Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII: Nói sự thật để tăng phản biện

Long Nguyên- Anh Thư Thứ bảy, ngày 27/09/2014 09:53 AM (GMT+7)
Ngày 26.9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ VIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tại phiên khai mạc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ.
Bình luận 0

Nói sự thật phải bản lĩnh

Trong bản tham luận về công tác giám sát, phản biện của Mặt trận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Đào Văn Bình nhấn mạnh: Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ là rất lớn, trong đó hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức là tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước; vận động nhân dân giám sát và tự mình giám sát.

Để giám sát và phản biện xã hội có chất lượng và hiệu quả, thì chủ thể giám sát và phản biện phải có trình độ chuyên môn, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề. Vì vậy, các cấp uỷ Đảng cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có tâm, có tầm làm công tác Mặt trận. Chú trọng cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị..

Cùng chủ đề, ông Nguyễn Tài Phương, Việt kiều Mỹ, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa VII, Phó Chủ tịch Hội liên lạc Việt kiều Hải Phòng phân tích: Điều quan trọng là phải nói lên sự thật, nói cho dân nghe và nghe dân nói gì. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh việc nói lên sự thật là việc Mặt trận phải làm, là chức năng của Mặt trận. Cùng một vấn đề, có thể người dân có nhiều ý kiến khác nhau nên lắng nghe phải có tính toàn diện. Lắng nghe rồi phải phân loại ra và nói đầy đủ ý kiến đó với các cấp có liên quan.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Mặt trận là cơ quan đại diện cho toàn dân, có trách nhiệm phải nói lên sự thật. Đây là cuộc đấu tranh không đơn giản, không thể trong ngày một ngày hai bởi nói lên sự thật là cuộc đấu tranh gian khổ, không hề giản đơn.

Dựa vào dân để giám sát

Theo Thượng tọa Thích Bửu Chánh, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai, Phó Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai: Điều 9 Hiến pháp 2013 đã bổ sung vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Do đó, vai trò của Mặt trận đã được khẳng định rõ hơn chứ không phải Mặt trận là “bù nhìn”, cơ cấu cho đủ thành phần”- Thượng tọa nói.

Nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long lưu ý, Mặt trận không nên ôm đồm một lúc nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội. Bởi vì, không ở đâu, không cái gì qua mắt được nhân dân. Do đó, Mặt trận cần dựa vào giám sát, phản ánh của người dân để nâng cao vị trí, vai trò của mình.

Trả lời báo chí bên lề đại hội về công tác phản biện, giám sát, Chủ tịch UBT.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn: “Tôi nghĩ cho đến bây giờ khái niệm phản biện đã được thống nhất, phản biện là có ý kiến, góp ý qua đó khẳng định những mặt đúng, mặt hợp lý cũng như chỉ ra những mặt chưa hợp lý của các dự thảo về đường lối, chính sách, pháp luật”.

Theo ông Nhân, lâu nay cách làm vẫn là các cơ quan sẽ gửi dự thảo văn bản cho Mặt trận để Mặt trận tổ chức các hội nghị, lấy kiến kiến tổ chức, đoàn thể, nhân dân. Với những vấn đề quan trọng, cần thiết thì Mặt trận cũng có thể tổ chức các nghiên cứu độc lập để tham gia phản biện. “Mong muốn của chúng tôi là tới đây sẽ có sự tham gia của đông đảo các nhà chuyên môn, nhà khoa học, đội ngũ trí thức để phản biện sâu sắc, có cơ sở vững chắc, thuyết phục và cũng để tham gia phản biện được nhiều hơn nữa”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem