Dự án xây dựng đường gom và rào cách ly đường sắt đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm đến UBND phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng (khoảng 1 km) được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2010. Tuy nhiên, đến nay dự án này mới chỉ dừng lại ở khâu giải phóng mặt bằng do thiếu kinh phí.
Lại điệp khúc thiếu vốn
Theo Sở GTVT TP Đà Nẵng, đoạn đường sắt trên tuy chỉ dài hơn 1 km nhưng có nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Chính vì vậy, năm 2010, Bộ GTVT đã đưa đoạn đường này vào dự án “lập lại trật tự hành lang an toàn trên các tuyến đường sắt”, giao Tổng Công ty Đường sắt triển khai. Theo thiết kế, khi hoàn thành đường gom và rào cách ly đường sắt thì sẽ làm mới một đường ngang, đồng thời đóng tất cả đường ngang dân sinh hiện hữu.
“Do tính cấp thiết của dự án nên TP Đà Nẵng đã tạm ứng 1,73 tỉ đồng để triển khai công tác bồi thường giải tỏa theo đề nghị của ngành đường sắt. Ngành đường sắt cho hay sẽ hoàn trả kinh phí đã tạm ứng sau khi dự án có vốn” - ông Tô Đình Trung, Trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị (Sở GTVT TP Đà Nẵng), nói.
Tính đến tháng 6-2014, UBND quận Cẩm Lệ và Ban Giải tỏa đền bù đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đã có 24/74 hộ bàn giao, còn lại 50 hộ chưa bàn giao (42 hộ đã nhận tiền bồi thường) với lý do là dự án chưa triển khai nên chưa xác định được mốc giới, cao trình để xây dựng lại tường rào, cửa ngõ. “Nhà tôi đã tháo dỡ hàng rào gần hai năm qua để giao mặt bằng. Nhưng chờ mãi chưa thấy ai đến thi công. Muốn làm lại tường rào cũng không được vì chưa xác định được mốc giới, sợ lại bị giải tỏa lần nữa” - anh Nguyễn Văn Nam bức xúc.
Đường ngang dân sinh trên đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm đến UBND phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Ảnh: TT
Lý giải nguyên nhân dự án đình trệ suốt bốn năm, Tổng cục Đường sắt cho rằng đó là do việc bố trí vốn cho các dự án xây dựng công trình giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đơn vị này cũng hứa sẽ tiếp tục đề nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan sớm bố trí vốn trả nợ cho công trình. Sau khi được bố trí vốn, Tổng cục sẽ chuyển trả kinh phí giải phóng mặt bằng cho các địa phương ngay.
Đầu năm 2015, Tổng cục Đường sắt lại tiếp tục có văn bản đề nghị TP Đà Nẵng ứng kinh phí để thi công hoàn thành đoạn đường gom này. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng không đồng tình.
“Đòi nợ” chi phí giải tỏa, tái định cư
Đại diện Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết do không được bố trí vốn đầy đủ nên công tác giải phóng mặt bằng của dự án bị chậm trễ, công trình thi công dở dang làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. “Sở đã đề nghị Tổng Công ty Đường sắt tiếp tục triển khai xây dựng đường gom và hoàn thành trong năm 2015 nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ - đường sắt. Đơn vị này cũng phải hoàn trả số tiền 1,7 tỉ đồng cho ngân sách TP đã tạm ứng để chi trả bồi thường” - ông Trung nói.
Ngoài ra còn một số hạng mục công trình đã thi công xong nhưng Bộ chưa thanh toán hết kinh phí cho địa phương (như tám đường gom, cầu vượt đường sắt Ngô Sỹ Liên và tuyến nối từ cầu vượt đến trục I Tây Bắc). Tổng số tiền mà Bộ GTVT đang “nợ” Đà Nẵng là hơn 5,4 tỉ đồng.
Sau khi nhận được phản ánh của Đà Nẵng, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương rà soát, tổng hợp, báo cáo Bộ KH&ĐT, Tài chính đề xuất nguồn vốn trình Thủ tướng xem xét. Bộ cũng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chủ động triển khai dự án theo nguồn vốn được bố trí. Tuy nhiên theo quan sát, hiện công trình này vẫn chưa được tiếp tục triển khai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.