Đà Nẵng thu hồi mặt bằng để đấu giá, tiểu thương làm du lịch ở bãi biển Đà Nẵng nói gì?
Đà Nẵng thu hồi mặt bằng để đấu giá, tiểu thương làm du lịch ở bãi biển Đà Nẵng nói gì?
Viết Niệm
Thứ ba, ngày 08/10/2024 19:01 PM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm thí điểm miễn phí mặt bằng cho các quầy hàng dịch vụ ở công viên Biển Đông, Đà Nẵng sẽ thu hồi để đấu giá. Quyết định khiến những tiểu thương tiên phong hoang mang và mong muốn được chính quyền hỗ trợ.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2012 đến tháng 3/2013, để khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ du lịch tại một số khu vực bãi biển phục vụ người dân và du khách, trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) UBND thành phố đã đồng ý chủ trương cho phép thí điểm triển khai 10 quầy ẩm thực – hàng lưu niệm tại khu vực công viên Biển Đông và phía Nam Nhà hàng Mỹ Hạnh thuộc địa bàn phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Hoạt động này nhằm khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ du lịch tại một số khu vực bãi biển phục vụ người dân và du khách. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, cá nhân được tự thiết kế, đầu tư, lắp dựng, kinh doanh thí điểm 10 quầy ẩm thực - hàng lưu niệm.
Với chủ trương này, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện thí điểm 10 quầy ẩm thực – hàng lưu niệm đã được miễn phí cho thuê mặt bằng kinh doanh trong thời gian thực hiện thí điểm, do thời điểm đó chưa có qui định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài sản công tại khu vực bãi biển.
Bàn giao mặt bằng để tổ chức đấu giá
Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà, các hộ kinh doanh đã được miễn phí sử dụng mặt bằng 12 năm (tháng 3/2012 đến tháng 9/2024) và để đảm bảo quản lý, sử dụng tài sản công đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí, TP Đà Nẵng vừa có văn bản chấm dứt hoạt động thí điểm kinh doanh 10 quầy ẩm thực, hàng lưu niệm tại khu vực công viên Biển Đông và phía Nam nhà hàng Mỹ Hạnh (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà).
Đồng thời, thành phố Đà. Nẵng yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân đang kinh doanh tại các quầy hàng trên bàn giao mặt bằng chậm nhất trước ngày 30/9/2024 để tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật.
Đại diện Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết đến nay đã có 3 quầy hàng đồng ý dừng kinh doanh, 7 quầy vẫn chưa đồng ý. Hiện một số quầy hàng vẫn mở cửa hoạt động, một số khác đã đóng cửa nhưng chưa đồng ý hoàn trả mặt bằng.
Được biết, đến nay đã có 3 quầy hàng đồng ý dừng kinh doanh, 7 quầy vẫn chưa đồng ý.
Hiện Ban quản lý bán đảo Sơn Trà đã sử dụng loa phát thanh và đặt bảng thông báo trước các quầy hàng, vận động các hộ kinh doanh ngừng hoạt động mua bán, hoàn trả mặt bằng.
TheoBan quản lý bán đảo Sơn Trà, trước đó các hộ đã ký cam kết có nội dung: "Tự tháo dỡ quầy và bàn giao mặt bằng cho ban quản lý trong 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu UBND TP Đà Nẵng có văn bản thu hồi mặt bằng hoặc di chuyển đến vị trí khác".
"Trong thời gian tới, ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp cùng địa phương vận động, yêu cầu các đơn vị này dừng kinh doanh, bàn giao mặt bằng để tổ chức đấu giá cho thuê mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật", đại diện Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết.
Trường hợp các doanh nghiệp, cá nhân còn lại vẫn không chấp hành chủ trương, ban quản lý sẽ báo cáo Sở Du lịch, UBND thành phố để cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các quầy hàng theo quy định.
Ngoài ra, việc một quầy hàng tự ý đặt bảng thông báo "quầy hoạt động bình thường" cạnh biển báo "tạm dừng hoạt động" do ban quản lý bố trí đã được nhắc nhở. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, ban quản lý sẽ có phương án cưỡng chế, tịch thu.
Hiện ban quản lý đã sử dụng loa phát thanh và đặt bảng thông báo trước các quầy hàng, vận động các hộ kinh doanh ngừng hoạt động mua bán, hoàn trả mặt bằng.
Người dân mong muốn được tạo điều kiện tiếp tục kinh doanh
Trao đổi với PV, các tiểu thương đang kinh doanh tại đây cho biết: Cách đây 12 năm, khu vực Công viên Biển Đông hiện nay vẫn còn hoang vắng, chưa có sản phẩm du lịch và chỗ dừng chân cho khách du lịch thăm quan. Vì vậy, UBND Đà Nẵng đã tham khảo mô hình nước ngoài, khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tại địa phương tự bỏ vốn đầu tư vào các quầy dịch vụ. Tuy nhiên, chỉ một số ít tiểu thương tự bỏ tiền vào đầu tư còn lại nhiều hộ kinh doanh phải cầm cố, vay mượn để đầu tư ban đầu.
Nhiều hộ kinh doanh tại đây cho biết, 5 năm đầu các quầy chỉ lỗ và không hề có lãi. Đặc biệt, sau gần 2 năm nghỉ vì dịch Covid-19, từ cuối năm 2022, bà Huỳnh Thị Lan (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và các hộ kinh doanh khác được BQL vận động sửa sang lại cơ sở để tiếp tục mở bán.
Bà Lan cho biết: "Để tiến hành sửa sang và trang hoàng lại, chúng tôi đã phải bỏ ra đến hàng trăm triệu đồng thậm chí nhiều người phải đi vay mượn mới đủ tiền đầu tư, bất ngờ nghe thông tin phải bàn giao lại mặt bằng. Đến hiện tại, tôi và nhiều người khác vẫn chưa thu lại được vốn. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nầng vì vay tiền sửa sang, nếu giờ trả lại mặt bằng thì chúng tôi không biết phải sống như thế nào".
Các chủ quầy ẩm thực, lưu niệm đang kinh doanh tại đây mong muốn BQL ưu tiên cho thuê lại theo giá mặt bằng chung đồng thời tạo điều kiện để được kinh doanh tiếp.
"Chúng tôi luôn tuân thủ chính sách và pháp luật của nhà nước, và mong có hướng hỗ trợ cho những người tiên phong thí điểm như chúng tôi. Mong rằng chúng tôi sẽ được tiếp tục hoạt động và sẵn sàng đóng phí hằng năm. Trong thời gian thí điểm, chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, đến nay bước đầu gặt hái được thành quả thì phải tháo dỡ quầy hàng, trả mặt bằng khiến tôi rất xót xa", bà Lan chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.