Cựu phóng viên “khởi nghiệp” làm kiểng, trồng rừng

Đào Đức Tuấn Chủ nhật, ngày 20/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
“Ngừ chở thơ” là biệt danh tự đặt của Phạm Quốc Mẫu (SN 1977, ở Tuy Hòa, Phú Yên) nói về một trong những công việc mình đang làm. Đó cũng là câu chuyện thú vị của một cựu phóng viên quyết tâm “tư nhân hóa” đời mình.
Bình luận 0

Đưa đón khách du lịch

Trong điện thoại của tôi vẫn lưu số của "Mau VTV". Bởi hơn chục năm nay, tôi chỉ biết Mẫu là phóng viên VTV tại miền Trung. Bỗng một hôm tôi nghe tin Mẫu nghỉ việc ở VTV, về nhà trồng cây kiểng (tháng 10/2020). Đùng cái, tôi lại nghe thông tin Mẫu là Phó Tổng Giám đốc HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên (tháng 11/2020).

Về việc rời VTV, Mẫu nói đơn giản: "Cũng không dễ dàng gì rời nơi đã gắn một quãng dài tuổi trẻ. Thế nhưng hết duyên thì chia tay thôi. Tôi có máu thích lao vào thương trường và đã tích lũy một số đất đủ để khởi nghiệp nghề cây kiểng, trồng rừng. Nhờ đã chuẩn bị "lực lượng" nên khi sau nghỉ VTV, tôi làm không hết việc. Anh thấy đấy, giờ tôi chuẩn bị đưa khách du lịch từ sân bay Tuy Hòa ra đầm Ô Loan".

gop/Cựu phóng viên “khởi nghiệp” làm kiểng, trồng rừng - Ảnh 1.

Một góc vườn kiểng của Phạm Quốc Mẫu. Ảnh: H.P

Nhà báo Tấn Quýnh (VTV9) chia sẻ: "Gần hai mươi năm làm việc với nhau, tôi biết Quốc Mẫu đã có nhiều tác phẩm báo hình xuất sắc. Tôi không bất ngờ khi Mẫu chọn lĩnh vực cây kiểng, lâm nghiệp để "ra riêng" khởi nghiệp. Bởi anh có tố chất năng động, chịu khó "cày bừa". Tôi tin Mẫu sẽ thành công với hướng đi mới của mình".

Thì ra ông cựu phóng viên truyền hình này còn làm dịch vụ du lịch. Thỉnh thoảng trên trang Facebook của mình, Mẫu viết: "Cả nhà mình ơi! Ngừ chở thơ hôm nay tiếp tục mang niềm vui đến du khách về thăm Phú Yên quê mình! Dù dưới biển hay trên rừng thì quê mình đều đẹp! Và khách vui thì cái bụng của Mẫu cũng vui!".

Vì sao lại là Ngừ chở thơ? Mẫu cười: "Chỉ là nói vui theo chất giọng của dân xứ Nẫu ("ươi" nói thành "ư", "uê, ê" thành "ơ", "ôi" thành "âu"…). Vậy là "Người chở thuê" thành "Ngừ chở thơ", tạo chút chú ý trong công việc vận chuyển khách du lịch. Mấy người bạn làm du lịch thấy mình có xe nên rủ rê làm, thế là thành Ngừ chở thơ, kiêm hướng dẫn viên du lịch. Công việc này chủ yếu mình làm trong ngày thứ Bảy, Chủ nhật".

Mẫu cho biết thêm, khi làm báo, công việc cứ cuốn đi nên chưa thể cảm nhận, tận hưởng hết những nét đẹp, đặc sản quê hương. Nhưng nhờ nghề báo, anh đã có thêm kiến thức, tự tin để giới thiệu đến khách du lịch về đất và người Nam Trung bộ. "Thích lắm, hôm nào anh đi với tôi về vùng cao nguyên Vân Hòa hoặc đến vùng biển Tuy An. Đi trong rừng nguyên sinh hay ngồi bên một bãi biển lộng gió, đốt nướng một món gì đó để thưởng thức giữa khung cảnh thiên nhiên… Thấy cuộc sống thật thú vị" - Mẫu hào hứng.

Trong câu chuyện, Mẫu luôn mong dịch Covid-19 mau được không chế để ngành du lịch phát triển mạnh trở lại, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Ông chủ vườn kiểng

Tôi bất ngờ khi tận mục nhà vườn của Mẫu. Giữa TP.Tuy Hòa mà vợ chồng anh có đến gần 1.000m2 đất trồng các loại cây kiểng giá trị. Ngoài ra, anh đang sở hữu gần 80.000m2 đất rừng sản xuất. Mẫu cho hay, đây là số đất do vợ chồng anh gom góp gầy dựng trong những năm đi "cày" truyền hình và làm thêm công ty dịch vụ truyền thông.

Vườn kiểng của anh hiện đã có trên 300 gốc sam núi, 100 gốc hải châu, 50 gốc mai và một số kiểng "độc" khác. Mẫu cho biết, anh đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để mua cây kiểng phôi (2-3 tuổi) và một số cây đã bắt đầu hình thành thế dáng. "Cây kiểng khi chưa tạo dáng (cây phôi) có giá thành thấp. Khi mua về phải bỏ công chăm sóc, uốn tỉa. Ngành cây kiểng đang có rất nhiều tiềm năng, đầu ra khá ổn định. Vài năm nữa, tôi chỉ cần bán mỗi tháng một chậu kiểng là đủ lo cho con học đại học" - Mẫu cho biết.

Trong vườn của Mẫu, nhiều cây kiểng đã bắt đầu ra dáng, thu hút giới sành chơi. Đặc biệt, Mẫu rất tự hào về tác phẩm kiểng duối có tên "Thăng long" (cao 1m, dài 3,4m) do anh vừa "chiêu mộ". Nghệ nhân Phạm Hồng Bình (Nhà vườn Bình SVC, Phú Yên) nhận xét: "Tác phẩm kiểng duối Thăng Long này có thân, tàn nhuyễn, dáng thế độc đáo hiếm thấy. Kiểng có sức hút kỳ lạ, hứa hẹn sẽ rất "đình đám" khi đem ra thi thố. Vườn kiểng của anh Mẫu có nhiều chậu cây hết sức giá trị".

Công việc của Mẫu càng dày hơn khi tháng 11/2020, anh được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên. Mẫu cho biết, hiện HTX đã có 95 thành viên, với tổng diện tích rừng trồng theo chuỗi giá trị hơn 4.705ha. HTX đang tổ chức các dịch vụ hỗ trợ cho thành viên về vốn đầu tư trồng rừng, cung cấp giống theo tiêu chuẩn, đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, hợp tác với một số đơn vị trong và ngoài tỉnh thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị lâm nghiệp… Mẫu hẹn tôi một thời gian nữa sẽ "nói nhiều hơn" về lĩnh vực trồng rừng công nghệ cao này. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem