Đa Phước đòi trả lại 2.000 tấn rác: "Cố tình gây sức ép"?

Thứ sáu, ngày 07/10/2016 08:35 AM (GMT+7)
Việc Đa Phước đòi trả lại 2.000 tấn rác được các chuyên gia cho là "cố tình gây sức ép" với chính quyền, đây cũng là lời cảnh báo về độc quyền trong xử lý và ảnh hưởng tới an ninh rác của TP HCM.
Bình luận 0

Đánh giá Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước) đòi trả TP HCM 2.000 tấn rác mỗi ngày, GS.TS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP HCM) - cho đây là hành vi "cố tình bắt bí, gây sức ép với chính quyền" và "nhà đầu tư tử tế người ta không làm như vậy" khi thành phố đang khó khăn về nơi xử lý.

img

Việc Đa Phước muốn trả lại rác được các chuyên gia cho là cố tình gây sức ép lên chính quyền TP HCM. Ảnh: Hữu Nguyên

"VWS viện lý do giảm tiếp nhận rác để giảm mùi hôi là không thuyết phục bởi Đa Phước vẫn còn tiếp nhận và chôn lấp hơn 3.000 tấn một ngày. Muốn hạn chế mùi hôi có nhiều cách như: phun xịt hóa chất, phủ đất, trát bùn, phủ bạt che chắn... chứ không nhất thiết phải ngưng nhận rác", ông Bá nói.

Giáo sư cũng cho rằng, động thái của Đa Phước lần này cũng là lời cảnh báo về độc quyền và an ninh rác - vấn đề mà giới khoa học đã cảnh báo thành phố từ hàng chục năm trước.

"Khi thành phố có chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp rác số 3 ở Phước Hiệp (Củ Chi) để đưa tất cả về Đa Phước cũng có nhiều lời cảnh bảo về nguy cơ độc quyền trong xử lý rác", ông Bá nói.

Theo nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, vấn đề xử lý rác thật sự rất nguy hiểm. Trong lịch sử, các nước ở châu Âu như Tây Ban Nha, Italya... rác được lợi dụng để tạo sức ép, tác động đến chính trường, làm đòn bẩy chính trị.

"Chọn nhà đầu tư mà chỉ nghe người ta quảng cáo về công nghệ thì rất nguy hiểm. Bây giờ phải xử lý thế nào là một vấn đề hết sức phức tạp. Tôi cũng không thể nói là mình có ý kiến gì sáng suốt, mà chỉ góp ý là thành phố phải kiên quyết, khôn khéo hơn, nhất là phải có cái tầm và cả cái tâm", GS Bá nói và cho rằng thành phố cũng phải tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, không để cho một nhà đầu tư nắm việc chôn lấp 100% rác của thành phố.

Cùng quan điểm, một chuyên gia đề nghị không nêu tên, nói rằng, thành phố đã sai lầm khi chọn Đa Phước vì nghe họ ca ngợi về công nghệ tiên tiến, hiện đại. Trong khi gần 10 năm hoạt động công ty này chỉ chôn lấp rác, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. 

"Rõ ràng Đa Phước đang ép thành phố. Thành phố cần lập tổ công tác đặc biệt để xử lý vấn đề 'khủng hoảng rác', phải làm rõ trách nhiệm ai đã duyệt đưa 2.000 tấn rác về đây. Kể cả việc chỉ có công nghệ chôn lấp mà giá xử lý lại cao hơn nơi khác", ông này nói.

Ông cho biết, điều bất hợp lý trên và cả việc thành phố đóng cửa bãi rác Hiệp Phước, đưa tất cả rác về Đa Phước đã được Phó chủ tịch UBND TP HCM thời bấy giờ là ông Lê Mạnh Hà (hiện là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) cảnh báo về "độc quyền rác".

"Thế giới đã xảy ra nhiều trường hợp rác bị mafia khống chế. Chính phủ Mỹ đã phát hiện nhiều chủ đầu tư bãi rác có mafia đứng đằng sau, lũng đoạn thị trường. Chính quyền thành phố phải xử phạt Đa Phước vì đã gây ra tình trạng ô nhiễm như thời gian vừa qua, đồng thời phải có nhiều khu xử lý rác khác nhau", chuyên gia này nói.

Trong khi đó, nguyên Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Đinh Tuấn lại cho rằng, Đa Phước trả lại 2.000 tấn rác không ảnh hưởng đến an ninh rác của thành phố. Trước đây lượng rác này được bãi Phước Hiệp xử lý nên giờ "xe chở rác thay vì đưa về Đa Phước thì quay đầu về Phước Hiệp".

"Đóng cửa Phước Hiệp là chủ trương của thành phố, chứ cơ sở vật chất vẫn còn. Bãi rác này của Công ty Môi trường Đô thị thành phố quản lý, bộ máy nhân sự dù đã chuyển sang làm việc khác nhưng vẫn sẵn sàng để tiếp nhận rác nếu được hoạt động lại", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, ngoài việc chôn lấp TP HCM cần yêu cầu các công ty phải đa dạng công nghệ xử lý như thiêu đốt, tái chế composite... Vì nếu chỉ chôn lấp sẽ gây bị động, có thể gây ô nhiễm môi trường nước và việc ô nhiễm mùi hôi đã xảy ra là một minh chứng.

"Một việc nữa là cần duy trì nhiều đơn vị xử lý rác chứ không nên dồn rác hết vào một chỗ để tránh hiện tượng độc quyền, gây nguy cơ mất an ninh rác", ông Tuấn nói.

Theo nội dung hợp đồng xử lý rác với TP HCM, VWS cam kết sẽ "tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, sau đó phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp", song nhiều năm qua Đa Phước chủ yếu là chôn lấp.

Một tuần trước, bãi rác Đa Phước bị nhà chức trách xác định là thủ phạm gây ra mùi hôi thối ở khu Nam Sài Gòn (quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) kéo dài nhiều tháng. Nơi phát tán mùi hôi là khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác.

Bị yêu cầu thực hiện một số giải pháp để hạn chế mùi hôi, ngày 5.10, VWS gửi công văn đề nghị trả lại 2.000 tấn rác (trong số 5.400 tấn mỗi ngày) cho thành phố. Nguyên nhân được công ty đưa ra là gặp tình huống khó khăn, phức tạp "bởi những định kiến sai lệch của dư luận dẫn đến sự hiểu sai về bản chất sự việc, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, gây hoang mang về tinh thần cho đội ngũ chuyên gia...".

Chiều 6.10, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cho biết đã nhận được văn bản của VWS. Vấn đề này sẽ được UBND thành phố bàn thảo "vì đây là chuyện rất quan trọng đến môi trường".

Hữu Nguyên (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem