Doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu trực tiếp trái cây sang EU
Bộ Công Thương đánh giá, 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước châu Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh bởi các công ty Việt Nam, sau khi được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu nhập khẩu.
Thậm chí, việc phân phối quả vải tươi không chỉ trong hệ thống cửa hàng/siêu thị châu Á mà đã chính thức thâm nhập vào các chuỗi siêu thị thực phẩm tại châu Âu.
Điển hình có thể kể tới như, ngày 12/6/2021, lô hàng 1 tấn vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.
Đơn hàng này xuất xứ từ vùng trồng Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công, có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris.
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc với tổng trị giá xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường Đức, ông Bùi Vương Anh - Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho biết, mặc dù các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chiếm tỷ trọng chưa lớn trong cơ cấu các mặt hàng XK của Việt Nam sang Đức, song thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
"Một lợi thế của thị trường Đức là có cộng đồng người Việt đông đảo đang sinh sống, làm việc và kinh doanh, có hệ thống phân phối sản phẩm châu Á, trong đó phần lớn có xuất xứ từ Việt Nam rộng khắp nước"- ông Bùi Vương Anh phân tích.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (kiêm nhiệm Luxembourg) đánh giá, hiện thị trường nhập khẩu nông sản EU bắt đầu khởi sắc do tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Đây là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này.
Bán hàng sang EU, an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, thời gian tới, để giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường EU, Thương vụ sẽ phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) lập danh sách các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây, sản phẩm trái cây uy tín trên cả nước để kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây tại EU và kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam.
Để hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhìn nhận, ở trong nước, các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất theo hướng chứng nhận Global GAP.
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu khi vận chuyển lưu thông đảm bảo thông suốt, đẩy mạnh các khâu sơ chế, hun trùng, kiểm dịch, hỗ trợ phí kiểm tra trước khi xuất khẩu; lấy mẫu và gửi mẫu sang thị trường EU để kiểm tra theo yêu cầu của thị trường EU và các nhà nhập khẩu.
Một điểm cần đặc biệt lưu ý khác là, EU nói chung và Tây Ban Nha nói riêng đang ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong sản xuất xuất khẩu hàng hóa của nước thứ ba.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.