Đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông (Kỳ cuối): Những “con hổ” sa lưới

Thứ năm, ngày 18/01/2018 18:30 PM (GMT+7)
Lập kế hoạch bài bản, để giết người nhưng “lưới trời lồng lộng”cuối cùng anh em nhà Tám Lũy cũng sa lưới pháp luật.
Bình luận 0

Năm 2012 Nguyễn Văn Hoàng (SN 1965) tức Hoàng “phổi” tự tử trong thời gian chờ thi hành án tử, nên Nguyễn Văn Thâu được ân xá xuống mức án chung thân, khiến người ta đồn rằng, sự ra đi của hắn không đơn thuần chỉ để giải thoát mà là nước cờ có toan tính kỹ lưỡng của một tướng cướp lọc lõi nhằm giải cứu em trai khỏi cảnh “dựa cột”.

Vụ cướp tàn độc

Như thường lệ, ông Trương Đệ (SN 1953) chủ tiệm vàng Kim Hồng khá nổi tiếng tại chợ Phước Lý, xã Đa Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai dọn hàng vào khoảng 20g30.

Đêm 12.10.2006, trong tiệm vàng có mặt ông Đệ, vợ ông là bà Lê Thị Hồng, một cậu con trai, một con rể và một người làm công. Số vàng khoảng 70 lượng được ông Đệ cho vào thùng mì gói để mang về nhà.

Bỗng có tiếng xe máy đỗ xịch trước tiệm ngay sát QL25B. Hai bóng đen trùm kín áo mưa nhào xuống đứng chặn ngay cửa tiệm.

Ông Đệ giật mình, chưa kịp phản ứng thì tên cao to rút ra khẩu AK báng xếp chĩa thẳng về phía mọi người rồi quay nhanh mũi súng nổ liên tiếp hai phát vào tủ đựng vàng.

Lại “đoàng! Đoàng!”, ông Đệ trúng đạn ngã xuống nhà, bà Hồng giật mình nghiêng người, viên đạn xoẹt qua đỉnh đầu bà Hồng, máu thấm ướt đẫm tóc.

Nhanh như chớp một tên lao vào giật ngay thùng vàng chạy ra xe rú ga, tên cầm súng cũng nhảy lên xe huơ huơ khẩu AK quát: “Đứa nào lại gần tao bắn bỏ”. Chiếc xe lao vút ra đường chạy theo hướng ngã ba đường Mới qua KCN Nhơn Trạch.

Nhìn thấy anh Trần Văn Khương vừa thuê băng đĩa chạy theo sau tưởng là người truy đuổi, tên ngồi sau bắn luôn hai phát cản đường, viên đạn trúng vai, anh Khương ngã xuống đường bị thương nặng.

Tiếng súng nổ đã làm Đại úy Nguyễn Thành Phú-Trưởng CA xã Đa Phước – hiểu ngay có chuyện chẳng lành.

Anh bật dậy, điều động lực lượng xuống hiện trường cùng người dân tổ chức đưa các nạn nhân đi cấp cứu, song viên đạn găm trúng ngực nên ông Đệ không qua khỏi.

Vụ án được cấp báo lên CA tỉnh Đồng Nai, ngay lập tức thủ trưởng CQCSĐT CA tỉnh Đồng Nai triệu tập cuộc họp khẩn cấp, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với CA địa phương truy bắt hung thủ.

img

Bà Tám Lũy nhớ lại quá khứ lầm lỗi. Ảnh: Thiên Long

Cuộc vây bắt nghẹt thở

Nhận định bọn cướp sẽ không dám dừng chân trú ẩn mà tiếp tục tẩu thoát theo đường lộ hướng về phía Bà Rịa – Vũng Tàu, đích thân đồng chí Nguyễn Phi Hùng - Phó GĐ – TTCQCSĐT trực tiếp xuống hiện trường theo dõi tiến trình khám nghiệm và chỉ đạo CA huyện Long Thành, CA huyện Nhơn Trạch huy động toàn bộ lực lượng CA, du kích tập trung chốt chặn tại các ngã ba ngã tư trên địa bàn mình để vây bắt đối tượng.

Các thông tin của đối tượng liên tục được cập nhật về tổ đánh án.

Theo trình báo của người dân, sau khi tẩu thoát khỏi hiện trường, hai tên cướp đã lái xe chạy theo hướng ngã ba đường Mới qua KCN Nhơn Trạch.

Lần theo dấu vết đối tượng, tổ trinh sát phát hiện hai chiếc áo mưa nghi là bọn chúng vứt lại trên đoạn đường vắng trong KCN.

Với tuyến đường này, chắc chắn hai tên cướp sẽ thẳng ra QL51, ngay lập tức tổ đánh án thông báo tới các tổ chốt chặn trên QL51 tập trung cao độ không để lọt nghi phạm.

Hai giờ sau, thông tin từ xã Hiệp Phước báo về, đối tượng vừa xuất hiện tại đường 25B, bị vây ráp đã nổ súng chống trả làm trọng thương một người dân sau đó chạy vào khu rừng chồi giáp với khu dân cư lẩn trốn.

Trong khi đó tên Thâu liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình và chỉ đường từ xa, song bị truy đuổi gắt gao, Thắng không thể nghe điện thoại. Hoảng quá, hắn nhắn tin: “Anh đang ở đâu, nghe máy đi em chỉ đường cho mà thoát".

Đây đúng là tin vui, cuối cùng sau hai giờ truy lùng ban đánh án đã khoanh vùng được đối tượng. Thế nhưng một khó khăn mới lại xuất hiện, nơi bọn cướp lẩn trốn chính là vùng sinh sống của hàng trăm hộ dân.

Với sự hung hãn sẵn có, nếu bị bao vây chắc chắn chúng sẽ khống chế người dân để làm bia đỡ đạn. Việc truy bắt làm sao để tránh gây thương vong cho người dân được đặt lên hàng đầu.

Thủ trưởng CQCSĐT Nguyễn Phi Hùng trực tiếp nghiên cứu địa hình, địa thế nơi đối tượng ẩn nấp, sau khi hội ý nhanh với ban đánh án đã đưa ra quyết định: Phải hành động nhanh, dứt khoát nhưng có sự phối hợp chặt chẽ.

Hàng chục chiến sĩ được huy động bao vây chốt chặn làm nhiều vòng. Mũi chủ công gồm 20 cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động to khỏe, giỏi võ nghệ được giao nhiệm vụ tiếp cận hung thủ, chia làm ba nhóm bò sát mặt đất nghe ngóng động tĩnh nhằm siết chặt vòng vây.

Khi bò cách bụi tre trước mặt khoảng 5m thì phát hiện có tiếng sột soạt phát ra rất đáng ngờ, đặc biệt trời không gió nhưng ngọn cây lại rung rinh lá. Rất có thể là nơi ẩn nấp của đối tượng, các trinh sát ra ám hiệu thống nhất hành động.

Đúng 2g sáng 13.10.2006, bốn chiếc đèn pin đồng loạt rọi thẳng vào mặt 2 tên cướp, liền đó bốn trinh sát lao vào khống chế tóm gọi cả hai tên cướp cùng hung khí là khẩu AK và 16 viên đạn trong đó một viên đã lên nòng, một ĐTDĐ.

Toàn chuyên án thở phào nhẹ nhõm, ngay trong đêm 2 đối tượng bị áp giải về trại tạm giam CA tỉnh Đồng Nai.

Bốn tháng “đấu trí”

Việc vây bắt đối tượng muôn vàn khó khăn nhưng việc tìm ra kẻ đứng sau chúng cũng nan giải không kém.

Ngay từ khi tiếp xúc với đối tượng, bằng linh cảm nghề nghiệp các cán bộ CA đã biết đây là những tên có bề dày “thành tích xộ khám” chẳng dễ khai thác nếu chưa đủ chứng cứ, đối phó với những tên này điều tra viên bắt buộc phải nắm được lý lịch để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của chúng.

Đối tượng cầm súng bắn khai  là Đinh Văn Thắng (SN 1970, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) không nghề nghiệp, đang sống lang thang tại Kon Tum và Gia Lai.

Tên còn lại là Hà Văn Thành (SN 1971, thôn Lộc Long, xã Xuân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) cũng không nghề nghiệp đang sống lang thang cùng đồng bọn.

Cả hai quen nhau từ trong trại giam, sau khi ra trại thì bắt tay hợp tác thêm một số vụ trộm cắp tài sản ở khu vực Tây Nguyên, bị bắt đưa đi thi hành án tù tại trại cải tạo Đăk Trung, Đăc Lăk và Xuân Phước, Phú Yên.

Ngay từ giây phút đầu tiên bị lấy cung, bọn chúng đã rất ma mãnh, Thành vờ ngây thơ: “Mọi chuyện đều do anh Thắng sắp xếp, em chỉ tuân lệnh chứ có biết gì đâu” trong khi tên Thắng ngổ ngáo tuyên bố: “Bắn chết người trước sau gì cũng bị tử hình, nói nhiều chi cho mệt”.

Rồi hai tên cướp kẻ giả điên, tên tuyệt thực chống đối.

Không khai thác được thêm, nhưng vụ cướp tiệm vàng Kim Hồng đánh thức những hồi ức của người dân và cán bộ điều tra chống tội phạm ở hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch.

