Đà Nẵng: Hàng ngàn hộ dân bồng bế nhau chạy lụt

Thứ ba, ngày 18/10/2011 05:57 AM (GMT+7)
Dân Việt - Hàng trăm hộ dân thuộc xóm Thạch Sơn (thôn Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) và thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã bị ngập nước và cô lập hoàn toàn.
Bình luận 0

Từ đêm 16 và rạng sáng ngày 17.10, hàng ngàn người dân ở khu vực này phải bồng bế nhau chạy lụt trên những chiếc ghe, thuyền thúng…

 img
Nước ngập quá nửa người ở thôn Trung Sơn

Mới 5h sáng, bác Nguyễn Bá Huy, 80 tuổi, thôn Trung Sơn (Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã gọi điện cho chúng tôi nhờ cầu cứu. “Tôi ở “xóm nước đen” đây, nước ngập hết rồi, bị cô lập, không có đường vào, lẫn đường ra khu dân cư nữa, mấy cô chú lên coi, phản ánh cùng chính quyền để giúp dân với”, bác Huy nói qua điện thoại.

Chúng tôi có mặt tại con đường dẫn vào khu dân cư Thạch Sơn lẫn Trung Sơn, nhưng phải đợi đội xung kích cứu hộ của quận Liên Chiểu trợ giúp và cho đi nhờ trên thuyền thúng mới có thể tiến vào sâu hơn. Đâu đâu cũng thấy nước, lềnh bềnh trên đó là rác rưởi, nhiều vật dụng gia đình, gà vịt…chưa đưa được lên cao hay nhốt kịp.

Anh Hồ Nghĩa Hùng - thành viên trong đội xung kích cứu hộ - cho biết, từ 3 giờ sáng, nước đã lên ngang nhà dân, nhận được lệnh, các anh em phải nghỉ việc, tìm đường vào để giúp đỡ.

 img
Người dân Thạch Sơn được đội xung khích cứu hộ, cứu đưa ra khỏi nhà

“Do mưa lớn, không có lối thoát do vùng này đang bị “vây” bởi các dự án đang thi công dang dỡ nên nước lên rất nhanh, nhiều hộ dân trở tay không kịp. Mà dân nghèo hết cả, họ không có cả điện thoại để gọi báo, chúng tôi phải chèo ghe, đi vào từng nhà, lùng tìm người già, trẻ em có ai còn sót mà cứu, đưa ra. Toàn xóm Thạch Sơn có khoảng 100 hộ với gần 500 nhân khẩu. Cứu và đếm cho đủ người chúng tôi mới dám quay về”, anh Hùng nói thêm.

Thế nhưng, đã gần quá trưa, nghe người dân ở phía ngoài nhốn nháo: “vẫn còn vợ chồng ông bà thương binh Ngô Tấn Thuận, 75 tuổi và Lê Thị Bình, 70 tuổi chưa có mặt, đoàn lại tức tốc lội nước đẩy ghe đi tìm. Rất may, khi vào đến nhà, cả hai vợ chồng vẫn bình an đang ngồi trên trên chiếc bàn gỗ khi nước vừa mấp mé.

Còn khu dân cư liền bên, nhiều thuyền bè của xã Hòa Liên cũng ra vào luân phiên để đưa người dân thuộc thôn Trung Sơn lên vùng cao hơn trú tạm. Điều đặc biệt, do nước thải từ các nhà máy trong Khu công nghiệp Hòa Khánh chưa qua xử lý đổ thẳng ra cánh đồng thuộc thôn này nên không ai dám lội bì bõm. Bởi vậy, 200 hộ với 655 nhân khẩu ở đây mới tự đặt cho cái tên là “xóm nước đen” mà bác Huy đã gọi báo với chúng tôi.

 img
Đường vào khu dân cư Thạch Sơn lẫn Trung Sơn đều phải duy chuyển bằng ghe, thuyền thúng

Theo ông Võ Chí Thanh, trưởng thôn Trung Sơn, nếu như trước, tổng diện tích ruộng của thôn có 25ha thì trong vòng 3 năm trở lại đây, đất đai đã bị teo tóp thêm 14ha nửa do phải bỏ hoang. Điều đáng nói, ngoài việc chịu ảnh hưởng ô nhiễm trực tiếp đến diện tích lớn sản xuất nông nghiệp, mà sống sinh hoạt mỗi mùa mưa bão cũng “cực khổ trăm bề”.

“Đây vốn là vùng ngập nặng đã bao đời, cứ đến mùa mưa bão, bà con phải dắt díu nhau chạy lũ. Nhưng 2 năm lại đây, ngập nước mưa còn mang thêm cái thứ nước tanh hôi, đen ngòm thì dân không ai chịu được, chưa kể, tình trạng “mưa dầm thấm lâu”, nước ngầm ở đây cũng ô nhiễm nặng nữa”, ông Thanh cho biết thêm

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Duy Du, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam và ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, vùng này vốn là vùng ngập lụt nặng của thành phố bởi đây là vị trí đón nước từ các hồ chứa nước của thành phố như Hòa Trung, Bầu Trằm (huyện Hòa Vang) dồn về rồi sau đó mới đổ ra biển. Đặc biệt, do năm nay, cánh đồng Xuân Thiều bị san lấp để triển khai các dự án du lịch, nên lưu lượng nước nhận về càng nhiều hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem