Cuối tuần, bàn cách "trị" chồng lười hiệu quả

Như Nguyệt (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 06/06/2015 13:36 PM (GMT+7)
Tuy nhiên, thay vì nghĩ xem chồng lười biếng có giống với “con lợn” hay không, phụ nữ có thể lựa chọn một số cách ngọt ngào và thực tế hơn nhiều để “trị” ông chồng lười biếng của mình.
Bình luận 0

1. Chấp nhận sự thật

Việc đầu tiên và quan trọng nhất bạn phải làm là chấp sự khác biệt giữa bạn và chồng. Bạn có thể là một người chỉn chu, muốn mọi thứ phải thật gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ nhưng chồng của bạn có thể là một người chẳng bao giờ bận tâm đến những thứ như vậy. Thay vì cả ngày cau có, bực bội vì nhà cửa bẩn thỉu, bừa bộn và vừa dọn dẹp vừa càu nhàu, bạn hãy tạm chấp nhận sự thật rằng lười biếng là bản tính của chồng, và bản tính đã ăn sâu vào trong máu, không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Chỉ khi bạn chấp nhận được sự thật này và không còn cáu giận vì chuyện chồng lười nữa, thì “công cuộc cải cách chồng lười” mới có thể thực hiện hiệu quả.

img

Ảnh minh họa

2. Hoan nghênh mọi sự giúp đỡ từ chồng

Nhiều người vợ mắc sai lầm khi cho rằng chồng “vô tích sự” và lo sợ chồng “phá hoại”, sau đó mình lại phải thu dọn hậu quả còn mệt hơn nên không để chồng mó tay vào việc gì, kể cả khi chồng chủ động yêu cầu giúp đỡ. Như vậy, vô tình những bà vợ này đã cho chồng cái “đặc quyền” được lười biếng. Chồng lại càng cho rằng mình chẳng phải làm gì và không bao giờ có ý định giúp đỡ vợ nữa.

Một người vợ thông minh cần biết cách động viên chồng mỗi khi anh ấy chủ động giúp vợ san sẻ việc nhà. Dù anh ấy làm tốt hay không, hãy cứ tặng cho anh ấy những lời khen khích lệ, một cái ôm chặt đầy cảm kích hay một cái hôn cảm ơn để anh ấy cảm thấy hăng hái và có tinh thần giúp đỡ trong những lần tiếp theo.

3. Hạ thấp tiêu chuẩn

Bạn không nên áp đặt tiêu chuẩn của bạn với chồng. Bạn thử nghĩ xem, với một người mới “vào nghề” thì việc cọ nhà tắm không được sạch cho lắm, hay nấu cơm có chút sống, chút khê cũng đã là một thành công lớn rồi. Hãy “mắt nhắm mắt mở” mà chấp nhận thành quả lao động của anh ấy. Hoặc nếu muốn “khắc phục hậu quả” của những công việc anh ấy đã làm, hãy đợi khi anh ấy không biết mà lén lút sửa chữa lại. Đừng làm việc đó công khai trước mặt anh ấy. Đàn ông rất coi trọng sĩ diện, nếu bạn làm vậy chẳng khác nào tát thẳng vào mặt anh ấy cả. Anh ấy sẽ tự cho rằng bản thân mình chẳng làm gì nên hồn và sẽ tỏ thái độ bất hợp tác trong những lần tiếp theo.

4. Nếu chồng không chủ động, hãy trực tiếp yêu cầu

Việc đợi một ông chồng lười tự giác làm việc nhà là chuyện “nghìn năm mới gặp một lần”. Vì vậy, bạn đừng mất công ôm hy vọng để rồi lại thất vọng. Nếu chồng không chủ động, bạn hãy trực tiếp yêu cầu chồng làm một số công việc trong nhà. Thực tế là có nhiều ông chồng khá vô tâm, họ không làm việc gì không phải vì họ thật sự lười, mà vì họ không biết việc để làm. Do đó, thay vì tự mình ôm đồm hết việc nhà rồi ôm theo cả một cực tức to đùng và trách chồng lười biếng, hãy chia sẻ công việc cho chồng, bằng cách yêu cầu chồng làm những công việc cụ thể gì. Và nhớ chú ý đến cách bạn yêu cầu chồng làm việc nhà! Hãy yêu cầu một cách nhẹ nhàng nhất có thể, để chồng vui vẻ làm mà không cảm thấy miễn cưỡng.

5. Đừng áp đặt thời hạn cho anh ấy

Nếu bạn áp đặt thời gian cho anh chồng lười biếng của bạn, anh ấy sẽ cảm thấy lời yêu cầu của bạn như một mệnh lệnh, mà chẳng có người chồng nào muốn phải chấp hành mệnh lệnh của vợ. Hơn nữa, đàn ông sẽ lựa chọn cách trốn tránh, nếu họ cảm thấy áp lực và không có cách nào để hoàn thành công việc trong một khung thời gian do bạn đặt ra. Hãy để anh hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian mà anh ấy cố gắng hết sức có thể. Nhiệm vụ của bạn lúc đó là đóng vai trò của một người cố vấn, chứ không phải là một giáo viên hay một giám sát viên.

6. Đừng giao một loạt các nhiệm vụ cùng lúc

Ông chồng bạn vốn đã lười biếng, nếu giao một loạt công việc cho chồng cùng lúc sẽ khiến chồng cảm thấy choáng ngợp và chưa làm đã thấy nản. Chồng bạn chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy ngại vì công việc quá nhiều và không biết bắt đầu từ đâu, cho nên anh ấy sẽ lựa chọn không làm gì cả. Khi đó, coi như những cố gắng của bạn lại trở thành công cốc.

Hãy để anh ấy làm từng công việc một, và sau khi anh ấy hoàn thành, xem xét tâm trạng của chồng lúc đó thế nào rồi mới tiếp tục yêu cầu anh ấy làm công việc tiếp theo.

7. Dùng một số “chiêu trò” nếu cần

Nếu bạn đã ngọt nhạt khuyên nhủ, nhẹ nhàng thủ thỉ mãi rồi mà chồng vẫn không chịu thay đổi, đôi khi bạn vẫn cần sử dụng đến “chiêu trò”. Giận dỗi, “chiến tranh lạnh” hay dùng phép "khích tướng" có thể giúp chồng bạn nhận ra anh ấy đã sai và cần phải thay đổi. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi sử dụng những biện pháp này, bởi nó có thể phản tác dụng nếu bạn làm không khéo. Hãy kiên quyết để anh ấy biết rằng bạn thực sự nghiêm túc trong vấn đề này, nhưng cũng đừng “được đằng chân, lân đằng đầu” mà làm quá lên. Chỉ sợ lúc đó “chiến tranh” thực sự diễn ra thì người chịu thiệt lại là chính bạn.

Dù bạn áp dụng bất kỳ lời khuyên nào ở phía trên thì hãy luôn nhớ rằng công cuộc “cải tạo” ông chồng lười biếng là một cuộc chiến trường kỳ. Bạn chỉ có thể làm dần dần từng bước. Nếu bạn thực sự quyết tâm và đủ kiên nhẫn, sau một thời gian bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi lớn của chồng. Chúc các bạn thành công!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem