Đặc sản khoai lang Ngọc Vừng vẫn bí đầu ra

Thứ hai, ngày 17/08/2015 15:57 PM (GMT+7)
Là cây trồng đặc sản nổi tiếng, khoai lang Ngọc Vừng (Vân Đồn, Quảng Ninh) có vị thơm, ngọt đặc biệt, củ to, được du khách ưa chuộng. Trong những năm qua, dù được đầu tư phát triển thế nhưng cây trồng đặc sản này đang gặp khó khăn do đầu ra không ổn định.
Bình luận 0

Khoai lang là một trong những sản phẩm mà nhiều du khách rất ưa thích mua làm quà khi đến Ngọc Vừng (Vân Đồn) tham quan. Hiện người dân chủ yếu tiêu thụ bằng cách bán cho khách du lịch, bán cho thương lái thu mua. Dù giá bán khoai đặc sản trên thị trường khoảng 15.000 đ/kg, hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng khác nhưng những năm gần đây tiêu thụ kém, thương lái ít thu gom xuất khẩu nên người dân không mặn mà với cây trồng đặc sản này.

img

Trồng và chăm sóc khoai lang đặc sản ở thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn Bình Minh, một trong những hộ trồng khoai truyền thống lâu năm cho biết: Năm vừa qua gia đình ông chỉ trồng khoảng 4 sào, mỗi sào cho thu hoạch khoảng 200kg, với giá bán được 300.000 đồng/sào. Dù giá trị  kinh tế đưa lại cao so với nhiều cây trồng khác nhưng việc tiêu thụ khó khăn do thiếu thị trường.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kiểm, thôn Bình Minh cũng cho biết: Do đất cát rất hợp với giống khoai lang này nên gia đình tôi cũng quyết định trồng giống khoai truyền thống được 2 năm nay. Sản lượng và chất lượng cây trồng rất tốt tuy nhiên đầu ra rất khó nên chúng tôi chỉ trồng khoảng 2-3 sào vừa để ăn vừa để bán cho khách du lịch.

Được biết, trước đây diện tích trồng khoai toàn xã Ngọc Vừng đạt khoảng 10 ha, mỗi gia đình cũng trồng từ 6-7 sào, số hộ tham gia trồng khoai là khoảng 60-70 hộ. Thế nhưng nay tổng diện tích trồng khoai trên toàn xã chỉ còn khoảng 4ha, số hộ trồng cũng giảm đi một nửa.

Để hỗ trợ người dân phát triển diện tích trồng khoai lang, năm 2012, huyện Vân Đồn đã hỗ trợ về giống, vốn, phân bón...vì vậy diện tích được mở rộng hơn. Tuy nhiên trong thời gian gần đây việc tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi do nhu cầu thu mua, xuất khẩu suy giảm hẳn. Vì thế các hộ trồng khoai đặc sản chỉ còn xoay xở tìm các mối tiêu thụ cho tiểu thương, bán cho du khách nhưng số lượng tiêu thụ không đáng kể, phần còn lại được dành bán cho du khách hoặc tiêu thụ nội bộ. Nhiều hộ dân cũng thử nghiệm sấy khô hoặc hình thức chế biến khác...để tiêu thụ, nhưng nguồn vốn đầu tư máy móc lớn và không bán được.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng cho biết: Một trong những vấn đề cốt yếu là sản phẩm chưa tạo dựng được thương hiệu, chưa được quảng bá để được biết đến rộng rãi. Chúng tôi đã đề xuất xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm, đây là cách làm hiệu quả nhất để duy trì, phát triển cây trồng này, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Hà Phong (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem