Sáng 26/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức "Tuần lễ triển lãm và Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh Đắk Lắk và TP.HCM".
Cả trăm đặc sản Đắk Lắk tại TP.HCM
Chương trình nhằm giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại giữa hai địa phương. Chương trình diễn ra đến ngày 28/7.
Chương trình còn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tỉnh Đắk Lắk quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh Đắk Lắk với các nhà phân phối của TP.HCM.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cả trăm sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của Đắk Lắk như cà phê, sầu riêng, thủ công mỹ nghệ… được trưng bày, giới thiệu tới người tiêu dùng và nhà phân phối lớn tại TP.HCM.
Nhiều nhà mua hàng bất ngờ khi tại một sự kiện có cả trăm loại đặc sản, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk. Đây là cơ hội để nhà sản xuất và nhà phân phối gặp gỡ, trao đổi thông tin, kết nối, đưa đặc sản Đắk Lắk vào siêu thị.
Ông Lê Tấn Dũng - Giám đốc HTX Thăng Tiến, cho biết HTX đang sở hữu 3.000ha sầu riêng. Loại "trái cây vua" của HTX này hiện chủ yếu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Gần đây, HTX tăng cường chế biến sâu sầu riêng, cho ra dòng sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa, giá trị kinh tế rất cao.
Ông Dũng kỳ vọng kết nối được với các nhà phân phối lớn để tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu cho sầu riêng nói chung và sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa.
"Chúng tôi mong muốn liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Khi đó, chúng tôi sẽ tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn tốt nhất. Còn nhà đầu tư sẽ lo thị trường, đảm bảo đầu ra sản phẩm tốt nhất", ông Dũng nói.
Bắt tay hỗ trợ cung - cầu đặc sản Đắk Lắk
Đại diện Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết lợi thế của địa phương là những sản phẩm nông sản chất lượng cao, sản phẩm công nghiệp chế biến mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên. Tuy nhiên, để các sản phẩm này có thể tiếp cận được với thị trường lớn hơn, để người tiêu dùng cả nước biết đến và tin dùng, cần phải có những cầu nối vững chắc giữa nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Phía Đắk Lắk cũng kỳ vọng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư tại TP.HCM trong lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm nông sản nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư TP.HCM, cho biết nửa đầu năm 2024, đơn vị đã tổ chức 8 sự kiện xúc tiến để đẩy mạnh liên kết vùng với các tỉnh vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, ITPC sẽ thực hiện 51 hoạt động cấp vùng Tây Nguyên, 4 hoạt động hợp tác song phương, 2 đoàn doanh nghiệp thành phố khảo sát đầu tư.
Ông Lữ khẳng định trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung, trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của địa phương có điều kiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.