Hơn 30 năm trước từng có một băng cướp chuyên sử dụng tiểu liên không ghê tay bắn vào những người bất tuân lệnh chúng.

Cầm đầu là những tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm như: Sanh “cụt”, Tùng “sát thủ”, Hoàng “phổi”... là con của nữ tướng cướp khét tiếng Tám Lũy.

Câu hỏi được đặt ra, làm sao hai đối tượng từ Nghệ An, Quảng Bình chỉ sống ở Tây Nguyên lại nắm được quy luật kinh doanh, địa hình một nơi chưa từng đặt chân tới?

Chắc chắn phải có kẻ chỉ đường cho chúng, kẻ này phải là dân địa phương mới rành rẽ đường ngang lối tắt đến vậy, nhưng kẻ đó là ai?

Quay lại điều tra lý lịch hai tên cướp thì thấy, trong thời gian thụ án ở Đăk Trung và trại Xuân Lộc… chúng từng ở chung với Hoàng “phổi”.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm nghề nghiệp, sau 28 ngày đêm “cân não” với thái độ cương quyết tấn công tội phạm, tên Thắng đã khai ra toàn bộ sự thật, kẻ đứng đằng sau chỉ điểm, chỉ đạo là hai anh em nhà Tám Lũy Nguyễn Văn Hoàng (SN 1965) và tên Nguyễn Văn Thâu (SN 1977), trong đó tên Thâu kiêm luôn vai trò chủ mưu vụ án, lệnh bắt khẩn cấp Hoàng, Thâu về hành vi giết người, cướp tài sản lập tức được thủ trưởng CQ CSĐT phê duyệt.

Trong khi đó Hoàng, Thâu vẫn tin tưởng đồng bọn không bao giờ mở miệng khai tên chúng vẫn ung dung sinh hoạt tại địa phương như không có chuyện gì. Tên Thâu còn đóng vai vô can thong thả sang CA quận 2, TP HCM nhận lại xe máy đang bị tạm giữ.

Kế hoạch bắt 2 đối tượng trên được Ban chuyên án lập ra hết sức tỉ mỉ, chi tiết, nghiên cứu kỹ quy luật đi lại sinh hoạt của hai đối tượng và địa hình, địa thế nơi ở và các mối quan hệ đối tượng thường lui tới.

Vì nơi ở của Hoàng, Thâu biệt lập với khu dân cư bên ngoài lại được làm trên rạch nước chảy ra sông lớn. Khi có động các đối tượng dễ dàng nhảy sông trốn thoát.

Bản thân chúng có nhiều tiền án tiền sự rất manh động, khả năng sẽ chống trả quyết liệt để tẩu thoát khi có biến. Gia đình Tám Lũy hầu hết là đối tượng hình sự, trong đó số đối tượng mãn hạn tù về tương đối đông.

Hơn nữa số phụ nữ trong gia đình này cũng manh đông không kém, đã từng nhiều lần chống trả lực lượng CA khi thi hành nhiệm vụ.

Hàng chục chiến sĩ CA, lực lượng dân quân tự vệ được huy động bao vây thi hành lệnh bắt. Đến 11g ngày 15.11.2006, 2 đối tượng đã bị khống chế, áp giải an toàn về CQCSĐT. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, bọn chúng bắt đầu khai nhận toàn bộ sự việc.

Nhật ký trinh sát Nguyễn Thanh Sơn (nay là phó phòng PC45) trực tiếp tham gia phá án ghi lại rằng, cuộc gặp gỡ với tên Hoàng là cuộc gặp gỡ giữa hai “cố nhân” bất đắc dĩ. Cách đây 20 năm sau một đêm vất vả đọ súng nảy lửa, Hoàng đã bị bắt giữ.

Khám xét phát hiện trong túi Hoàng trinh sát phát hiện một bản danh sách các chiến sĩ hắn định sát hại. Lần đó Hoàng bất chấp, ngang tàng nhưng lần này hắn tỏ ra mệt mỏi. Gặp lại người trinh sát xưa, Hoàng bỗng sững người.

Hỏi còn nhớ ai không, gã bảo, cán bộ cứ đùa, làm sao quên được. Hoàng còn bảo, từ lúc bị bắt hắn đã hạ quyết tâm không mở miệng, nếu không gặp cán bộ sợ, hoặc nếu chỉ bị đánh một cái nhẹ thôi thì đừng hòng chịu nhận tội.

Sau khi kể lại toàn bộ sự việc, Hoàng thổ lộ: “Có thể đây là lần sau cùng tôi gặp cán bộ, bởi lẽ những năm tháng còn lại tôi phải trả giá trong lao tù, thậm chí cả mạng sống này”

PV (PL&XH)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem