Sáng 27/10, Học viện Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công. Tại Đại lễ, các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu, và hơn 6.000 Phật tử đã cùng dâng hương tưởng niệm và ôn lại cuộc đời, đức độ, quá trình tu hành của ni sư Diệu Nhân trong việc lan tỏa đạo lý, đức hạnh tốt đẹp tới các Phật tử, khẳng định những đóng góp to lớn của nữ Phật tử trong việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Đại lễ, ông Bùi Thanh Hà – Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ nói: “Phật giáo là một lý tưởng cao đẹp, mang nhiều đặc tính nhân bản như hoà bình, từ bi, khoan dung, trí tuệ, bình đẳng đối với mọi tầng lớp, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, sang hèn. Ni sư Diệu Nhân là bậc tiền bối khả kính và là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam nói chung và Ni giới Việt Nam nói riêng.
Việc Phân ban Ni giới Trung ương cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học và lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân theo đạo Phật, mà còn là một sự kiện văn hoá, xã hội với tâm thức tưởng niệm tri ân và báo ân của toàn thể cộng đồng.
Chúng tôi tin tưởng rằng, qua hội khảo khoa học và lễ tưởng niệm là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà tri thức cung cấp thêm những thông tin bổ ích về công lao đóng góp của Ni sư Diệu Nhân cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam và lịch sử dân tộc Việt Nam”.
Thượng toạ Thích Thanh Quyết (giữa) tham dự lễ tưởng niệm.
Thượng toạ Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội khẳng định: Việc một vị sư được nối dõi dòng thiền đã là vô cùng quý, và ở Việt Nam chỉ duy nhất Ni sư Diệu Nhân là nữ giới được trao truyền Tâm ấn, nối dõi dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đây là một hiện tượng đặc biệt của Phật giáo Việt Nam, cùng với đó những giá trị phi vật thể trong đó có bài Kệ Thị Tịch mà Ni sư Diệu Nhân để lại mang ý nghĩa rất lớn về tư tưởng Phật học, về triết lý nhân sinh.
Sư cô Thích nữ Huệ Đức - Ủy viên thường trực, Phó thư ký Phân ban Ni giới Trung ương, Trụ trì Quan âm Tu viện thành phố Hồ Chí Minh
Chia sẻ về Đại lễ và Hội thảo Khoa học, Sư cô Thích nữ Huệ Đức - Ủy viên thường trực, Phó thư ký Phân ban Ni giới Trung ương, Trụ trì Quan âm Tu viện thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Là một vị ni, tôi cảm thấy rất tự hào và xúc động khi được tham dự lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bởi, tôi được nghe hơn 120 bài hội thảo khoa học mang tính chất nghiên cứu khoa học từ các nhà học giả tri thức, học giả nghiên cứu về Ni sư Diệu Nhân và tiền bối ni. Khẳng định chứng ngộ của Ni sư Diệu Nhân. Đây là một tấm gương điển hình và hiếm có đối với ni giới Phật giáo nói chung và ni giới Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Từ lúc Ni sư Diệu Nhân chưa xuất gia, đang là công chúa sống trong cung vàng điện ngọc nhưng đã hi sinh, chịu làm vợ một vị ở vùng dân tộc miền núi. Ni sư đã ý thức được trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình, làm một công chúa mang sứ mệnh hòa bình và bảo vệ biên cương bờ cõi.
Khi xuất gia thì trở thành một Vị thánh tổ ni. Đối với Đạo, Ni sư cũng làm tròn trí nguyện của người xuất gia là giải thoát giác ngộ. Tất cả những người xuất gia, ý nguyện ban đầu là giải thoát giác ngộ chấm dứt khổ đau, thì ni sư cũng đã thực hiện được tâm nguyện của mình và trở thành vị tổ sư ni của dòng thiện Tỳ-ni-đa-lưu-chi, tổ sư ni thứ 17.
Việc này đã khẳng định được giá trị của người phụ nữ, cũng là nguồn cảm hứng của chư ni khi xuất gia, tin tưởng vào khả năng giác ngộ của mình và đồng thời là nguồn cảm hứng cho nữ phật tử là tin tưởng rằng khi chúng ta tu tập, đi theo con đường của Đức Phật dạy thì chúng ta cũng có thể chấm dứt khổ đau và được an lạc hạnh phúc.
Bản thân chúng tôi là người xuất gia cũng mong muốn qua hội thảo sẽ hiểu giá trị của Ni sư Diệu Nhân và của quý tiền bối ni, những giá trị đóng góp cho lịch sử Phật giáo nước nhà nói riêng và thế giới nói chung được lan tỏa và khẳng định.
Chúng tôi mong muốn qua hội thảo, các nhà nghiên cứu, khoa học sẽ nghiên cứu hơn nữa và khẳng định, lan tỏa sự đóng góp của Phật giáo với dân tộc để chúng ta trân trọng và tri ân những bậc tiền bối có công trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển Tổ quốc”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.