinh đảm bảo phần đánh giá năng lực và các phẩm chất trong 5 năm tiểu học phải được đánh giá Tốt hoặc Đạt. Điểm kiểm tra định kỳ cuối năm các môn Toán, Tiếng Việt (lớp 1, 2) đạt tổng 18 điểm trở lên/năm. Điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh (đối với lớp 3, 4, 5) đạt tổng điểm từ 26 điểm trở lên/năm (không có môn nào dưới 8 điểm).

Trường THCS Lê Lợi - Hà Đông năm 2022 đưa ra điều kiện hồ sơ: Lớp 1, 2 có bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, Tiếng Việt đạt từ 9 điểm trở lên; học bạ cuối năm các lớp 3, 4, 5 có bài kiểm tra môn Toán, Tiếng Việt đạt điểm 10, Tiếng Anh đạt 9 điểm trở lên. Nếu học sinh không đạt hai điều kiện trên nhưng đạt giải tại các kỳ thi Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh cấp quốc gia, khu vực Đông Nam Á, quốc tế và các trường hợp đặc biệt khác (các giải này phải nằm trong kế hoạch do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tổ chức) mới được dự tuyển.

Trường THCS Thanh Xuân yêu cầu học sinh có điểm định kỳ cuối năm lớp 3, lớp 4, lớp 5 đạt từ 9 trở lên và không yêu cầu điểm lớp 1, 2.

Được biết, năm 2023, Hà Nội tăng gần 39.000 học sinh ở độ tuổi vào lớp 6 so với năm học trước nên dự kiến, số học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 6 các trường chất lượng cao cũng tăng lên.

Phụ huynh, học sinh như ngồi trên đống lửa

Chị Nguyễn Phương Hạnh (Hà Đông) lo lắng cho biết, tháng trước chị cho con đăng ký thi vào trường Lương Thế Vinh. Tuy nhiên, khi xem điểm vợ chồng và con chị thất vọng vì điểm không như mong muốn và không có cơ hội vào trường vì số điểm cách xa điểm chuẩn.

Từ 2 tuần trước, cả gia đình mất ăn mất ngủ mong ngóng các trường như THCS Lê Lợi, trường THCS Thanh Xuân công bố phương án thi tuyển vào trường. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, vợ chồng chị đành quyết định cho con dự tuyển vào trường THCS Thanh Xuân.

“Một mặt chúng tôi động viên con ôn tập ngày đêm để có đủ kiến thức thi vào trường nhưng một mặt cũng nhìn ngó trường khác để có cơ hội cho con nếu trượt nguyện vọng này. Hiện tại, hai con tôi phải đi học cả 6 buổi tối mà vẫn đáng lo lắm”- chị Hạnh chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu (Trung Hòa, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi lựa chọn trường THCS Cầu Giấy cho con vì qua tìm hiểu cũng biết đây là một trường tốt và gần nhà tôi. Cũng khá lo lắng khi biết cơ hội vào trường không hề dễ dàng. Nếu con không đỗ trường này thì sẽ phải cất công đi tìm một ngôi trường khác phù hợp".- chị Thu chia sẻ.

Trên các diễn đàn có con thi tuyển vào các trường chất lượng cao ở Hà Nội thì các phụ huynh đều có chung tâm trạng lo âu và lăn tăn khi cho con thi nhiều trường. Có phụ huynh rất khó để chọn trường cho con nên chấp nhận đóng cọc lên tới vài chục triệu ở các trường khác nhau để đến phút trót mới quyết định và coi như chấp nhận mất khoản phí này nếu như không chọn.

Vì sao quá “nóng”?

Việc cuộc đua đầu cấp nói riêng và cuộc đua vào lớp 6 nói chung quá “nóng”, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội cho rằng, tình trạng thiếu trường, lớp ở một số quận huyện Hà Nội là có thật và là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đua vào đầu cấp thêm căng thẳng, khốc liệt.

Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, đây không phải là nguyên nhân duy nhất, cũng không phải nguyên nhân lớn nhất. Bản chất của cuộc chạy đua là phụ huynh muốn đưa con vào học ở ngôi trường "tốt nhất" trong suy nghĩ của mọi người, đôi khi nó còn là do tin đồn.

Thầy Ngọc cho rằng, nhớ lại cách đây hơn chục năm, khi có thông tin Giáo sư Ngô Bảo Châu - người đoạt giải thưởng Toán học Fields danh giá - từng học ở trường Thực nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhiều phụ huynh đã xếp hàng rồi sau đó đạp đổ cánh cổng trường Thực nghiệm để nộp hồ sơ nhập học cho con. Rồi sau đó chục năm, người ta lại xúm xít vào phê phán, chỉ trích chương trình SGK tiếng Việt của trường Thực nghiệm.

“Nếu chỉ có vài trăm trường, chỉ có số ít trường là "tốt nhất", thì khi có tới cả nghìn trường, vẫn chỉ có số ít trường là tốt nhất và người ta vẫn chỉ tha thiết vào đó nhất”- thầy Ngọc nêu quan điểm.

Theo thầy Ngọc, để giảm bớt áp lực này, các phụ huynh cần hiểu rằng ngôi trường tốt nhất là ngôi trường "phù hợp nhất" với con và gia đình. Hãy vạch rõ ra các tiêu chí của 1 ngôi trường phù hợp: học phí, khoảng cách di chuyển, văn hóa học tập, truyền thống, thành tích, bạn bè của con, ... càng nhiều tiêu chí rõ ràng thì càng dễ bù trừ, cân đối và có nhiều lựa chọn.

Và trên hết là hãy giảm bớt kỳ vọng chủ quan của gia đình khi chọn trường cho con thì mới dễ lựa chọn được ngôi trường ưng ý.

“Thực tế là hiện nay, việc xét tuyển vào cấp Tiểu học, THCS ở các trường dân lập có thương hiệu, uy tín còn căng thẳng hơn nhiều so với trường Công lập. Điều đó càng cho thấy "thiếu trường công lập" không phải là nguyên nhân chính của căng thẳng”- thầy Ngọc nhấn mạnh.

Cũng theo giáo viên này, có xây thêm vài trăm trường nữa thì vẫn sẽ chỉ có số ít trường là hot, là căng thẳng thôi. Kể cả có nhiều trường tốt thì người ta vẫn sẽ cố tìm trường tốt nhất trong số những trường tốt.

“Tuy nhiên, việc này cũng gợi ý 1 vấn đề là để giảm bớt sự căng thẳng của các trường hot, cần cải thiện chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất và văn hóa trường học, cả ở khối Công lập và khối Dân lập để tạo ra nhiều trường tốt hơn cho phụ huynh được đa dạng lựa chọn”- thầy Ngọc chia sẻ.

Theo Đỗ Hợp (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem