Đại biểu Quốc hội Việt Nam mang 2 quốc tịch, xử lý thế nào?

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 26/08/2020 15:33 PM (GMT+7)
Vụ việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc mang 2 quốc tịch, có quốc tịch Síp (Cyprus) đang thu hút sự chú ý của dư luận. Luật sư cho rằng, đại biểu Quốc hội có hai quốc tịch là không phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch và phải xin thôi một quốc tịch hoặc xin thôi đại biểu Quốc hội.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Quốc đảo Síp (Cyprus) đang bán quyền công dân cho nhiều nhân vật chính trị, trong đó có một nhân vật ở TP.HCM và người này được nêu đích danh là "Pham Phu Quoc" – một doanh nhân, nhà chính trị ở TP.HCM, Việt Nam. 

Mức giá để mua quyền công dân tại Quốc đảo Síp được bài báo nêu là khoảng 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 58 tỷ đồng).

Trả lời báo giới, ông Phạm Phú Quốc cho biết, ông có quốc tịch Síp từ năm 2018 (khi ứng cử ĐBQH năm 2016 ông chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam) và đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Xử lý thế nào vụ đại biểu Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus? - Ảnh 1.

Ông Phạm Phú Quốc, TGĐ Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kì 2016-2021.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam hiện hành không cho phép đại biểu Quốc Hội được mang hai quốc tịch.

Theo đó, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chỉ là người có Quốc tịch Việt Nam. Bởi vậy, đại biểu nào mang hai quốc tịch thì buộc phải thôi quốc tịch hoặc thôi đại biểu Quốc hội.

Trường hợp khai báo gian dối, không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội mà không xin thôi đại biểu quốc hội thì có thể bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 40 Luật tổ chức Quốc hội.

Luật tổ chức Quốc hội quy định rất cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội. Những người không đủ điều kiện tiêu chuẩn hoặc không còn xứng đáng là đại biểu Quốc hội mà không xin thôi thì có thể bị bãi nhiệm theo quy định pháp luật.

Ngoài các tiêu chuẩn nêu trên thì tại Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội năm 2020 quy định Đại biểu quốc hội có một Quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, ngoài những tiêu chuẩn quy định tại điều 22 của Luật tổ chức Quốc hội thì đại biểu Quốc hội phải là người "có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Người nào có 2 quốc tịch thì không đủ tiêu chuẩn là đại biểu Quốc hội theo quy định pháp luật hiện hành.

Xử lý thế nào vụ đại biểu Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Bên cạnh đó, Luật quốc tịch Việt Nam không cho phép công dân Việt Nam mang hai quốc tịch trừ trường hợp đặc biệt như người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam.

Trẻ em là con nuôi; người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ.

Bởi vậy, trong trường hợp nêu trên cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ vị đại biểu Quốc hội này có mang hai quốc tịch hay không.

Nếu vị này có hai quốc tịch thì không phù hợp với quy định của Luật quốc tịch và kể từ 1/1/2021 không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội.

Người vi phạm trong trường hợp này phải xin thôi một quốc tịch hoặc xin thôi đại biểu Quốc hội nếu không thì sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật nêu trên.

Trường hợp thuộc quy định tại khoản 2, khoản 3, điều 19 Luật Quốc tịch thì mới được phép mang hai quốc tịch. Người nào không thuộc trường hợp này mà mang hai quốc tịch là không phù hợp với quy định pháp luật.

Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội như sau: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem