Cựu binh người Mông thắng “giặc” đói nghèo

Chủ nhật, ngày 10/06/2012 18:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Mình là lính Cụ Hồ, từng cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc những năm gian khó nhất, chả lẽ trở về lại chịu phận đói nghèo hay sao?”...
Bình luận 0

... Đó là tâm sự của cựu chiến binh Sùng A Chá, dân tộc Mông, Trưởng bản Nậm San 1, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Quyết bám giữ biên cương

Dưới cái nắng gió ngột ngạt của miền biên ải Việt-Trung, lão nông Sùng A Chá sải những bước chân dài trên con dốc đất đưa tôi đi thăm “hệ thống ao cá” của lão. Hơn 60 tuổi nhưng lão Chá trông thật tráng kiện. Vừa đi, lão vừa kể: Đất Mường Nhé này chỉ có đồi núi và khe suối, hiếm khi thấy một bãi bằng mà có nước để làm ruộng, làm vườn; đói nghèo cũng vì vậy mà đeo đuổi vùng cao. Ngay từ khi còn trai trẻ, khoác trên mình bộ quân phục công an võ trang (Bộ đội Biên phòng ngày nay), tôi đã mơ ước có một ngày mình sẽ biết cách làm cho gia đình hết đói, hết nghèo…

img
Ông Sùng A Chá bên đàn bò trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Chưa đến với Mường Nhé thì quả là chưa hiểu được mơ ước giản đơn "hết đói nghèo" của lão Chá trong những thập kỷ 70-80 vừa qua. Vùng đất này khi ấy 100% là người dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú, La Hủ, Sinh Mun... sinh sống. Không có điện, chẳng có đường ô tô và trường học, trạm y tế ở tuyến xã, bản là khao khát của con người. Nhưng cái khó nhất, sát sườn nhất khi ấy là bát cơm manh áo hàng ngày. “Năm 1982, sau 6 năm quân ngũ, tôi quyết định xin ra quân và trở về với cuộc chiến mới chống đói nghèo, lạc hậu"- lão Chá bảo vậy.

Nói là "cuộc chiến mới" như lão Chá quả không ngoa chút nào vì ngày ấy vùng biên giới này chẳng có gì để cuốn hút con người ta trong hành trình lập nghiệp. Địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt đã đành, lại thêm chiến tranh với bom rơi đạn lạc là điều khó tránh khỏi với người dân. Vì thế, không ít cuộc du canh, du cư liên tiếp diễn ra. Nhưng lão Chá không làm vậy. Lão vận động người thân, dân bản bám biên giới mà sống: "Đất rừng nhiều, sức mình có, chỉ cần chịu khó là sẽ có ăn thôi”.

Không thể đói nghèo

Nói thì dễ vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện mơ ước xoá đói nghèo, lạc hậu trong gia đình, trên quê hương mình, lão Chá mới thấy thông cảm với cái sự đói cơm, rách áo bao đời của người dân Mường Nhé.

"Ngày ấy, người Mông đã biết làm lúa nước đâu. Cây ngô giống cũ cũng chỉ được 5-6 tạ bắp/ha thôi. Người chẳng đủ ăn thì lấy gì mà chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống. Nhiều đêm nằm nghĩ, tôi cũng thấy hoang mang. Nhưng nghĩ mình đã là bộ đội Cụ Hồ, đã được ăn bát cơm của Nhà nước, được cán bộ tuyên truyền nhiều rồi, phải hiểu biết hơn người dân chứ… nên tôi không lùi bước " - lão Chá thật thà tâm sự.

Chúng tôi dừng chân bên lưng chừng mỏm núi đất cách nhà gần 1km, lão Chá chỉ xuống dải ruộng bậc thang hình dẻ quạt phía dưới, bảo: "Ruộng nhà tôi đấy. Chả biết diện tích chính xác là bao nhiêu nhưng bây giờ mỗi năm tôi cũng thu được hơn 6 tấn thóc. Còn đất nương xung quanh này, tôi trồng cây ăn quả, mía, ngô. Nguồn nước ao cá cũng dùng chung từ nước ruộng này. Càng bón phân chuồng cho lúa thì cá càng nhanh lớn. Nhiều con trắm cỏ đã nặng tới 5-6kg rồi đấy. Bây giờ bán lúa, bán cá thì được nhiều hơn cái mồ hôi mình đã bỏ ra…" - lão Chá cười sảng khoái.

