Mỗi ngày chỉ đưa về 80 tấn rác
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trước đây TP Đà Lạt có hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt/ngày, tất cả đều được Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị thành phố Đà Lạt đưa về tập kết tại bãi rác Cam Ly. Do vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận cho Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh (gọi tắt là công ty) đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn với diện tích 28ha thuộc xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt nằm trên diện tích 28ha.
Ngay sau khi Nhà máy xử lý chất thải rắn đi vào hoạt động (năm 2015), bãi rác Cam Ly đã đóng cửa, toàn bộ lượng rác hàng ngày được đưa về nhà máy này xử lý. Thế nhưng, dù đã đi vào hoạt động, nhà máy này vẫn không thể xử lý được hết do chưa đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật và hiện nay đã dừng hoạt động.
Mục tiêu của nhà máy là xử lý 200 tấn rác mỗi ngày trên địa bàn TP. Đà Lạt.
Theo ông Cao Văn Bé – Quản lý nhà máy rác cho biết, vào ngày 17/8, một công nhân 17 tuổi (ngụ tỉnh Ninh Thuận) đã tử vong do một hòn đá to bằng khoảng nắm tay văng ra từ guồng quay xử lý rác trúng đầu. Ngay sau vụ việc trên, 45 công nhân của nhà máy lo sợ nên đã xin tạm nghỉ, vì vậy nhà máy phải tạm dừng hoạt động. Cũng theo ông Bé, hai tháng qua nhà máy chưa được tạm ứng tiền xử lý rác (khoảng 1,7 tỷ đồng) nên chưa có tiền trả cho công nhân, trả tiền điện và tiền dầu để vận hành dây chuyền xử lý rác.
Hiện nay, nhà máy đã ngừng hoạt động do không có công nhân.
Nhưng theo ông Phạm Văn Tuyên - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt cho biết, thực tế trước khi xảy ra tai nạn trên, mỗi ngày đơn vị này chở về nhà máy được 80 tấn rác. Số còn lại buộc phải đưa về bãi rác Cam Ly để phun chế phẩm vi sinh EM khử mùi, hóa chất diệt ruồi, sau đó được san ủi xuống vực thấp và rải vôi, đổ đất để chôn lấp. Trong khi đó, do quá tải và ô nhiễm, bãi rác Cam Ly đã được đưa vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được cải tạo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Không minh bạch về tài chính?
Theo số liệu của UBND TP.Đà Lạt, tổng mức đầu tư dự án Nhà máy là hơn 381 tỷ đồng với hai giai đoạn, mục tiêu lý 200 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Vừa qua UBND TP đã tiến hành kiểm tra, nhận thấy công ty này có dấu hiệu không minh bạch về tài chính trong quá trình triển khai dự án. Đoàn kiểm tra của các sở, ngành, phòng ban đã nhiều lần yêu cầu công ty cung cấp sổ sách, tài liệu, chứng từ nhưng công ty cung cấp thiếu và chủ yếu là bản photocopy công chứng nên không thể xác minh được tính hợp pháp, chính xác của chứng từ tài chính.
Lối đi của công nhân trên băng chuyền đã có mạng nhện, không có lực lượng xử lý rác trong nhiều ngày qua.
Đánh giá của TP.Đà Lạt cho rằng, công nghệ mà nhà máy đang sử dụng để xử lý rác khá lạc hậu, hiệu quả xử lý thấp dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng được lưu trữ càng ngày càng nhiều. Khu tập kết rác không được lót bạt, che chắn.
Được biết dự án áp dụng quy trình, công nghệ Green Entec để xử lý chất thải rắn. Đây là công nghệ xử lý không chôn lấp và có sản phẩm phụ kèm theo là gạch Bloock, dầu PO&RO và phân Compost. Nhưng, công ty đã không thực hiện đúng quy trình công nghệ đã cam kết và được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Hiện nay nhiều tấn rác bị ứ đọng tại nhà máy mà không được xử lý.
Tại thời điểm kiểm tra, các công nhân của nhà máy vẫn làm thủ công, phân loại rác, thu gom phế liệu, đưa rác vào lò đốt, khói đen cả khu vực, gây ô nhiễm môi trường. Hiện khoảng 7.000 tấn rác tại khu vực tập kết không được lót bạt, che chắn nên tiềm ẩn nguy cơ phát tán mùi, nước rỉ rác và rác bay khi trời gió ra khu vực xung quanh. Công ty cũng chưa xây dựng được hệ thống thu gom xử lý mùi khí thải tại phân xưởng phân loại chế biến rác và hệ thống xử lý khí thải từ lò đốt rác.
Việc tồn đọng nhiều rác trong nhà máy không được xử lý khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm.
Trước đó vào tháng 8/2018, công ty này đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện chôn lấp rác xung quanh khu vực nhà máy. Sau đó công ty bị xử phạt hành chính 350 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.