Ngày 10.4, Sở TNMT TP.Đà Nẵng đã có báo cáo kết quả về việc ô nhiễm nước biển tại bãi biển Nguyễn Tất Thành xảy ra vào ngày 24.3 vừa qua.
Theo Sở TNMT, hiện tượng nước biển đổi màu đen, sủi bọt vàng và có mùi tanh như Dân Việt đã thông tin là do "hiện tượng tảo nở hoa". Cụ thể, sau khi quan trắc sinh học và phân tích chất lượng nước biển cho thấy, không xảy ra ô nhiễm dinh dưỡng, tuy nhiên đã phát hiện loài tảo giáp trong nước biển có tên khoa học Tripos furca (Ehrenberg).
Loài tảo Tripos furca (Ehrenberg) tuy không gây độc tố nhưng có thể gây hiện tượng nở hoa với số lượng lớn. Hiện tượng này sẽ gây thiệt hại thông qua tác động gián tiếp như giảm nồng độ ôxy, ảnh hưởng đến sinh vật thủy sinh như gây nghẹt mang cá do suy kiệt nhanh nguồn ôxy trong nước.
Nước biển đổi màu đen, sủi bọt vàng xảy ra vào ngày 24.3 tại bãi biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng. Ảnh: Lam Hàn
Sở TNMT TP.Đà Nẵng lấy một ví dụ điển hình đã xảy ra 1 số nơi như vào tháng 7.2011, hiện tượng trên xảy ra tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã gây chết cá mú, cá hồng nuôi trên lồng. Tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) xảy ra vào tháng 10.2016 đã gây chết tôm hùm non và cá bớp.
Sở TNMT TP.Đà Nẵng cho biết, việc tảo nở hoa xuất hiện liên tục những năm gần đây như vào tháng 2.2017 tại ven biển Sơn Trà, tháng 3.2018 tại Vịnh Đà Nẵng sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái thủy sinh nói chung, quần xã thực vật phù du nói riêng và phát triển du lịch thành phố.
Để có cơ sở cho việc cảnh báo sớm nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu các tác hại gây ra do tảo nơ hoa trong khu vực biển Đà Nẵng, Sở TNMT TP.Đà Nẵng đã đề nghị UBND TP.Đà Nẵng có chủ trương giao Sở KHCN tuyển chọn đơn vị có chuyên môn thực hiện nghiên cứu đề tài: “Điều tra, đánh giá hiện tượng nở hoa vi tảo, xác định nguyên nhân chết của đối tượng thủy sinh khu vực biển Đà Nẵng và đề xuất biện pháp phòng ngừa”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.