Các bác sĩ khoa Nội tim mạch và cấp cứu tim mạch (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) vừa điều trị cho người bệnh Nguyễn Thị Luật (74 tuổi, ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bị suy giãn tĩnh mạch trong nhiều năm.
Bệnh khiến nhiều búi giãn tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo ở 2 bên chân bệnh nhân khiến bà thường xuyên bị đau tức nhiều chi dưới và bị chuột rút.
Qua thăm khám, làm xét nghiệm máu, siêu âm chi dưới, người bệnh được chẩn đoán suy tĩnh mạch hiển lớn 2 bên, được chỉ định can thiệp bằng phương pháp laser nội mạch.
Quá trình can thiệp diễn ra nhẹ nhàng và nhanh chóng. Trong quá trình can thiệp người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, có thể trò chuyện cùng bác sĩ trong lúc làm can thiệp, đau tức nhẹ vị trí chọc mạch và tiêm tê. Ngay sau khi can thiệp xong người bệnh đi lại sinh hoạt bình thường, không phải nằm bất động.
Ngay sau can thiệp, người bệnh đã đỡ đau tức chi dưới 2 bên, đỡ chuột rút, đi lại bình thường. 2 ngày sau, người bệnh ổn định, hết đau tức chi dưới, không còn bị chuột rút và được ra viện.
Giống như người bệnh Nguyễn Thị Luật, người bệnh Hà Thị Chuyển cũng phải sống chung với căn bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới suốt 10 năm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Điều này khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu tự tin.
Sau khi được các bác sĩ tại khoa Nội tim mạch và Cấp cứu tim mạch điều trị bằng phương pháp laser nội mạch, người bệnh đã vô cùng hạnh phúc khi lấy lại được đôi chân khỏe mạnh, không còn bị những “con giun” xanh tím nổi ở chân gây mất thẩm mỹ.
Bác sĩ Lê Thị Hằng ,khoa Nội tim mạch và Cấp cứu tim mạch (Bệnh viện Phú Thọ) cho biết, suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại, gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Bệnh gây nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm… có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu…
"Tùy vào từng giai đoạn, người bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới sẽ được áp dụng phương pháp điều trị phù hợp như: thay đổi lối sống, tập thể dục, uống thuốc, mang vớ tĩnh mạch, chích xơ tĩnh mạch, đốt laser nội tĩnh mạch, bơm keo sinh học…
Trước đây, ở giai đoạn nặng, người bệnh phải mổ mở và bóc toàn bộ tĩnh mạch giãn. Nhưng hiện nay, phương pháp đốt laser nội tĩnh mạch ít xâm lấn được xem là phương pháp tối ưu nhất cho người bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới", bác sĩ Hằng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hằng, phương pháp đốt laser nội tĩnh mạch ít xâm lấn hiện nay giúp giữ nguyên tĩnh mạch ở đúng vị trí và chỉ làm chúng teo lại, xơ hóa, cải thiện hiệu quả tình trạng ứ máu ở chân.
Khi thực hiện kỹ thuật này, người bệnh không cần gây mê sâu giống như phẫu thuật truyền thống, cảm giác nhẹ nhàng và không đau vì chỉ có một vết rạch nhỏ ở vị trí luồn dây laser.
Bác sĩ Hằng cũng khuyến cáo người dân thấy "hiện tượng lạ" ở chân cần đi khám sớm để được điều trị dứt điểm, tránh phải chịu đựng sự đau nhức và tự ti trong thời gian dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.