Cụ thể, ngày 22/4 tới, Eximbank dự kiến tổ chức đại hội cổ đông tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ngày đăng kí cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp là 6/3. Tuy nhiên, trước khi tiến hành đại hội cổ đông thường niên, Eximbank dự kiến sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2019, vào ngày 5/3/2020 nhằm bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) vào nhiệm kỳ 2015-2020.
Eximbank sẽ bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT ngân hàng tại ĐHĐCĐ bất thường (Ảnh: IT)
Sẽ bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT
Trước đó, HĐQT Eximbank đã gửi thông báo cho cổ đông về việc ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT vào ngày 21/12/2019. Ngân hàng nhận hồ sơ của cổ đông, nhóm cổ đông về việc ứng cử, đề cử từ ngày 30/12/2019 đến ngày 13/1/2020. Theo đó, đến ngày 18/2/2020, Eximbank trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT ngân hàng trước khi tiến hành bầu tại ĐHĐCĐ bất thường.
Ngoài ra, Eximbank cũng công bố một loạt dự thảo tờ trình phục vụ cho ĐHĐCĐ bất thường sắp tới.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2018 của Eximbank
Cụ thể, với tờ trình kết quả kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2018, Eximbank cho biết năm 2018, lợi nhuận trước thuế TNDN theo BCTC hợp nhất là 827,1 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế TNDN là 660,5 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối năm 2018 là 704 tỷ đồng. Theo Eximbank, do ngân hàng được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ khi phát hành các trái phiếu đặc biệt phát hành từ 2015 trở về trước, để tạo nguồn xử lý nợ xấu. Các trái phiếu này đến cuối năm 2018 chưa được thanh toán hết. Do đó Eximbank không tiến hành chia cổ tức cho năm tài chính 2018.
Tờ trình về thù lao HĐQT Eximbank năm 2018
Ngoài ra, với tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT năm 2019, Eximbank đề xuất mức thù lao của HĐQT là 2% lợi nhuận trước thuế hợp nhất nhưng không thấp hơn 15 tỷ đồng (bằng năm 2018); ngân sách hoạt động của HĐQT (chi phí đi lại, điện thoại, tiếp khách…) là 7,5 tỷ đồng (bằng năm 2018).
Thù lao và ngân sách hoạt động của Ban kiểm soát năm 2019 cũng được đề xuất ở mức 8 tỷ đồng; ngân sách hoạt động của ban kiểm soát là 550 triệu đồng.
Một loạt dự thảo tờ trình khác cũng được xin ý kiến tại đại hội bất thường lần này như dự thảo Tờ trình v/v sửa đổi, bổ sung: Khoản 4 Điều 2 Điều lệ Eximbank; Điều 33 Điều lệ Eximbank; Khoản 6 Điều 35 Điều lệ Eximbank; Các nội dung khác của Điều lệ Eximbank (Bảng đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung của Điều lệ Eximbank).
“Sóng ngầm” có chấm dứt?
Trước đó, trong năm 2019, các lần tổ chức đại hội của Eximbank đều bất thành do không đạt được sự đồng thuận của các nhóm cổ đông. Vì vậy, trong những lần đại hội sắp tới, nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra những tranh chấp “ghế nóng” giữa các nhóm cổ đông để giành quyền điều hành nhà băng này.
Kết thúc năm 2019, Eximbank đạt tổng lợi nhuận trước trích bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC trên 1.600 tỷ đồng. Sau khi trích bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt khoảng 1.077 tỷ đồng, hoàn thành kế hoach Hội đồng quản trị (HÐQT) giao.
Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank được kiểm soát ở mức thấp 1,62% so với tỷ lệ đầu năm nay là 1,84%.
Trong năm qua, Eximbank đã nỗ lực xử lý nợ xấu và đang tiến tới để tất toán các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây (trái phiếu VAMC). Hiện, lượng trái phiếu VAMC còn nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 Eximbank sẽ trích dự phòng được gần 2.100 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ cần khoảng 1.100 tỷ đồng nữa là Ngân hàng có thể hoàn tất được kế hoạch tất toán trái phiếu VAMC. Dự kiến vào tháng 6/2020, Eximbank sẽ hoàn tất việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.
Về kế hoạch năm 2020, Eximbank đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 161.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến đạt 127.345 tỷ đồng. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 1,8%, lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng tất toán trái phiếu VAMC là 2.400 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.