Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì, chỉ đạo tại hội nghị
Theo kết quả báo cáo, năm 2018, toàn thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra 25.110/26.790 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực phẩm, thức ăn đường phố. Kết quả có 24.510 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 97,61%), xử phạt vi phạm hành chính 600 cơ sở với số tiền 1,9 tỷ đồng.
Về công tác kiểm tra, giám sát ô nhiễm thực phẩm, Ban quản lý ATTP thành phố phối hợp với các ngành các cấp lấy 1.666 mẫu thực phẩm để gởi kiểm nghiệm và lấy 2.360 mẫu thực phẩm kiểm tra bằng phương pháp test nhanh. Qua đó, kết quả phát hiện 14 mẫu rau, trái cây có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; 1 mẫu thịt phát hiện tồn dư chì, 72/186 mẫu thịt nhiễm vi sinh vật vướt mức giới hạn cho phép, chiếm tỷ lệ 38,71%; 48 mẫu sản phẩm chế biến, sản phẩm khác không đạt, trong đó 47 mẫu ớt bột, 1 mẫu đậu phụng nhiễm nấm mốc và 1 mẫu mì vàng nhiễm vàng ô, chiếm tỷ lệ 18,68%...
Ông Nguyễn Tứ- Phó trưởng Ban quản lý ATTP thành phố cho biết thêm, qua số liệu giám sát năm 2018, so với các năm trước tỷ lệ mẫu nhiễm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở rau, củ, quả và trái cây giảm đáng kế.
“Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là thịt ô nhiễm vi sinh vật. Vì sao tỷ lệ ô nhiễm tăng, vì cơ sở giết mổ còn quá kém. Cơ sở buôn bán tại các chợ về bàn ghế, dụng cụ, vận chuyển đều không đảm bảo khiến thịt nhiễm vi sinh rất cao. Một vấn đề nổi lên năm 2018 nữa là một số sản phẩm đã qua chế biến, đặc biệt là hàng khô bị nhiễm độc tố nấm, như ớt bột. Đây là một cảnh báo, chúng ta cần phải tập trung, quyết liệt hơn để ngăn chặn”, ông Tứ nói.
Theo ông Tứ, nền tảng cơ bản để giải quyết an toàn thực phẩm của thành phố Đà Nẵng bền vững và lâu dài là cần đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống các chợ. Cần có chỉ đạo, cải thiện tình trạng giết mổ trên nền đất đối với các cơ sở giết mổ gia súc.
Còn ông Võ Ngọc Đông- Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu – Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP quận Hải Châu cho biết, qua kiểm tra 86 trường trên địa bàn quận đã phát hiện nguồn nước ô nhiễm ở các trường rất cao.
“Chúng tôi phải dùng 2 từ là “bàng hoàng”. Sau kiểm tra, chúng tôi đã đề xuất lên UBND quận và thay toàn bộ các bể nước ngầm ở các trường, qua kiểm tra lại đều đạt. Qua việc này, chúng tôi kiến nghị Ban quản lý ATTP cần tăng cường kiểm tra nguồn nước từ các thùng nước 20 lít. Có một số trường cấp 2 chủ yếu sử dụng nguồn nước này, bởi qua xét nghiệm chúng tôi cũng phát hiện các thùng nước này nhiễm trực khuẩn mủ xanh rất nhiều. Chúng tôi đã đề nghị thay nhà cung cấp khác, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa an tâm…”, ông Đông nói thêm.
Đà Nẵng tăng cường kiểm soát thực phẩm trước và sau Tết đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân
Kết luận hội nghị, ông Lê Trung Chinh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị các quận, huyện và các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra các chợ trên địa bàn, từng bước xây dựng các chợ đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, giao Ban quản lý an toàn thực phẩm phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra nguồn nước tại tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố và xử lý. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hàng rong trước cổng trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Chinh chỉ đạo các ngành, các cấp và Ban quản lý an toàn thực phẩm thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo an toàn thực phẩm trước và sau Tết, tạo niềm tin cho nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.