Đà Nẵng: Làm bún khô, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng

Thiên Chi - Thanh Ngọc Thứ sáu, ngày 13/03/2020 13:58 PM (GMT+7)
Nhờ nghề làm bún khô mà lão nông Trần Phước Ẩn (69 tuổi), ở thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đổi đời, vươn lên ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Bén duyên với nghề làm bún khô

Trò chuyện cùng phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Ẩn cho biết, xuất thân trong một gia đình thuần nông, ông làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từng là công nhân làm bún khô cho các xưởng sản xuất bún. Thấy nghề này dễ làm, không quá khó, đầu tư vốn không nhiều, vừa làm, vừa quan sát, học hỏi kinh nghiệm. Sau đó ông về mở xưởng sản xuất bún khô để làm hướng khởi nghiệp cho gia đình.

img

Nhờ nghề làm bún khô mà lão nông Trần Phước Ẩn (69 tuổi), ở thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đổi đời, vươn lên ổn định cuộc sống.

“Năm 1997, khi đã nắm bắt được quy trình sản xuất bún khô tôi bắt đầu dựng xưởng sản xuất, vốn ít là một khó khăn đối với tôi lúc đó, “vạn sự khởi đầu nan”, tôi từ từ gây dựng lên. Dần dần xưởng hoạt động ổn định, tôi bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, nhờ vậy đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”. Ông Ẩn nhớ lại.

Ông Ẩn cho biết thêm, thời đó chỉ sản xuất bằng phương pháp thủ công là chủ yếu, khi mới bắt tay vào làm gặp khá nhiều khó khăn do kỹ thuật chưa đảm bảo, chất lượng sợi bún chưa đẹp, ngon. Nhưng nhờ sự tỉ mỉ, chăm chỉ mày mò, những mẻ bún đầu tiên của gia đình ông đã cho ra lò và được khách hàng ưa chuộng.

img

Mỗi ngày gia đình ông Ẩn chế biến được khoảng 150kg mỳ khô, phở khô, bún khô các loại.

Nhờ đầu tư mua máy xay xát, máy nghiền, máy đập bột và xây dựng cơ sở sản xuất bún khô tại gia đình bằng dây chuyền hiện đại hơn, đến nay thương hiệu bún khô Phước Hòa đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

img

Máy xay gạo để làm bún khô.

Để tạo ra những mẻ bún khô vừa mềm vừa dai, đảm bảo chất lượng, công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất là chọn gạo. Gạo dùng để sản xuất bún là gạo xiệc 13/2, xay xát sạch sẽ rồi nghiền thành bột trộn với nước đổ vào máy làm bún. Từng sợi bún trắng ngần, dẻo dai sẽ từ từ được đẩy ra, lúc này sẽ được cắt thành từng đoạn ước chừng khoảng 1kg và đặt lên giá phơi.

img

Đến nay, thương hiệu bún khô Phước Hòa đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

“Phương pháp làm bún của gia đình tôi được kết hợp giữa công thức thủ công truyền thống và máy móc nên sợi bún không bị xỉn màu, dai, thơm mà không cần dùng bất cứ chất phụ gia nào...”, ông Ẩn chia sẻ bí quyết.

Thu nhập gần 200 triệu/năm

Nghề làm bún khô không khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ nhưng mỗi người làm nghề lại có bí quyết riêng. Muốn có sợi bún ngon thì điều quan trọng phải chọn được gạo ngon. Nước để ngâm gạo và xay bột phải sạch thì bún mới trắng. Bột xay nghiền kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian để tạo ra mẻ bún ưng ý.

img

Bún sau khi rũ được phơi nắng sẽ khô nhanh, hàng sẽ bóng đẹp và thơm mùi nắng.

Ngày nay, quy trình sản xuất bún đều khép kín, các công đoạn xay gạo, vắt bột, khuấy bột…đều do máy móc đảm nhiệm. Thế nhưng, tay nghề và kỹ thuật của người vào máy là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của mẻ bún. Công đoạn đưa bột vào máy ép phải đủ độ để bún chín thì bún mới ngon, sợi trắng và dai. Bún sau khi rũ được phơi nắng sẽ khô nhanh, hàng sẽ bóng đẹp và thơm mùi nắng.

img

Mỗi năm sau khi trừ các khoảng chi phí ông Ẩn lãi gần 200 triệu đồng.

“Hiện ngoài sản xuất bún khô, tôi còn sản xuất thêm mỳ khô, phở khô. Các sản phẩm mỳ khô, phở khô, bún khô được các thương lái trên địa bàn Đà Nẵng thu mua. Mỗi ngày gia đình tôi chế biến được khoảng 150kg mỳ khô, phở khô, bún khô các loại, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg. Mỗi năm sau khi trừ các khoảng chi phí tôi lãi gần 200 triệu đồng, nhờ vậy mà kinh tế gia đình khá giả hơn trước, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn…”, ông Ẩn phấn khởi nói.

img

Bún khô của cơ sở sản xuất Phước Hòa đang được địa phương chọn xây dựng thành sản phẩm OCOP (theo Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm).

“Hòa Phước chọn 2 sản phẩm là: “trứng cút Hòa Phước và bún khô của cơ sở sản xuất Phước Hòa để xây dựng thành sản phẩm OCOP (theo Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm). Địa phương đang phấn đấu xây dựng, hoàn thành ít nhất một sản phẩm OCOP trong năm nay…”, ông Trần Bùi Quốc Bình – Chủ tịch UBND xã Hòa Phước nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem