Đây là hình thức sản xuất tốt nhất để Việt Nam thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng
Hợp tác xã là nền tảng cốt lõi thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa
Minh Huệ
Thứ ba, ngày 26/11/2024 09:18 AM (GMT+7)
Lực lượng khuyến nông cộng đồng đã và đang tích cực hoạt động, góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tăng cường năng lực nông dân, nâng cao vai trò của HTX và tổ hợp tác trong quá trình thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức diễn đàn Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp tại vùng ĐBSCL.
Cần nhiều HTX đủ mạnh
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, có 12/13 tỉnh ĐBSCL đang thực hiện chương trình 1 triệu ha lúa, riêng Bến Tre không tham gia do quỹ đất lúa không còn nhiều. Khoa học kỹ thuật ở vựa lúa lớn nhất cả nước cũng đang phát triển mạnh. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, với 1,7 triệu ha lúa ở ĐBSCL, năm 2006 chỉ có 2 máy gặt đập liên hợp thì sau 6 năm đã có 12.000 máy gặt đập liên hợp, cho thấy tốc độ phát triển vũ bão.
Ông Tùng cho rằng, chỉ cần có khoa học kỹ thuật phù hợp thì sự phát triển sẽ mặc nhiên nhanh chóng. "Gạo Việt xanh, phát thải thấp - đó là cái tên trong thời gian tới. Trong tương lai, nhiệm vụ của Đề án vẫn là nhân rộng mô hình theo hướng chuỗi giá trị, cơ sở dữ liệu sinh thái, phát triển công nghệ, thay đổi hành vi, tăng cường năng lực.
"Chúng tôi cũng thấy rằng cần sự chung tay, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị, doanh nghiệp, để nông dân có nhiều thông tin hữu ích" - ông Tùng phát biểu.
Ông Trương Hoàng Hải - Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ 2 cho biết, Agribank hiện là ngân hàng chủ lực với tổng dư nợ đạt 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 65% tập trung vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Agribank cam kết hỗ trợ mạnh mẽ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đảm bảo cung ứng vốn cần thiết để triển khai dự án. Đến cuối năm 2025, Agribank sẽ giữ vai trò chủ lực trong việc thực hiện Đề án này.
Về vấn đề này, ông Hoàng Tuyển Phương - Trưởng phòng Trồng trọt - Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, đơn vị đang kết nối với hơn 30 kênh truyền thông trong nước và quốc tế nhằm nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp và tạo sinh kế bền vững cho người dân.
"Chúng tôi luôn nhấn mạnh việc thông tin cho người dân về quy trình kỹ thuật nhằm giảm giống, phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã ban hành sổ tay hướng dẫn bà con quản lí rơm rạ và kĩ thuật" - ông Phương nói và cho biết, thời gian qua khuyến nông cộng đồng đã góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tăng cường năng lực cho nông dân, nâng cao vai trò của HTX và tổ hợp tác; phát triển lực lượng MRV (đo đạc, báo cáo và thẩm định)…
Trong khi đó, ông Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, việc phát triển HTX là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Việc gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ là hướng đi trong thời gian tới giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa cũng như các công nghệ hiện đại trong nông nghiệp.
Hiện tại, một HTX trung bình ở ĐBSCL chỉ có khoảng 80 thành viên, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 200 thành viên của cả nước và con số 1.500 thành viên tại Thái Lan. Do đó, việc xây dựng các HTX vừa (50-100 thành viên) không chỉ phù hợp với yêu cầu của Luật HTX 2023 mà còn giúp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Đầu tư vốn và nguồn lực cho đề án
Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa là chương trình lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến ngành lúa gạo được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Do đó, TP.Cần Thơ xác định cần bắt tay vào thực hiện ngay lập tức.
Qua tổng kết các mô hình thí điểm, Cần Thơ và một số địa phương ở ĐBSCL đang quan tâm đến 5 vấn đề trọng tâm. Một là công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở như khuyến nông viên, nông dân, HTX nằm trong vùng Đề án. Hai là xây dựng, nhân rộng các mô hình nằm trong phạm vi của Đề án, ví dụ như sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, ứng dụng các công nghệ để xử lý rơm rạ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Ba là đầu tư nguồn lực vào cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, điện, nước, môi trường... Bốn là xây dựng liên kết chuỗi giá trị giữa HTX và doanh nghiệp. Cuối cùng là nguồn vốn để hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trong vùng dự án.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho biết, hiện các ngân hàng đã bắt đầu chuyển mình để cho vay theo chuỗi thực hiện đề án, tuy nhiên dư nợ chưa nhiều, đặc biệt là nông dân, HTX đang rất thiếu vốn để mua máy sạ cụm, máy gặt... "Các ngân hàng có thể cho vay theo khách hàng cá nhân nhưng đại diện tổ nông dân và HTX sẽ nhận và cho vay qua doanh nghiệp (bên thứ 3) để nâng cấp máy" - ông Hải đề xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.