Đăk Lăk: “Bom nước” treo lơ lửng trên đầu dân

Thứ năm, ngày 29/08/2013 06:43 AM (GMT+7)
Ngoài hồ đập ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Nghệ An xuống cấp trầm trọng (NTNN đã có phản ánh), tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đăk Lăk, tình trạng này cũng đang diễn ra tương tự. Các hồ đập ở đây thực sự là những “quả bom nước” treo trên đầu dân.
Bình luận 0
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, ngoài 16 hồ đập có nguy cơ bị vỡ trong mùa mưa lũ sắp tới, hàng chục công trình (CT) khác cũng đang trong tình trạng mất an toàn. Hiểm họa khó lường, song nguồn vốn để khắc phục lại đang là vấn đề rất nan giải.

Công trình thủy lợi Ea Mlung (xã Cư KPô, huyện Krông Buk) xuống cấp trầm trọng nhiều  năm nay nhưng không có kinh phí sửa chữa.
Công trình thủy lợi Ea Mlung (xã Cư KPô, huyện Krông Buk) xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay nhưng không có kinh phí sửa chữa.

Họa rình rập

Kết quả kiểm tra của Sở NNPTNT Đăk Lăk cho thấy, có 16 CT hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng nghiêm trọng cần được sửa chữa gấp để bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão năm 2013. Cụ thể, hồ Krông Ana (xã Cư Pơng, Krông Buk) thân đập đã bị sạt lở nghiêm trọng, tràn xả lũ là tràn đất, phần đuôi tràn bị sạt lở và đang xói sâu vào đập đất. Tại hồ Vườn Ươm (xã Pơng Đrang, Krông Buk) phần đập đất, thân đập thấp, mái đập phía thượng lưu cũng bị sạt lở, cống lấy nước qua đập bị hư hỏng nặng. Nghiêm trọng hơn tràn xả lũ CT này bị dân lấn chiếm làm nhà ở. Kiểm tra hồ Ea Kmiên 3 (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho thấy, CT không có tràn xả lũ, khẩu độ cống nhỏ không đủ thoát nước, nước đã từng tràn qua đập đất nên rất nguy hiểm. Tại hồ Đội C19 (xã Ea Riêng, MĐrăk), mái thượng, hạ lưu đập bị xói mòn, thân đập bị thấm nước mạnh; tràn không bảo đảm khả năng thoát lũ, ngưỡng tràn bị vỡ; không có cống đầu mối và kênh mương.

Nguy hiểm hơn, một số hộ dân đã lấn chiếm CT, trồng cà phê trên mái đập, lòng hồ bị lấn chiếm làm ruộng. Đặc biệt, ở hồ thôn 6B (xã Hòa An, Krông Pak) phần mặt đập (kết hợp đường giao thông) đã bị nứt dọc, vết nứt dài khoảng 50m cách tim đập chỉ 0,8m về phía hạ lưu. Trong khi đó phía hạ lưu CT đã bị người dân đào ao lấn chiếm, mái hạ lưu không bảo đảm an toàn…

Ngoài ra, còn có rất nhiều CT hồ chứa không được phát dọn cây cối trên đập và tràn xả lũ, gây khó khăn cho việc kiểm tra, phát hiện về lún và thấm. Thậm chí nhiều CT còn để người dân làm nhà ngay trên thân đập và trên tràn xả lũ. Một số CT không có tràn xả lũ, hoặc khẩu độ thoát lũ không bảo đảm…Đây chính là những mối “đe dọa” CT mà còn là “mối họa” đối với người dân nếu tình trạng vỡ đập xảy ra.

Quản lý lỏng lẻo, sửa chữa chắp vá

Theo Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Đăk Lăk, hầu hết các hồ bị xuống cấp được xây dựng khá lâu. Đa phần các CT này không có thiết kế xây dựng mà được “be bờ đắp đập” để giữ nước, tràn thì làm tạm trên nền đất tự nhiên… Khi bị hư hỏng, CT mới được gia cố dần nên kết cấu không bền vững, chắc chắn. Trong khi đó, công tác sửa chữa trong nhiều năm trở lại đây gần như không được thực hiện do thiếu kinh phí.

"Đặc điểm hồ chứa nước ở Đăk Lăk có điểm rất khác với đồng bằng, đó là các hồ chứa nằm ở dạng bậc thang, trên mỗi dòng sông (hoặc suối) có rất nhiều hồ chứa nước nằm rải rác từ trên cao xuống thấp. Do đó, nếu chỉ một sự cố rất nhỏ xảy ra ở hồ chứa trên thượng lưu thì rất dễ xảy ra sự cố dây chuyền”.
Ông Phạm Tiến San- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Đăk Lăk


Đáng lo hơn là một số các chủ quản lý CT, đặc biệt là các CT do huyện, xã, hợp tác xã dùng nước quản lý vẫn còn coi nhẹ công tác an toàn hồ chứa. Thực tế cho thấy, chủ quản lý hồ chứa thì đa dạng, trong khi đó đa số người quản lý trực tiếp các hồ thì lại không đủ trình độ năng lực chuyên môn. Hầu hết các CT mà UBND cấp huyện giao cho các xã, hợp tác xã dùng nước quản lý thì cán bộ quản lý đều là kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên ngành quản lý thủy lợi. Còn các CT do doanh nghiệp quản lý, nhìn chung cán bộ là kiêm nhiệm, không qua chuyên ngành nên chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực quản lý, khai thác theo quy định hiện hành. Ông Phạm Tiến San- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Đăk Lăk cho rằng, các vấn đề nêu trên là một trong những bất cập đáng quan ngại kéo dài trong thời gian qua; cần sớm khắc phục ngay để nâng cao chất lượng quản lý, kiểm tra, vận hành các hồ chứa.

Thế nhưng theo tính toán, chỉ riêng đối với 16 CT đang xuống cấp nghiêm trọng, để sửa chữa đạt mức an toàn lâu dài thì phải cần một nguồn kinh phí từ 10-15 tỷ đồng/CT- số tiền quá lớn đối với khả năng của các chủ quản lý hồ chứa. Trước mắt, gần 100 CT thủy lợi đang xuống cấp tại Đăk Lăk cần chừng 200 tỷ đồng để khắc phục nhưng hiện tỉnh này chỉ mới phê duyệt được hơn 30 tỷ.

Duy Hậu (Duy Hậu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem