Chiều 7.12, tại Đà Nẵng đã diễn ra phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Tại buổi làm việc, các đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đã nghe tóm tắt các nghị quyết và tranh luận trước khi tiến hành bấm nút bỏ phiếu thông qua các nghị quyết của kỳ họp này.
Trong đó nóng nhất vẫn là vấn đề đưa "Văn hóa xin lỗi" vào nghị quyết nhiệm vụ Đà Nẵng năm 2018. Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, việc sẽ đưa văn hóa xin lỗi vào nghị quyết là điều hay. Tuy nhiên, vấn đề này thuộc về phạm trù văn hóa đạo đức nên phải làm rõ nhiều điều.
Đại biểu Hà phân tích: “Nếu lãnh đạo sở ngành xin lỗi 1 lần, 2 lần, 3 lần thì có nên làm cơ cở cho việc đánh giá tín nhiệm cán bộ công chức do đại biểu HĐND bầu ra hay không? Hơn nữa, muốn đưa vào nghị quyết thì cũng phải có cơ sở pháp lý và những điều kiện cụ thể. Xin lỗi, ai xin lỗi và xin lỗi như thế nào".
Đại biểu Hà còn cho rằng, cần phải làm rõ cái nào là xin lỗi, cái nào là giải trình. Đại biểu Hà lấy ví dụ về việc ông Lê Quang Nam-Giám đốc Sở TNMT có cam kết sẽ xử lý bãi rác Khánh Sơn.
"Giám đốc Sở TNMT hứa trong năm 2020 giải quyết xong vấn đề bãi rác Khánh Sơn, nhưng hết năm 2020 lỡ nhà đầu tư có trục trặc về nguồn vốn nên không thực hiện đúng tiến độ. Đây là yếu tố khách quan thì phải giải trình hay xin lỗi? Còn nếu do yếu tố chủ quan từ người đứng đầu tổ chức, cơ quan thì xin lỗi là đương nhiên? Vấn đề đặt ra, chỉ giữa 2 kỳ họp thôi nhưng 1 vị giám đốc sở có thể xin lỗi nhiều lần thì thế nào, cần phải làm rõ”, đại biểu Nguyễn Thu Hà đặt câu hỏi.
Bộ phận một cửa tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đoàn Xuân Hiếu phát biểu thêm, cần vận dụng văn hóa xin lỗi vào nghị trường và các chương trình tiếp xúc cử tri của HĐND thành phố. Bởi vì thời gian qua có một số nội dung đã đưa vào nghị quyết và Thường trực HĐND đã ra thông báo, kết luận nhưng việc thực hiện vẫn chậm trễ, kéo dài.
Theo đại biểu Hiếu, vấn đề đặt ra là các dự án, sự việc cử tri nêu mà các đơn vị sở ngành thấy chưa khả thi, chưa thực hiện được thì không nên cam kết mà cần dành thời gian tìm biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, một khi đã cam kết thì phải thực hiện, không nên cứ hứa hẹn, cam kết nhiều lần rồi không giải quyết được. Như vậy thì hiệu lực, hiệu quả công việc của các sở ngành không cao.
“Đối với các vấn đề có trong nghị quyết, thông báo, kết luận của Thường trực HĐND chưa hoàn thành đúng thời hạn thì đến hạn phải có giải trình nêu rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Nếu đã cam kết thì phải cam kết về tiến độ hoàn thành. Trường hợp cam kết nhưng tiếp tục không hoàn thành thì phải giải trình trực tiếp tại kỳ họp HĐND gần nhất và đặt vấn đề có phải cam kết lần nữa hay không. Nếu lần thứ 2 cam kết nhưng không thực hiện được thì yêu cầu phải xin lỗi cử tri. Ở đây tôi ví dụ có 1 đại biểu 8 năm đi dự tiếp xúc cử tri và năm nào cũng chất vấn 1 vấn đề thôi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, điều này hết sức phi lý”, đại biểu Hiếu nói.
Trung tâm hành chính Đà Nẵng, biểu tượng cho chính quyền hiện đại. Ảnh Đình Thiên
Liên quan đến vấn đề mới mẻ này, ông Nguyễn Nho Trung - Phó Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, chủ tọa kỳ họp cho rằng, không nên đi vào cụ thể, cần ý thức của cán bộ công chức khi thực hiện nhiệm vụ.
“Cần ý thức của nhau thôi, giờ đưa ra, tính toán với nhau kỹ lưỡng quá cũng chẳng hay ho gì. Vì vậy mình ghi câu chung chung, thực hiện “Văn hóa xin lỗi tại nghị trường”, cam kết với cử tri. Còn mình làm sai, có lỗi thì mình xin lỗi có vấn đề gì đâu phải e ngại. Còn việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm theo luật đã có mà làm. Vì vậy nên ghi chung chung, ghi rõ vào nghị quyết mà không thực hiện được thì càng không nên”, ông Nguyễn Nho Trung kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.