Tôi cũng cười theo nhưng đầu cứ phân vân bởi chẳng biết lão Chá so sánh mồ hôi của lão khi khai hoang phục hoá đám ao, ruộng này với đàn cá hôm nay bằng thước đo nào. Nhưng có một điều chắc chắn rằng để có những đám ruộng rộng tới gần 2ha và gần chục cái ao nuôi cá này, lão Chá đã phải bỏ ra không ít năm cải tạo đất, khơi nguồn nước…

Đem suy nghĩ ấy hỏi lão, lão cười tít cả mắt: Đúng là nhà báo rất hiểu nông dân. Cả nhà tôi mất hàng chục năm vất vả với ao, với ruộng đấy. Làm ruộng, đào ao xong còn phải ra đồn biên phòng hỏi cách trồng lúa nước, xuống tỉnh mua giống lúa, giống ngô mới, cá giống... Vụ đầu thu hoạch cũng chẳng khá hơn, trời mưa còn làm cá tràn bờ đi hết. Nhưng tôi không nản, lại ra đồn biên phòng, xuống cán bộ nông nghiệp huyện hỏi cách khắc phục. Từ vụ thứ 2 trở đi, lúa bắt đầu nhiều, ngô lắm bắp to, cá cũng có ăn hàng ngày. Vậy là hết đói.

Cùng ấm no mới đẹp bản làng

"Sau hơn chục vụ thu hoạch, lương thực dư thừa, bán cũng khó vì mình ở vùng sâu, giao thông bất tiện, thế là tôi tính tới chuyện phát triển vườn cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thấy tôi nuôi nhiều trâu, bò, gà, lợn, lại chăn thả được hàng tấn cá, dân bản ngạc nhiên lắm. Ở đây là vùng cao, con vật nuôi rất dễ bị bệnh, bị chết rét, lại khó bán vì ngày ấy huyện lỵ ở cách đây cả trăm km. Nhưng tôi cứ làm theo cán bộ thú y, khuyến nông; cho vật nuôi ăn no, ở lều kín, lại tiêm thuốc phòng nên chẳng chết con nào.

Đàn gia súc cứ thế đông dần lên, lúc nhiều nhất tới 60-70 con trâu, bò; nhiều gà, lợn lắm. Nhưng khi ấy muốn bán cũng khó, thế là tôi đâm lo lắng. Thật may, mấy năm nay huyện lỵ chuyển về xã Mường Nhé này, đường ô tô chạy qua đầu bản. Vậy là gia súc, gia cầm, lương thực, cá… bán được giá mà lại chẳng vất vả gì" - lão Chá vui vẻ kể.

Không chỉ lo làm giàu, lão Chá trong 20 năm vừa qua đã biết lo tới chuyện học chữ cho con, cho cháu; biết lo cho cả bản cùng no, cùng giàu để yên tâm định cư, không tái trồng cây thuốc phiện. Chỉ vào anh con trai út đang học Trường Trung cấp Biên phòng vừa về phép, lão Chá gật gù khoe: "9 đứa con của tôi chẳng đứa nào mù chữ cả. Chỉ tiếc một nỗi chưa đứa nào vào đại học. Nhưng các cháu đều học rất giỏi. Tới đây, chúng sẽ nhiều chữ, giỏi hơn ông, hơn bố nó rồi. Trẻ trong bản này chẳng đứa nào bỏ học dở chừng nữa".

Hỏi Sùng A Thính vì sao lại nghe lời ông Chá, Thính bảo: “Ông Chá tốt lắm. Cả bản này nghe lời ông ấy. Nhà cháu cũng nhờ ông Chá mà đã hết đói cơm, có áo mặc. Cháu quý ông Chá lắm”.

Rẽ sang nhà cặp vợ chồng trẻ Sồng A Lý và Sồng Thị Mạy trong bản, tôi gặp cháu Sồng A Thính đang ngồi học bài trên chiếc ghế gỗ ngay trước cửa nhà. Lý bảo: "Cháu là con thứ 2 của tôi, đang học lớp 7. Cháu bảo học khó quá, định bỏ học mấy lần rồi, nhưng ông Chá cứ đến động viên. Ông bảo phải học mới thành người tốt, làm nông dân cũng phải biết chữ mới giỏi được nên nó nghe lời, theo học tiếp".

Đem chuyện lão Chá trao đổi với ông Chu Văn Sâm- Chủ tịch UBND xã Mường Nhé, ông Sâm bảo: “Người Mông như ông Chá ở đây thật quý hơn vàng. Ông ấy không chỉ biết làm giàu, mà còn giúp nhiều hộ khác con giống, kinh nghiệm và vốn để cùng xoá nghèo. Cả bản ấy có 42 hộ nhưng chỉ còn mấy hộ nghèo nữa thôi. Cũng nhờ ông Chá vận động nên dân bản Nậm San 1 chẳng ai theo đạo trái phép, mắc vào tệ nạn xã hội hay làm việc xấu đâu. Vì thế, nhiều năm nay, dân bản luôn bầu ông ấy làm trưởng bản”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem