“Đã đến lúc Giáo hội Phật giáo đưa ra những pháp giới“

Thanh Hà (thực hiện) Thứ sáu, ngày 08/08/2014 18:45 PM (GMT+7)
Những ngày qua, dư luận dậy sóng về vụ việc buôn bán trẻ em tại chùa Bồ Đề (Hà Nội), PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền - người có nhiều công trình nghiên cứu về chùa chiền. Ông Bùi Trọng Hiền cho rằng, đã đến lúc Giáo hội Phật giáo VN phải lên tiếng, phải đưa ra những pháp giới để giữ gìn sự trong sạch, minh triết của phật pháp.
Bình luận 0

Là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông có thể chia sẻ nhận định của mình về sự việc tại chùa Bồ Đề?

- Có thể nói ngoài Bắc, chùa Bồ Đề là cơ sở đầu tiên, điển hình trong hoạt động từ thiện, thậm chí người ta rất ngưỡng vọng trước những hành động nhân đạo của nhà chùa, giúp đỡ người già neo đơn, nhận nuôi trẻ mồ côi.

Quan điểm
img
Bùi Trọng HiềnNhà nghiên cứu văn hóa
  Ngay cả việc các nhà sư nhận tiền, làm công việc dâng sao giải hạn cũng là phạm giới.... Nếu ai nghĩ rằng dùng tiền để nhờ nhà sư cúng, thay đổi được số phận, thì chẳng khác nào nhờ nhà sư chạy án hộ...  
Tuy nhiên, mấy ngày qua báo chí đưa tin người nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề đang buôn bán trẻ em. Có hay không chuyện này, tôi tin cơ quan chức năng sẽ là nơi để tìm hiểu, điều tra để làm rõ. Nhưng ở câu chuyện này đã không xảy ra ở các trại trẻ mồ côi bình thường mà lại xảy ra ở nơi tôn nghiêm của nhà chùa. Trong khi phật pháp, giáo lý của nhà phật lại nói rất rõ ràng, rằng đã vào cửa chùa không được tham, sân, si. Tôi không chỉ đích danh người nào, nhưng với một người đi tu, chắc chắn quy định pháp giới của nhà phật đối với người đi tu đó sẽ khắt khe hơn rất nhiều so với một người bình thường.

 

Khi đã xuống tóc đi tu, thì phải ở một pháp giới cao hơn, những người thay mặt phật để hành pháp, giảng đạo, truyền giáo lý phổ độ cho chúng sinh.

Đã đi tu là không được tư lợi cho bản thân mình, và nếu có nhà sư nào đó, lấy tiền công đức đã được các phật tử cúng về chùa để tư lợi cho bản thân, cho gia đình, họ hàng mình, phục vụ mục đích riêng mà không phải phục vụ cho mục đích cho cơ sở thờ tự tại chùa, từ thiện thì chắc chắn đó là phạm giới.

Hiện nay các địa phương không quản lý chùa, đồng thời cũng không “chạm” được tới các ni sư trụ trì chùa. Ông đánh giá thế nào về  việc công đức cho nhà chùa (tiền từ thiện nuôi trẻ và tiền công đức) của chùa Bồ Đề và rộng hơn là các chùa trên cả nước?

- Có thể nói việc quản lý tài chính, hành chính tại chùa còn lơi lỏng, thậm chí nhiều chùa còn buông lỏng, bỏ mặc, cho dù chúng ta vẫn có Giáo hội phật giáo Việt Nam

Tôi ví dụ như hòm công đức tại chùa, một vấn đề vô cùng nhạy cảm! Chúng ta đều biết thời thượng cổ, khi phật giáo mới manh nha hình thành, việc công đức vào chùa được coi là tôn chỉ cho những người sùng đạo.

Bởi, thời đó người ta không buôn bán nhiều, người dân chủ yếu làm nông, làm ruộng, việc công đức vào chùa là để các nhà sư duy trì cuộc sống cơ sở thờ tự và hành pháp, giảng đạo. Người dân khi đó đóng bát gạo, mớ rau, con cá…thậm chí nhà vua còn phân ruộng công cho nhà chùa để sư trụ trì có thể tự cung cấp lương thực mà không phải đóng thuế. Bởi nhà sư không làm nghề gì, mà sống nhờ vào công đức của người dân vì thế thời thượng cổ việc khuyến khích công đức vào nhà chùa được coi  là tu nhân tích đức giúp cho nhà sư tồn tại.

Nhưng xã hội hiện đại ngày nay, việc công đức đã bị biến tướng đi, chúng ta đều biết cuộc sống khác xưa rất nhiều, việc phú quý sinh lễ nghĩa, con người càng ngày càng thay đổi quan niệm về tín ngưỡng.

Họ nghĩ rằng càng cúng nhiều thì càng được hưởng công đức nhiều. Không chỉ những người đi cúng hiểu sai, quan niệm sai mà ngay cả các sư trụ trì cũng đã thay đổi quan niệm và cách sống khi họ cũng chính là những người khuyến khích phật tử cúng thật nhiều cho nhà chùa.

Và như vậy về mặt giáo lý đấy là phạm giới, cũng là hành vi không tưởng khi nghĩ rằng có thể dùng tiền bạc để đổi lấy công đức.

Vậy theo ông, điều này được hiểu như thế nào?

- Tôi cho là hiện nay việc hiểu sai giáo lý của nhà Phật đang rất phổ biến ở các chùa, nơi thờ tự, và có thể coi là sự biến tướng. Dẫn đến việc người dân thi nhau bỏ tiền để đúc tượng, tôn tạo, đền, miếu mạo nói chung và các chùa nói riêng. Đặc biệt những người giàu đổ tiền tỷ vào hòm công đức là cực lớn.

 

Tôi nghĩ rằng một nơi thờ tự, không cần phải hoành tráng, không cần đắp điếm, không cần sơn son thiếp vàng, diêm dúa. Và càng không nên tốn hàng mấy chục tỷ đồng cho việc tôn tạo, xây mới một ngôi chùa, đập tượng cổ, đắp tượng mới. Trong khi, giá như số tiền hàng chục tỷ đồng từ các cơ sở thờ tự đó, được dùng vào những việc làm từ thiện đúng nghĩa, đúng nơi như rất nhiều trẻ em vùng núi còn đang thiếu cái ăn, cái mặc. Nhiều ngôi trường còn đang bị dột nát, nhiều cây cầu cần được xây để trẻ em không phải lội suối mỗi khi đi học thì hay biết bao. Đấy là điều đáng buồn đang xảy ra trong xã hội.

Và theo ông cần phải làm gì trong thời điểm hiện nay?

- Tôi cho rằng đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải lên tiếng, phải đưa ra những pháp giới, để giữ gìn sự trong sạch, minh triết của phật pháp. Đồng thời Hội Phật giáo cần đưa ra giải pháp về tiền công đức. Một nhà sư chỉ nên nhận tiền vừa đủ sống, thay vì một nhà sư bây giờ vừa có xe máy đẹp, ô tô xịn, điện thoại xịn, nhà cửa khang trang đầy đủ tiện nghi với điều hòa, máy lạnh, ti vi màn hình phẳng HD…và từ cuộc sống quá đầy đủ tiện nghi, tiền nhiều dễ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực đằng sau đấy, giống như sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề.

Trong khi giáo lý nhà Phật dạy rằng, đã đi tu là chịu sự khổ hạnh, phổ độ chúng sinh, cứu giúp cho đời thì phải hy sinh vì chúng sinh, vì xã hội. Và với người tu hành, khi bước vào cửa chùa cần phải diệt nay 3 độc: Tham, sân, si.

Sự việc tại chùa Bồ Đề khiến nhiều người cho rằng, ở đây đang có sự hoạt động độc lập, không có sự can thiệp từ chính quyền sở tại, đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các chùa?

- Từ thời thượng cổ tất cả các nơi thờ tự của phật giáo đều độc lập, không chịu sự chi phối của cơ quan trung ương.

Trong khi bên thiên chúa giáo, họ quản lý hành chính, tài chính rất chặt chẽ. Từ Vatican lan tỏa ra các nước, tức là giáo hội trung ương xong đến địa phương. Thậm chí vị cha cố nào, vị sơ nào làm ở nhà thờ nào sẽ làm bao nhiêu năm phải đổi khi đến kỳ hạn.

Còn bên Giáo hội Phật giáo cũng có tổ chức, hoạt động từ trung ương tới các địa phương, nhưng đó chỉ là về mặt hình thức, mặc dù Giáo hội Phật giáo cũng có chủ tịch, thường trực…nhưng trên thực tế các ngôi chùa vẫn hoạt động hoàn toàn độc lập. Vì vậy tất cả tiền công đức, chia như thế nào, sử dụng ra sao, việc gì đều phụ thuộc vào cái tâm của sư trụ trì nơi đó.

Tôi đã từng biết có nhiều nơi, có chùa, giữa UBND xã, Hội đồng Nhân dân và nhà chùa quy định tiền công đức, họ tự ra một luật ví dụ, hòm công đức ở gian chính, gian tam bảo là UBND xã được hưởng. Còn hòm bên nhà thờ tổ nhà sư được hưởng…

Tuy nhiên, ở chùa Bồ Đề còn có khoản tiền hỗ trợ trẻ, khoản này cũng bỏ vào hòm công đức thì không hiểu được sử dụng thế nào?

Xin cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền là Nghiên cứu viên - Ban nghiên cứu Nghệ thuật, hiện công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Hoạt động công trình và xuất bản sách “Tư liệu âm nhạc cung đình Việt Nam”  (viết chung với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh); Những bài nghiên cứu sâu về “Tín ngưỡng tứ phủ - Những giá trị và hiện thực” (08.2011)…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem