Chiều 26.11, thảo luật về Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi),
nhiều đại biểu đã lên tiếng ủng hộ vấn đề hôn nhân giữa hai người đồng
giới. Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nói: “Tôi thấy họ là
những người vô tội, vì cơ địa trời đất sinh ra thế chứ họ không muốn
thế, họ luôn than phiền gia đình không hiểu, xã hội chưa hiểu, chỉ còn
trông chờ vào Quốc hội. Tôi đề nghị Quốc hội nên công nhận vì nó phù hợp
với hiện tại và thể hiện tính nhân văn quảng đại, góp phần giảm sự kỳ
thị đối với nhóm người này, đồng thời có cơ sở pháp lý để quản lý và
giải quyết các hậu quả”.
Đại biểu nhà Phật Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh)
Cùng đồng quan điểm này còn có các đại
biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Phúc
(Bình Thuận), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đại biểu Tuyết cho
rằng: “Việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới vẫn diễn
ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng giới đã tổ chức
công khai lễ cưới và các cơ quan nhà nước cũng phải áp dụng các biện
pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này.
Trong điều kiện nước ta thì Nhà nước quy định không thừa nhận hôn nhân
giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không can thiệp bằng những
biện pháp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới và khuynh
hướng tính dục của họ. Quy định như vậy theo tôi là phù hợp”.
* Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 26.11, xung quanh vấn đề bắt buộc toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, đa số đại biểu Quốc hội khẳng định: Cần có lộ trình cụ thể để bảo đảm tính khả thi để giảm bớt thủ tục hành chính, đồng thời có những quy định, chế tài rõ ràng, phù hợp hơn nữa với những đối tượng không tham gia.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) khẳng định: “Tôi tán thành việc sửa bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc, nhưng cần phải có lộ trình để thực hiện được bảo hiểm y tế toàn dân. Việc huy động các đối tượng tham gia vào thời điểm này là rất khó khăn. Vì vậy, ngoài việc tăng cường tuyên truyền thì dự thảo luật cần có quy định tương xứng, chế tài xử lý cụ thể để nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế, đồng thời cải cách thủ tục hành chính gọn nhẹ hơn”.
Trong khi đó, dù cũng đồng tình với quan điểm này, nhưng đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) băn khoăn: “Cần phải bắt buộc toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng hiện nay, các vấn đề về bảo hiểm y tế còn quá nhiều bất cập liên quan đến y đức, chuyên môn, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm… của y, bác sĩ khiến người dân giảm sút lòng tin, dư luận gia tăng bức xúc. Theo một số khảo sát thì hơn 50% người lao động hưởng lương đang tham gia bảo hiểm y tế cho biết sẽ không tham gia nữa nếu bảo hiểm y tế là tự nguyện. Nếu không khắc phục được những vấn đề này thì không thể thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) băn khoăn: “Nếu xử lý những người không tham gia bảo hiểm y tế thì người làm thủ tục rườm rà, thái độ không tốt với bệnh nhân có bị xử lý không?”. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) thì cho rằng: “Trong điều kiện mặt bằng thu nhập của người dân còn chênh lệch lớn, nếu quy định là bắt buộc mà không có chế tài ràng buộc thì sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và khó khả thi trong thực tiễn”.
Đức Hiếu - Hải Phong (Đức Hiếu - Hải Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.