Người ngoài hành tinh sớm nhất từng tồn tại ở Dải Ngân hà được cho là cách đây 8 tỷ năm.
Các nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, Viện Công nghệ California và Trường Trung học Santiago đã đưa ra kết luận trên, sau khi sử dụng phương pháp tính toán để xác định khả năng người ngoài hành tinh tồn tại trong lịch sử 8 tỷ năm hình thành Dải Ngân hà, theo Daily Mail.
Các nhà khoa học cho rằng, khoa học và công nghệ rất có thể là nguyên nhân dẫn đến sự hủy diệt của các nền văn minh ngoài Trái đất. Đó là lý do con người đến nay vẫn chưa thể liên lạc được với người ngoài hành tinh.
“Chúng tôi nhận thấy khả năng tự hủy rất có ảnh hưởng đến số lượng dạng sống thông minh ở thiên hà”, nghiên cứu cho biết. “Nếu dạng sống thông minh phát triển đến mức có thể tự hủy, không ngạc nhiên khi chúng ta vẫn chưa thể tìm thấy người ngoài hành tinh”.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu vẫn còn người ngoài hành tinh trong Dải Ngân hà, họ có thể “mới ở dạng phát triển sơ khai” mà con người chưa thể quan sát được, hoặc ở nơi cách xa Trái đất đến mức con người chưa tìm ra.
Nhóm nghiên cứu cũng tính đến xác suất hình thành sự sống trong điều kiện tiền sinh vật, các khoảng thời gian tiềm năng khác nhau cho quá trình tiến hóa sinh học và xác suất tự hủy diệt của sự sống phức tạp.
“Với mô hình này, chúng tôi đánh giá số lượng sự sống phức tạp có thể thay đổi ở khoảng thời gian cụ thể trong Dải Ngân hà, từ đó tìm hiểu sâu hơn về giả thuyết nguồn gốc sự sống”, nhóm nghiên cứu viết.
Câu hỏi đặt ra là liệu sự tiến hóa của con người trên Trái đất có giống với tất cả các dạng sống phức tạp tiến hóa trong Dải Ngân hà hay không.
Nghiên cứu cho biết, sự sống có thể rất phổ biến trong Dải Ngân hà, nhưng vị trí của Trái đất lại không phải là nơi tập trung sự sống. Theo các nhà nghiên cứu, người ngoài hành tinh có thể tập trung ở nơi cách trung tâm thiên hà khoảng 13.000 năm ánh sáng, trong khi khoảng cách từ trung tâm so với Hệ Mặt trời là 25.000 năm ánh sáng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.