Đại sứ Geoffrey Pyatt hôm qua (15.9) đăng tải một số bức ảnh lên trang Twitter của ông và chú thích đây là những hình ảnh đầu tiên về cuộc tập trận quy mô lớn giữa quân đội Mỹ và Ukraine đang diễn ra ở miền Tây Ukraine vừa được chụp vào buổi sáng cùng ngày. Tuy nhiên, nhiều người đã nhanh chóng và dễ dàng phát hiện ra những bức ảnh trên đã được đăng tải ngày 31.7.
Bức ảnh tập trận mà Đại sứ Mỹ tung lên Twitter hôm 15.9 bị bóc mẽ là ảnh cũ đã đăng tải lên mạng từ ngày 31.7.
Chưa dừng lại, Đại sứ Mỹ sau đó đăng thêm một bức ảnh mô tả chiếc xe tăng Đức đang tập trận. Chú thích về bức ảnh, ông Geoffrey Pyatt viết, xe tăng Leopard 2 đang tham gia cuộc tập trận “Đinh ba Thần tốc” gần Lvov, Ukraine. Tuy nhiên, cư dân mạng tuyên bố, bức ảnh trên được cắt từ một đoạn video đã được đăng tải trên Youtube gần một năm trước vào tháng 10.2013.
Bức ảnh xe tăng Đức mà Đại sứ Mỹ tại Kiev Geoffrey Pyatt khoe trên Twitter hôm qua bị bóc mẽ là ảnh cắt trong một video đã được đăng tải tháng 10.2013.
Ông Geoffrey Pyatt lập tức bị gán mác “kẻ dối trá” vì đăng tải những bức ảnh giả mạo nhằm khoe mẽ cuộc tập trận “Đinh ba Thần tốc” giữa quân đội Mỹ và Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại Kiev Geoffrey Pyatt.
Đây không phải là lần đầu tiên Đại sứ Mỹ dính bê bối liên quan đến Ukraine. Đầu năm nay, video ghi lại cuộc trò chuyện giữa ông Pyatt và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland, trong đó hai người đã thảo luận về vai trò của giới lãnh đạo đối lập trong chính quyền tương lai ở Ukraine cũng bị phát tán. Bê bối này khiến dư luận dấy lên nghi vấn giới lãnh đạo đối lập Ukraine bị giật dây và chỉ là “con rối” của Mỹ và phương Tây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.