Đại biểu chất vấn hướng xử lý rác thải dịch Covid-19, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì?
Đại biểu lo lắng, chất vấn hướng xử lý rác thải dịch Covid-19
Thanh Phong
Thứ tư, ngày 16/03/2022 16:33 PM (GMT+7)
Trong phiên chất vấn chiều 16/3, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời các vấn đề của ngành. Trong đó, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh về việc xử lý rác thải dịch Covid-19.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về giải pháp giải quyết hiệu quả thu gom rác thải, nhất là rác thải liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Nêu sâu vấn đề, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu thực trạng vệ sinh môi trường và đô thị đối mặt nhiều thách thức. Hiện nay, cả nước mới xử lý được 15% nước thải đô thị, trong khi chỉ tiêu đến 2030 là 70%.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề chính sách, pháp lý quy định trách nhiệm xử lý rác thải đã có đầy đủ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và người dân để đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể, chất thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh gây hệ lụy rất lớn cho môi trường, hơn nữa đây là tài nguyên nhưng chưa được tái chế sử dụng hiệu quả.
"Năm 2022, Bộ sẽ tổng kết đánh giá toàn bộ trung tâm xử lý chất thải, tình trạng môi trường hiện nay và công bố công nghệ để các địa phương lựa chọn công nghệ tái chế phù hợp. Quy trình từ thu gom đến xử lý cần công nghệ đồng bộ.
Trách nhiệm của người dân rất quan trọng và việc này cũng cần xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ thêm, và sau này trở thành ngành công nghiệp dịch vụ xử lý rác thải, có những ưu tiên, ưu đãi", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Về vấn đề xử chất thải liên quan đến dịch Covid-19, ông Hà thông tin, ngay từ đầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, đây là chất thải nguy hại, cần quy trình xử lý đặc biệt.
Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đối tượng, phương pháp thu gom, cung cấp cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực xử lý...
Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn số 922/BYT-MT gửi Bộ TNMT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà.
Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo kịp thời và an toàn phòng, chống dịch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp UBND cấp tỉnh kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện quản lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà.
Cụ thể như: Xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trưởng hợp F0 đang quản lý tại nhà trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị phải hướng dẫn việc phân loại chất thải. Chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm.
Các chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2". Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.