Bệnh nhân tên Chu Văn Chung (sinh 1988, quê ở Thanh Hóa) nhập viên bệnh viện Hoàn Mỹ trưa nay. Bệnh nhân sống và làm việc tại Guinea đã 2 năm. Cách đây 5 ngày, bệnh nhân về Việt Nam nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), quá cảnh qua Marốc và Qatar; từ TP.HCM về Đà Nẵng được 2 ngày thì sốt. Ghi nhận tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho thấy, bệnh nhân đã sốt 2 ngày, tỉnh táo, mệt mỏi và khát nước nhiều, không ho, không khó thở, mạch 80 lần/phút, nhiệt độ 40,5 độ C… Bệnh nhân được chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân và đi từ vùng có dịch Ebola.
Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị theo quy định.
Bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân đảm bảo quy trình theo chỉ đạo của Sở Y tế. Đây là bệnh nhân đầu tiên nghi nhiễm Ebola trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Chiều nay, tại Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Phạm Hùng Chiến – Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã tổ chức họp khẩn cấp với các đơn vị liên quan về công tác phòng chống dịch và xem như trường hợp này, các đơn vị phải xử lý như một trường hợp bệnh nhân Ebola. Tiếp tục giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong công tác điều trị, giám sát, xử lý môi trường, cũng cố trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ y tế.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến – Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân sốt từng cơn và đi từ vùng có dịch về nên theo quy định, bệnh nhân phải được cách ly để điều trị. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xét nghiệm xác định vi rút Ebola.
Bác sĩ Yến cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang. Để phòng tránh dịch, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và tránh tiếp xúc với những người đến từ vùng dịch. Đối với những người nhà và bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng cũng không nên lo lắng, bởi những bệnh nhân nghi ngờ Ebola được điều trị ở khu vực cách ly, nằm ở tầng trên cùng, lối đi cũng hoàn toàn riêng biệt so với các khoa khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.