Cựu Tổng thống Jimmy Carter và hy vọng lặp lại “cuộc hội đàm lịch sử” năm 1994

Thứ hai, ngày 12/03/2018 14:32 PM (GMT+7)
Cựu Tổng thống Jimmy Carter, năm nay 93 tuổi, ngỏ ý muốn đảm nhận vai trò giải quyết căng thẳng với Triều Tiên như việc mà ông đã làm trong năm 1994 dưới thời chính quyền của Tổng thống Bill Clinton.
Bình luận 0

Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới chức quân sự và ngoại giao không ngừng công kích, đe dọa lẫn nhau, điển hình như phát biểu của Ngoại trưởng Triều Tiên với hãng thông tấn TASS (Nga) vào ngày 11.10 vừa qua: "Với tuyên bố hiếu chiến và điên rồ tại Liên Hiệp Quốc, có thể nói ông Trump đã châm ngòi chiến tranh chống lại chúng tôi. Chúng tôi cần trả đũa bằng một cơn mưa lửa chứ không phải bằng ngôn từ".

Trong tình thế này, cựu Tổng thống Jimmy Carter, năm nay 93 tuổi, lại ngỏ ý muốn đảm nhận vai trò giải quyết căng thẳng như việc mà ông đã làm trong năm 1994 dưới thời chính quyền của Tổng thống Bill Clinton.

Bên bờ cuộc chiến một mất một còn

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Giáo sư Park Han-shik, người đang giảng dạy tại Đại học Georgia tiết lộ rằng, ông đã có cuộc gặp gỡ cựu Tổng thống Jimmy Carter hồi tháng trước ngay tại nhà riêng của cựu Tổng thống ở bang Georgia.

Giáo sư Park cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về ý định của ông Carter được chia sẻ trước đó trên báo chí. Ông Carter từng viết một bài báo với nội dung mong muốn tới thăm Bình Nhưỡng và mong muốn này đã được chuyển tới giới chức Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Triều Tiên chưa đưa ra câu trả lời. Có thể họ đang cân nhắc".

img

Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung và cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tại Bình Nhưỡng tháng 6.1994.

Bài báo được nhắc đến ở đây là bài được đăng trên tờ Washington Post hôm 4.10, trong đó ông Carter đã đưa ra lời cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc chiến khốc liệt trên bán đảo Triều Tiên.

Theo ông Carter, giới chức chính quyền của Tổng thống Trump nên cân nhắc việc đưa một phái đoàn cấp cao tới Bình Nhưỡng để tiến hành các cuộc đối thoại hòa bình. Giáo sư Park còn cho biết thêm, cựu Tổng thống Carter đã đề nghị giúp chính quyền đương nhiệm vài lần nhưng không nhận được phản hồi, thậm chí Tổng thống Trump đã nói với ông Carter rằng, hãy để "người đương nhiệm" tự xử lý vấn đề.

Trong quá khứ, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã vài lần đóng vai trò nhà thương thuyết, đặc sứ (với tư cách cá nhân) đến Bình Nhưỡng trong nỗ lực làm dịu những cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Cách đây 24 năm, khủng hoảng nổ ra khi trong tháng 2 và 3.1993, Triều Tiên không cho thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kiểm tra cơ sở hạt nhân của mình, đồng thời dọa rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà Bình Nhưỡng ký kết năm 1985. Tháng 6.1993, giới chức Washington và Bình Nhưỡng bắt đầu hàng loạt cuộc họp để thương thảo tìm giải pháp; tuy nhiên đến tháng 4.1994, mọi nỗ lực ngoại giao vẫn bế tắc.

Ông William Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó đã truyền tải thông điệp của Tổng thống Clinton bằng những bình luận mạnh mẽ nhất đến giới truyền thông.

Cách hành xử này được ông Clinton nhớ lại: "Để Bình Nhưỡng tin chắc rằng chúng tôi nghiêm túc, Bộ trưởng Perry tiếp tục đưa ra những phát ngôn cứng rắn, thậm chí nói rằng chúng tôi sẽ không loại trừ tấn công quân sự".

Quả thật, chính quyền Clinton lúc đó không nói suông, Bộ trưởng Quốc phòng Perry xác nhận: nội các của Tổng thống đã nghiêm túc xem xét tiến hành "không kích chính xác" vào cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Để chứng minh cho quyết tâm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, tháng 3.1994, Mỹ và Hàn Quốc thống nhất triển khai tên lửa phòng không Patriot đến Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên.

Kế hoạch của Mỹ đã chuẩn bị một cách chi tiết và chỉ chờ lệnh khai hỏa từ Washington. Bán đảo Triều Tiên khi đó đứng bên bờ vực của một cuộc chiến thực sự và có thể kéo theo cuộc đại chiến với sự tham gia của Trung Quốc, tương tự cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt diễn ra từ năm 1950-1953.

Đáp lại, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng chiến tranh, đồng thời chuẩn bị chuyển một số thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng ở Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon để chiết xuất plutonium đủ sản xuất 5 - 6 quả bom.

Trong hồi ký của mình, cựu Tổng thống Clinton viết: "Tôi đã quyết tâm ngăn chặn Triều Tiên phát triển kho vũ khí hạt nhân, ngay cả khi nguy cơ chiến tranh là rất lớn". Tương tự, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Ashton Carter, người sau này là bộ trưởng quốc phòng trong nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Barack Obama, kể lại với Đài PBS: "Chúng tôi không tin có thể đàm phán thuyết phục Triều Tiên dừng lại nên đã cân nhắc đến việc nhất thiết sử dụng vũ lực".

Các chiến lược gia và giới tướng lĩnh Lầu Năm Góc bắt đầu phát triển kế hoạch tấn công Yongbyon bằng chiến đấu cơ tàng hình F-117 song song với điều động nhóm tác chiến tàu sân bay và tên lửa hành trình Tomahawk đến Hàn Quốc.

img

Hai cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Bill Clinton (năm 2016).

Theo Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Gary Luck, đây sẽ là một chiến dịch chính xác và chớp nhoáng. Ngoài mục tiêu chính là tổ hợp hạt nhân Yongbyon, Mỹ cũng sẽ triệt phá chốt chỉ huy và các cơ sở pháo binh, tên lửa để giảm thiểu khả năng phản ứng nhanh của Triều Tiên. Tuy nhiên, rủi ro rất lớn là Bình Nhưỡng sẽ đáp trả tổng lực "một mất một còn" hoặc tấn công phủ đầu Hàn Quốc. Khi đó, một cuộc chiến tranh toàn diện chắc chắn sẽ nổ ra, kéo Trung Quốc vào cuộc.

Tờ Chosul Ibo ngày 11.6.1994 dẫn một số nguồn tin cảnh báo: Nếu can dự vào cuộc chiến lần này, Trung Quốc sẽ điều động khoảng 85.000 binh sĩ hỗ trợ đồng minh Triều Tiên, trong đó có 50.000 - 75.000 binh lính đến từ Quân khu Thẩm Dương và 10.000 binh sĩ thuộc lực lượng phản ứng nhanh của Quân khu Tế Nam được xếp vào quân số dự bị.

Vào ngày 15.6.1994, Tổng thống Clinton triệu tập "cuộc họp quyết định" với Bộ trưởng Quốc phòng William Perry, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân John Shalikashvili, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Robert Gallucci. Hãng tin CNN khi đó cũng dẫn lời ông Perry và ông Shalikashvili báo cáo kế hoạch tăng viện thêm 10.000 binh sĩ cho lực lượng quân đội Mỹ 37.000 binh lính đang đóng tại Hàn Quốc cùng chiến đấu cơ F-117, máy bay ném bom tầm xa và một nhóm tàu sân bay tới khu vực.

"Theo kế hoạch là ngay sau hôm diễn ra cuộc họp, chúng tôi sẽ phải đưa thêm một lực lượng hùng hậu đến Hàn Quốc và chuẩn bị sơ tán công dân Mỹ ở nước này" -ông Perry nhớ lại - "Chúng tôi tin chắc sẽ chiến thắng nhưng mức độ tổn thất phụ thuộc rất lớn vào công tác chuẩn bị. Nói cách khác, chúng tôi có thể giảm mạnh thương vong nếu tăng viện hợp lý", cựu bộ trưởng kể với CNN.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn lo ngại Triều Tiên sẽ xem việc tăng cường binh sĩ và sơ tán là dấu hiệu chắc chắn của một cuộc tấn công nên sẽ có hành động phủ đầu.

 “Thỏa thuận khung” không thành và tia hy vọng mới

Ngay trong khoảnh khắc ấy, cánh cửa phòng họp bật mở, bước vào phòng với thái độ khẩn trương là nhân viên trực đường dây điện thoại nóng của Tổng thống. "Chúng tôi được báo là cựu Tổng thống Jimmy Carter gọi về từ Bình Nhưỡng và ông ấy muốn nói chuyện với tôi", Robert Gallucci kể.

Thì ra trước đó, dù vẫn chuẩn bị cho phương án dùng vũ lực nhưng Tổng thống Clinton đã bí mật điện thoại cho người tiền nhiệm Jimmy Carter. Kết quả của cuộc nói chuyện đó là Jimmy Carter đề nghị được sang thăm Triều Tiên và có cuộc hội đàm không chính thức với nhà lãnh đạo triều Tiên - Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) tìm cách hóa giải căng thẳng. Rất may là khi nhận cuộc gọi của Jimmy Carter, Chủ tịch Kim Il-sung đã lập tức đồng ý.

Ngày 12.6, cựu tổng thống Jimmy Carter bay từ Mỹ sang Seoul. Vì Mỹ và Triều Tiên không thiết lập quan hệ ngoại giao nên với tư cách là cựu Tổng thống Mỹ, ông Jimmy Carter đã ngồi ô tô vượt qua ranh giới quân sự Hàn Quốc-Triều Tiên sang Bình Nhưỡng trên cương vị cá nhân. Ngày 16-6, ông Jimmy Carter bắt đầu gặp gỡ Chủ tịch Kim Il-sung.

Trong 3 ngày lưu lại Bình Nhưỡng, hàng ngày, nhà lãnh đạo Kim Il-sung hội đàm khá lâu với ông Jimmy Carter, tối đến còn ký duyệt các giấy tờ. Ngày cuối cùng, Chủ tịch Kim Il-sung còn hội đàm ngắn với ông Jimmy Carter và mở tiệc chiêu đãi ông, tổng thời gian hết 6 tiếng đồng hồ, giữa chừng Chủ tịch Kim Il-sung chỉ nghỉ 20 phút. Bà Kim Song-Ae, phu nhân của chủ tịch, phát hiện ra điều này và có nhắc nhở rằng, không thể để ông bận rộn như thế vì tuổi tác đã cao.

Những người tham dự cuộc họp với Tổng thống Clinton đã nghe "đặc sứ' Jimmy Carter thông báo rằng, cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên đã "đạt được bước đột phá" - thuyết phục thành công Chủ tịch Kim Il-sung tham gia đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Thế là cuộc họp lập tức dừng lại.

Sau này, trong hồi ký, ông Clinton thừa nhận lý do khiến ông lưỡng lự trong việc phê chuẩn kế hoạch không kích là trước đó ông đã nhận được báo cáo ước tính sẽ có tổng cộng 1 triệu người chết nếu chiến tranh bùng nổ lần nữa trên bán đảo Triều Tiên.

Chi tiết nội dung thương thảo giữa ông Carter và Chủ tịch Kim Il-sung vào tháng 6.1994 đến nay vẫn chưa được công bố hết, chỉ biết rằng, nó đã tạo nền tảng cho Mỹ và Triều Tiên bắt đầu nối lại đàm phán từ ngày 8.7.1994 và chính thức ký Thỏa thuận khung ngày 21.10.

Theo thỏa thuận, Mỹ và một tập đoàn quốc tế xây 2 lò phản ứng nước nhẹ tại Triều Tiên trước năm 2003. Đổi lại, Bình Nhưỡng dừng tất cả hoạt động hạt nhân ở Yongbyon và cho phép thanh sát viên quốc tế giám sát cơ sở này. Ngoài ra, hai nước hướng tới bình thường hóa quan hệ và Triều Tiên đồng ý mở lại đối thoại với Hàn Quốc.

Liên quan đến tình tiết "Triều Tiên đồng ý mở lại đối thoại với Hàn Quốc", một số tài liệu hé lộ: Trong khi tiến hành hội đàm, ông Jimmy Carter đã truyền đạt một lời đề nghị quan trọng từ phía Hàn Quốc- mời nhà lãnh đạo Kim Il-sung sang thăm Seoul. Thông tin này khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên vô cùng phấn chấn. Nếu ông sang thăm Seoul thì đây sẽ là cuộc hội ngộ thượng đỉnh đầu tiên của hai miền Nam Bắc, và trở thành "chuyến thăm phá băng" lưu danh trong sử sách.

Sau khi tiễn cựu Tổng thống Jimmy Carter, nhà lãnh đạo Kim Il-sung đã triệu tập một số quan chức cao cấp khác, thảo luận phương án tổ chức hội nghị thượng đỉnh hai miền Nam Bắc và các văn kiện hội đàm chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này. Đại diện của ông đã gọi điện thoại cho chính phủ Hàn Quốc, lên kế hoạch sẽ tổ chức hội nghị bàn về cuộc "thượng đỉnh lịch sử" tại khu vực Bàn Môn Điếm.

Ngày 6.7.1994, Chủ tịch Kim Il-sung đến biệt thự trên núi Myohyangsan. Đêm đó, sau khi đọc duyệt và ký tên lên văn kiện liên quan đến hội nghị trù bị thống nhất với Hàn Quốc, thư ký của ông xuất hiện để báo cho ông biết một tin đau buồn: Thượng tướng Zhao Ming-xuan, 75 tuổi, vừa mất do xuất huyết não.

Từ năm 14 tuổi, vị tướng này đã theo chân nhà lãnh đạo Kim Il-sung chinh chiến Nam Bắc, tình bạn giữa hai người rất sâu sắc. Sự ra đi bất ngờ của người bạn thân đã khiến Chủ tịch Kim Il-sung sốc nặng. Một cơn đau tim cấp tính ập đến, ông rơi vào đột quỵ. Sáng sớm ngày 8.7.1994, tại Bệnh viện Bonghwa của thủ đô Bình Nhưỡng, trái tim Chủ tịch Kim Il-sung ngừng đập.

Việc thực hiện “Thỏa thuận khung” ngày 21.10 diễn ra khó khăn ngay từ bước đầu. Đến tháng 10.2002, Bình Nhưỡng xác nhận đang thực hiện chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân mới và Washington lập tức đình chỉ kế hoạch xây lò phản ứng. Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào tháng 1.2003, trục xuất tất cả thanh sát viên IAEA và tái kích hoạt sản xuất plutonium.

“Thỏa thuận khung” xem như cáo chung và từ đó, Triều Tiên tiếp tục đẩy nhanh chương trình chế tạo bom hạt nhân. Đến nay, Triều Tiên đã bước một bước tiến dài trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân. Và ở tuổi 93, vị cựu tổng thống Jimmy Carter hy vọng sẽ lặp lại cuộc hội đàm xoa dịu khủng hoảng như 24 năm về trước?

Quang Học (An ninh thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem