Ông có nhận định gì về thông tin TP.Đà Nẵng tính xây dựng khu hành chính khác vì tòa nhà hành chính hiện tại có những bất tiện trong sử dụng?
- Trong lĩnh vực xây dựng, cần thấy rằng, bất cứ công trình lớn nào đều có các chuyên gia thiết kế. Nghĩa là ngay từ ban đầu, nhiệm vụ đặt ra là phải thỏa mãn điều kiện sử dụng của những người sống, làm việc trong công trình đó. Ví dụ như xây dựng nhà cao tầng, từ tầng 10 trở lên không khí loãng hơn nên phải thiết kế hệ thống thông gió thế nào để bơm oxy vào thêm. Còn khi đã làm xong rồi, đơn vị đưa vào sử dụng lại bảo bất tiện, nóng, thiếu khí là không thỏa đáng.
Toàn cảnh toà nhà trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Tôi nói thẳng, lãnh đạo TP.Đà Nẵng lấy lý do như vậy để chuyển đi nơi khác là không chấp nhận được. Dù không chuyển đi thì với lý do như vậy cũng sẽ phát sinh chi phí cho việc sửa chữa, cải tạo. Ai chịu chi phí đó? Nếu phát sinh chi phí sửa chữa thì cũng là từ tiền thuế của người dân.
Thưa ông, liệu có thể đánh giá tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng đạt hiệu quả sử dụng không?
- Chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá hiệu quả sử dụng Trung tâm hành chính của Đà Nẵng. Trước hết, người ta có thể khảo sát ý kiến người sử dụng. Tiếp đó, các chuyên gia cũng có thể đánh giá các yếu tố nhiệt độ, không khí thông qua các chỉ số. Nếu các chỉ số xác nhận việc thiếu không khí thì bơm không khí vào. Nếu hiệu ứng nhà kính gây nóng thì có thể dán cách nhiệt phía bên trong.
Thưa ông, nói như vậy thì các yếu tố như thiếu không khí, nóng bức của tòa nhà (nếu có) có thể giải quyết được. Vậy theo quan điểm của ông, có cần thiết phải di chuyển đến một trụ sở làm việc khác hay không?
- Nếu lãnh đạo TP.Đà Nẵng chỉ nêu lý do như trên thì tôi không cần di chuyển nơi làm việc làm gì cho lãng phí. Nếu công trình đã xây dựng chưa thể hoàn thiện thì cần bổ sung, hoàn chỉnh thêm. Dân gian có câu: “An cư thì mới lạc nghiệp”. Chúng ta chưa làm được việc gì mà cứ lo đi chuyển nhà thì chẳng khác gì “3 lần chuyển nhà là thành 1 lần cháy nhà”. Nhưng cũng có câu “Không muốn làm thì tìm lý do”. Rất có thể lãnh đạo TP.Đà Nẵng không muốn làm việc ở toà nhà hành chính đó nữa mới đưa ra lý do như vậy?.
Cũng có ý kiến cho rằng, TP.Đà Nẵng có thể bán Trung tâm hành chính hiện tại để lấy kinh phí xây dựng tòa nhà khác. Theo ông, phương án này liệu có khả thi?
“Lãnh đạo TP.Đà Nẵng lấy lý do như vậy để chuyển đi nơi khác là không chấp nhận được. Dù không chuyển đi thì với lý do như vậy cũng sẽ phát sinh chi phí cho việc sửa chữa, cải tạo. Ai chịu chi phí đó? Nếu phát sinh chi phí sửa chữa thì cũng là từ tiền thuế của người dân”.
PGS-TS Nguyễn Văn Hùng
|
- Nếu tính phương án bán toà nhà Trung tâm hành chính thì phải tính toán được mức giá của nó như thế nào. Tòa nhà có giá trị đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng nhưng khi bán thì có được giá trị như vậy không? Trong khi đó, người mua hoàn toàn có thể nói rằng đây là tòa nhà đã sử dụng, phải tính khấu hao.
Nếu bán tòa nhà phải tính được giá trị đầu tư cuối cùng, bao gồm cả giá đất ở vị trí đắc địa, lãi suất, mức trượt giá. Đà Nẵng phải tính được mức giá cuối cùng của cả quá trình đầu tư xây dựng. Người ta phải tính bài toán xây dựng xong rồi bán công trình như các cai thầu xây dựng.
Thưa ông, những năm gần đây, nhiều địa phương đã trình xin ý kiến Chính phủ để xây trung tâm hành chính. Câu chuyện Đà Nẵng với những bất tiện trong việc sử dụng toà nhà trung tâm hành chính của thành phố này liệu có rút ra được điều gì cho các địa phương đang có ý định xây dựng các công trình trung tâm hành chính?
- Ở Việt Nam chúng ta thường có hội chứng đám đông. Nếu như Đà Nẵng thực hiện việc chuyển đổi trung tâm hành chính, họ sẽ lý giải tại sao được phép làm thế, những người khác cũng có thể làm theo. Tôi thấy câu chuyện này thể hiện cái tầm của lãnh đạo TP.Đà Nẵng. Người dân sẽ nhìn vào chính quyền thành phố như thế nào? Chúng ta không có nhiều tiền thì đừng nên vẽ vời mà phung phí, trên cơ sở có sẵn những gì hãy cố gắng sử dụng cho có hiệu quả nhất. Câu chuyện của Đà Nẵng cũng là bài học cho những địa phương đang tính tới việc xây dựng những tòa nhà trung tâm hành chính hoành tráng mà mới đưa vào sử dụng đã cho thấy kém hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
GS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Ngay từ đầu tôi đã thấy không ổn
Ngay từ lúc đầu tôi thấy sáng kiến quy tụ tất cả các cơ quan hành chính vào cùng một chỗ để tiện cho người dân đến giao dịch và nhiều địa phương cùng xin vốn đầu tư, xây dựng, tôi đã thấy không ổn. Thời điểm đó, tôi đã nêu ý kiến qua các kênh báo chí nhưng có ai nghe tôi đâu. Thực tế, nếu chỉ quy tụ tất cả các cơ quan hành chính vào cùng một chỗ chỉ tạo điều kiện cho người dân đỡ phải đi lại, nhưng vấn đề chính để đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân là nằm ở khâu thủ tục hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ công chức. Nói cách khác, Thủ tục hành chính có đơn giản hay không, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên của các cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân có tốt hay không mới là vấn đề quyết định.
Tôi cho rằng nếu quy tụ tất cả các cơ quan hành chính nhà nước vào cùng một chỗ cũng có những bất lợi. Thứ nhất là lượng người đến giao dịch quá đông rõ ràng làm ảnh hưởng đến giao thông ở khu vực đó, ảnh hưởng đến không khí trong tòa nhà. Thứ hai là vấn đề nguy cơ về an ninh như cháy nổ, khủng bố vẫn phải lường trước. Chính vì thế các cơ quan hành chính chỉ nên ở gần nhau chứ không nên tập trung vào một tòa nhà, một khi tập trung rồi phải di dời thì sẽ gây lãng phí rất lớn.
Ông Lê Văn Cuông - Nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Không nên máy móc,rập khuôn
Bản thân tôi nhiều lần có ý kiến về vấn đề xây dựng tòa nhà để tập trung các cơ quan hành chính nhà nước. Theo tôi, điều kiện kinh tế của đất nước ta chưa phải là khá giả, vấn đề nợ công thì ngày càng tăng cao, nhiều vấn đề bức thiết khác đang cần được quan tâm đầu tư giải quyết. Tôi cho rằng việc xây dựng trụ sở hành chính tập trung ở các địa phương nên gác lại, cần phải tiết kiệm để trả nợ giảm nợ công xuống. Còn sau này đất nước phát triển thì mới tính toán việc xây dựng trụ sở hành chính tập trung sau. Kể cả khi có điều kiện, các địa phương không nên xây dựng trụ sở thành chính tập trung theo kiểu máy móc, rập khuôn. Các địa phương cần tính toán cho phù hợp với điều kiện cụ thể, dựa trên cơ sở ý kiến của nhân dân và cơ sở khoa học.
Ngọc Lương (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.