Đại sứ Trần Đức Mậu
Chủ nhật, ngày 22/10/2023 10:02 AM (GMT+7)
Cuộc tấn công của lực lượng Hamas ở dải Gaza nhằm vào Israel đã khiến không những chỉ có Israel mà còn cả thế giới bị bất ngờ. Bất ngờ vì Hamas đã chuẩn bị chiến dịch quân sự này từ rất lâu mà Israel và bên ngoài không hay biết.
Bất ngờ về quy mô rộng lớn và mức độ mạnh mẽ của chiến dịch quân sự. Cho nên không ai ngạc nhiên nữa khi Hamas và Israel sa vào lần chiến tranh thứ 5 kể từ khi Hamas được thành lập vào năm 1987 đến nay.
Cũng không có gì là khó hiểu khi Israel lần này hạ quyết tâm và hành động quyết liệt để triệt hạ Hamas sao cho lực lượng này từ nay về sau không còn có thể dám và đủ tiềm lực thực tế để lại tấn công quân sự Israel. Hậu quả và hệ luỵ không thể tránh khỏi, như hiện tại đã có thể thấy, là mức độ chiến sự leo thang, chết chóc và tàn phá ở cả hai phía còn nhiều nữa, sự thù địch giữa Israel và Hamas càng thêm sâu sắc, nguy cơ Israel bị tấn công từ phía khác nữa cũng như chiến tranh lây lan sang Libanon và Syria trở nên thêm thực tế. Chiến sự giữa Israel và Hamas càng dai dẳng thì triển vọng nối lại đàm phán hoà bình giữa Israel và Palestine sẽ trở nên càng thêm mờ mịt. Khu vực Trung Đông trở thành điểm nóng mới về chính trị an ninh thế giới và bắt đầu làm lu mờ cả cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.
Khác so với cuộc chiến ở Ukraine, lần chiến tranh này giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông thách thức vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới của tất cả các cường quốc thế giới và khu vực như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các tổ chức đa quốc gia như LHQ, Liên đoàn Ả rập, EU..... Tất cả đều có lợi ích chiến lược ở khu vực này và với việc gây dựng vai trò ngoại giao trung gian hoà giải.
Mức độ chiến sự giữa Hamas và Israel càng gia tăng thì tất cả các đối tác bên ngoài nói trên càng thêm khó xử bởi họ càng bị thôi thúc phải bộc lộ quan điểm thái độ cụ thể về Israel và Hamas cũng như về mọi hành động của Israel và Hamas. Bên ủng hộ Israel rất muốn Israel tiêu diệt Hamas nhưng lại không thể làm như hành động quân sự của Israel nhằm vào Hamas không hề gây thiệt hại hay tàn phá gì cho người dân ở dải Gaza. Phía hậu thuẫn Hamas muốn khích lệ Hamas kiên trì đối địch Israel nhưng lại chú ý tránh quan hệ của họ với các nước hậu thuẫn Israel bị tổn hại.
Tất cả đều ý thức được rằng muốn gây dựng được vai trò ngoại giao trung gian hoà giải giữa Hamas và Israel thì phải ở vị trí cân bằng tương đối giữa Hamas và Israel. Tất cả đều hiểu biết rất rõ rằng thước đo cho vị thế, vai trò và ảnh hưởng của họ ở khu vực Trung Đông không phải là ủng hộ Hamas hay Israel mà là có khả năng giúp chấm dứt lần chiến tranh này hay không và có thể ngăn cản lần chiến tranh mới giữa Hamas và Israel bùng phát trong tương lai hay không.
Xưa nay, vai trò của LHQ, Liên đoàn Ả rập và EU trong ngoại giao trung gian hoà giải giữa Israel và Palestine rất mờ nhạt và gần như không hiệu quả. EU và Mỹ coi Hamas là khủng bố nên sẽ không được Hamas chấp nhận để cho đảm trách sứ mệnh ngoại giao trung gian hoà giải. Trung Quốc mới đây thành công với việc giúp Ả rập Xê út và Iran bình thường hoá trở lại quan hệ ngoại giao nhưng trong tay gần như không có con chủ bài nào đắc dụng thuyết phục Hamas và Israel hoà giải với nhau.
Nga có quan hệ tốt với Israel và có vai trò chính trị an ninh ở Syria, nhưng ảnh hưởng tới Hamas lại chỉ rất nhỏ nhoi. Iran thì thù địch với Israel và bị mang tiếng là chống lưng cho Hamas chiến tranh với Israel nên Israel sẽ không chịu để cho Iran trung gian hoà giải. Thổ Nhĩ Kỳ thì bị Hamas coi là thiên lệch hẳn về phía Israel. Ả rập Xê út có tiếng nói quan trọng trong thế giới Ả rập và đang rập rạp bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Israel nên giờ phải hết sức tránh bị coi là thí bỏ Hamas để đổi lấy Israel.
Tất cả đều biết rằng trước hết phải thuyết phục được Hamas và Israel ngừng chiến và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp, sau đấy là kích hoạt tiến trình đàm phán hoà bình giữa Isreal và Hamas, trực tiếp hoặc gián tiếp, để vãn hồi an ninh và ổn định ở dải Gaza và giữa Israel với dải Gaza. Sẽ thành công hơn đối với các đối tác này nếu nhân dịp này khởi động lại được tiến trình đàm phán hoà bình nói chung giữa Israel và Palestine.
Từ đó còn có thể thấy lần chiến tranh này giữa Hamas và Israel không những chỉ cấu trúc lại trật tự an ninh và cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực Trung Đông mà còn sàng lọc tất cả các đối tác bên ngoài, các cường quốc thế giới và khu vực lớn nhỏ để xác định ra cường quốc nào có được vai trò quyết định nhất, vị thế cao nhất và ảnh hưởng quan trọng nhất ở khu vực này trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.