Vì sao tội phạm mạng dễ dàng mạo danh Công an lừa đảo trực tuyến?

Khải Phạm Thứ ba, ngày 14/05/2024 06:00 AM (GMT+7)
Trung tá Vũ Trọng Nghĩa cho biết do quy định việc định danh tài khoản mạng xã hội vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam, nên các đối tượng lừa đảo vẫn dễ dàng hoạt động, mạo danh cơ quan chức năng để chiếm đoạt tài sản người dân dễ tin.
Bình luận 0

Trong thời gian qua, mã độc ransomware tấn công vào nhiều hệ thống của các doanh nghiệp tại Việt Nam gây tê liệt, thiệt hại lớn về kinh tế với các công ty và người dân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao trên mạng ngày càng diễn biến khó lường khiến người dân dễ trở thành nạn nhân.

Theo Trung tá Vũ Trọng Nghĩa - Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Cục A05) - Bộ Công an, trong thời gian gần đây, người dân bức xúc bởi tình trạng lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phúc tạp. Các vụ lừa đảo này hướng đến nhiều đối tượng người dân nhằm chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

"Bộ Công an phối hợp với Bộ TT&TT đã phối hợp để xây dựng những phương án, kịch bản để tuyên truyền, cảnh báo cho người dân", ông Nghĩa nói.

Bộ Công an đã tổng hợp 24 hình thức lừa đảo phổ biến nhất trên không gian mạng diễn ra từ cuối năm 2023 cho đến thời điểm hiện tại. Từ đó, người dân có thể nhận biết và biết cách phòng chống với các phương thức lừa đảo trực tuyến. 

Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục nghiên cứu hàng giờ, hàng ngày để tích hợp, phát triển các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới. Việc biến hoá khôn lượng của các thủ đoạn mới khiến người dân khó đề phòng để tránh mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng xấu.

Vì sao tội phạm mạng dễ dàng mạo danh Công an lừa đảo trực tuyến?- Ảnh 1.

Trung tá Vũ Trọng Nghĩa - Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an. Ảnh Khải Phạm.

Theo Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cảnh giác cho người dân vẫn là yếu tố quan trọng để giảm bớt số vụ lừa đảo trực tuyến. Qua mạng xã hội, Cục A05 cũng đã có trang fanpage Facebook với tên "Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao" đã được thành lập.

Qua trang fanpage, Cục An ninh mạng sẽ tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn lừa đảo hàng ngày của các đối tượng và phối hợp với các đơn vị truyền thông liên quan để xây dựng kịch bản làm sao ngắn gọn, dễ hiểu, phổ biến những kiến thức phòng ngừa các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo hiệu quả.

Song song đấy, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng phần mềm nhận diện tội phạm lừa đảo. Dự kiến triển khai cài đặt và đưa lên các kho ứng dụng trực tuyến để cài đặt trên các thiết bị thông minh tích hợp dữ liệu về phòng chống tội phạm lừa đảo.

Trong thời gian vừa qua, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng tội phạm mạo danh Công an để lừa đảo người dân, đại diện Bộ Công an cho biết, việc này đã rộ lên ở Việt Nam tự đầu năm 2024 đến nay. Các đối tượng hoạt động công khai, ngang nhiên thách thức lực lượng chức năng Việt Nam bởi nhiều nguyên nhân.

"Đầu tiên, luật pháp Việt Nam đang trong quá trình xây dựng với các nền tảng mạng xã hội xuyên biến giới, đặc biệt Nghị định 72 đang sửa đổi, sẽ sớm được thông qua. Khi thông qua, sẽ có quy định để định danh tài khoản mạng xã hội biên giới, từ đó mới có căn cứ để yêu cầu các tổ chức xuyên biên giới cunng cấp thông tin liên quan đến các tài khoản mạo danh cơ quan chức năng, mạo danh Công an để lừa đảo.

Thứ hai, phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng hiện nay luôn thay đổi và manh động hơn khi đã hoạt động xuyên biên giới, đặc biệt có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài. Đồng thời, các đối tượng lấy địa bàn ngoài Việt Nam để là căn cứ nên quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và có sự hợp tác quốc tế", đại diện Bộ Công an nêu lý do.

Do quy định việc định danh tài khoản mạng xã hội vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam, nên các đối tượng lừa đảo vẫn dễ dàng hoạt động, mạo danh cơ quan chức năng để chiếm đoạt tài sản người dân dễ tin.

"Để hạn chế, trước mắt Bộ Công an phối hợp Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) rà quét những tải khoản mạng xã hội mạo danh các cơ quan chức năng, các văn phòng luật sư, cơ quan pháp lý khác để lừa đảo. Các đơn vị có kênh trao đổi thông tin, tương tác trực tiếp với Facebook để ngăn chặn các tài khoản mạo danh trong thời gian nhanh nhất có thể", ông Trung tá Nghĩa khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem