Diệu Bình
Thứ bảy, ngày 29/08/2020 06:07 AM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 7, Đà Nẵng trở thành "tâm bão" của dịch Covid-19. Mỗi ngày trôi qua, trong khi người dân cả nước hướng về Đà Nẵng với nỗi lo lắng, thấp thỏm khi liên tiếp có những tin tức về ca nhiễm và tử vong, thì bên trong tâm dịch, biết bao người vẫn bình thản chiến đấu.
0 giờ ngày 28/7, lực lượng chức năng Công an TP.Đà Nẵng đã thực hiện tổng cộng 10 chốt phong tỏa để cách ly hoàn toàn các tuyến đường dẫn vào khu vực Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và Phục hồi chức năng - ngay sau khi ca dương tính với SARS-CoV-2 xuất hiện tại khu vực này.
Trong đêm đầu tiên nơi tâm dịch, với nhận định không loại trừ khả năng một số y – bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19 từ các bệnh nhân vừa được phát hiện trước đó, đã khiến nhiều người không tránh khỏi nỗi lo sợ.
Anh Nguyễn Văn Thanh - Kỹ thuật viên hình ảnh (Khoa chuẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đà Nẵng) nhớ lại, dù đã xác định sẵn tâm lý nhưng ngày nhận được lệnh phải có mặt tại bệnh viện để tiến hành xét nghiệm và thực hiện cách ly, anh đã không thể nào chợt mắt được vì lo sợ, bởi sau lưng anh còn là gia đình, người thân.
Đáp lại những lo lắng của cộng đồng dành cho người nơi tuyến đầu chống dịch, anh Quang dứt khoát: "Mọi người ơi! Gia đình của chúng tôi ơi! Xin hãy yên tâm. Chúng ta đang cố gắng hết sức. Đà Nẵng sẽ lại khỏe mạnh!".
"Tại đây, chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ kép là kiểm tra, đảm bảo sức khỏe của mình và sát cánh cùng bệnh nhân, xem họ như người nhà. Ngay trong "rốn" dịch, không còn sự lựa chọn nào khác, chúng tôi buộc phải chiến đấu" - anh Thanh nói,
Vượt qua cảm giác sợ hãi, lo lắng giữa lằn ranh "âm – dương", anh cùng "đồng đội" nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc khắc nghiệt chưa từng có. Trong bộ đồ bảo hộ trùm kín, găng tay, kính chống giọt bắn, cường độ làm việc được đẩy cao đến mức tối đa, anh quên đi nỗi sợ hãi…
"Mọi người đều động viên nhau cố gắng "chiến đấu" bởi có như thế mới sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở về nhà. Bạn bè hỏi tôi làm việc như thế không sợ sao? Tất nhiên là tôi sợ, không có ai ở đây là không sợ cả nhưng không thể cùng góp sức với mọi người trong thời điểm này mới là điều tôi sợ nhất" - anh Thanh chia sẻ.
Tròn một tháng vừa thực hiện cách ly chống dịch vừa chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19, anh Trần Quang Trình - phụ trách công tác tiếp đón và chăm sóc cho bệnh nhân F0 vào khu cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến - Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, vẫn luôn tin rằng, Đà Nẵng sẽ mau "khỏi bệnh". "Công việc tuy có vất vả hơn một chút, nguy hiểm hơn một chút nhưng biết làm sao vì người dân, thành phố đang cần chúng tôi" - anh Trình nói.
Hình ảnh các y – bác sĩ trong bộ đồ "phi hành gia" ngủ thiếp đi bên góc tường, trên ghế đá, bàn làm việc; người vợ gạt nước mắt tạm biệt chồng sau cách cổng bệnh viện khép chặt; hay nữ y tá ngất xỉu, phải thở oxy vì kiệt sức sau nhiều ngày làm việc… đều khiến mọi người không khỏi xót xa. Đáp lại những lo lắng của cộng đồng dành cho người nơi tuyến đầu chống dịch, anh Quang dứt khoát: "Mọi người ơi! Gia đình của chúng tôi ơi! Xin hãy yên tâm. Chúng ta đang cố gắng hết sức. Đà Nẵng sẽ lại khỏe mạnh!".
Sự sống nảy mầm...
Tối 15/8, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng đã phối hợp các bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến – Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang thực hiện ca mổ đẻ cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 569. Sản phụ mắc Covid-19 ở tuần thai thứ 35, sau 4 tuần điều trị được chỉ định sinh mổ để bảo toàn cho mẹ và con. Ca mổ thành công, bé gái mạnh khỏe mang đến niềm vui, khích lệ tinh thần cho các y, bác sỹ đang ngày đêm căng mình chống dịch.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Đại Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Hòa Vang chia sẻ: "Cảm xúc lúc đó xen lẫn giữa vui mừng và cũng rất lo âu. Đón 1 sinh linh ra đời an toàn là điều rất vui mừng. Lần đầu tiên có trường hợp phải như thế, chưa có tiền lệ, chúng tôi đã suy nghĩ làm thế nào để an toàn nhất cho cả mẹ và con".
Những ngày qua, tại TP.Đà Nẵng liên tục đón những thông tin vui khi mỗi ngày, số ca khỏi bệnh Covid-19 và được ra viện ngày càng nhiều. Có ngày 23 người được ra viện. Và mỗi ngày số ca nhiễm dần ít đi.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, bày tỏ: "Chúng ta mặc dù có những mất mát nhưng cho đến bây giờ cũng đạt được những kết quả trái ngọt trong công tác phòng chống dịch, cứu chữa các ca bệnh".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.