Một trinh sát cơ IL-20 của Nga
Israel dường như thở phào khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18.9 tuyên bố vụ trinh sát cơ Il-20 của nước này bị bắn rơi ở Syria là hậu quả của "chuỗi sự cố bi thảm tình cờ" và không đổ lỗi cho Tel Aviv. Tuy nhiên, Putin sau đó nói thêm rằng Nga sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về sự cố.
Khi báo cáo điều tra được Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm qua, các quan sát viên quốc tế đánh giá nó chẳng khác nào "cái tát" vào mặt Israel, khi phần lớn những điểm quan trọng trong kết quả điều tra đều mâu thuẫn với thông tin do Tel Aviv cung cấp. Zach Battat, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Lịch sử Zvi Yavetsz, cho rằng Israel nhiều khả năng sẽ trả giá đắt sau sự việc làm sụp đổ niềm tin của người Nga trên chiến trường Syria, theo CGTN.
Trong ba năm qua, Nga đã thống nhất xây dựng một loạt biện pháp ngăn xung đột, xây dựng lòng tin với Israel trên chiến trường Syria, nhằm loại trừ nguy cơ gây ra đụng độ bất ngờ tại quốc gia này. Tuy nhiên, vụ trinh sát cơ Il-20 bị bắn rơi khiến 15 quân nhân thiệt mạng hôm 17.9 và phản ứng của Tel Aviv sau đó có thể làm đổ vỡ niềm tin và ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Nga với Israel.
Sau khi chiếc trinh sát cơ bị bắn rơi, Israel lập tức đổ lỗi cho lực lượng phòng không "thiếu chuyên nghiệp" của Syria, cho rằng họ đã phóng "vô tội vạ" hơn 20 tên lửa lên mọi hướng mà không có biện pháp cảnh báo thích hợp với máy bay Nga, đồng thời khẳng định phi công của họ không có lỗi.
Tuy nhiên, kết quả điều tra của Bộ Quốc phòng Nga lại khẳng định Israel là bên chịu trách nhiệm duy nhất cho thảm kịch, khi phi công của họ hành động một cách "thiếu chuyên nghiệp hoặc cố tình phớt lờ các quy định an toàn". Bộ Quốc phòng Israel cũng chỉ báo trước cho phía Nga về vụ không kích trước một phút, không đủ thời gian để trinh sát cơ Nga thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Theo Battat, điều có thể dễ dàng nhận thấy nhất qua thông tin được hai bên đưa ra là tiêm kích F-16 Israel đã tìm mọi cách phóng tên lửa vào mục tiêu ở tỉnh Latakia, miền tây Syria, sau đó bay ngay phía sau trinh sát cơ Il-20 Nga để đề phòng bị bắn bởi hỏa lực phòng không Syria. Bởi vậy, việc quân đội và truyền thông Nga đổ lỗi cho Israel trong thảm kịch này là hoàn toàn có cơ sở.
Phi đội tiêm kích F-16 Israel rõ ràng đã được trang bị rất tốt và phi công được thực hành kỹ càng cho cuộc không kích, dù mục tiêu của họ chỉ là một nhà kho chứa vũ khí. Điều đó chứng tỏ họ biết chắc sẽ bị phòng không Syria đáp trả và quyết định lợi dụng trinh sát cơ Il-20 để làm "lá chắn", bất chấp nguy cơ mà họ gây ra cho tổ bay người Nga.
Battat chỉ ra một điểm đáng chú ý là truyền thông Israel không đổ lỗi cho phi công của họ sau sự cố. Trong những vụ như vậy, phi công thường sẽ bị khiển trách, đình chỉ công tác, thậm chí là bị cho giải ngũ, nhưng tất cả những gì Israel đề cập sau đó chỉ là lỗi của Syria, Iran và Hezbollah, trong khi hành vi bảo vệ mình bất chấp nguy hiểm cho người khác của phi công F-16 lại không được nhắc tới.
Không chỉ vạch ra hành động "thiếu chuyên nghiệp" của phi công Israel, Bộ Quốc phòng Nga còn bác bỏ tuyên bố do Tel Aviv đưa ra rằng tên lửa S-200 được phòng không Syria phóng lên khi tiêm kích Israel đã trở về không phận nước mình. Theo quân đội Nga, biên đội F-16 Israel vẫn tiếp tục bay trên vùng biển ngoài khơi Syria sau khi phóng tên lửa, khiến phòng không Syria nhầm chiếc trinh sát cơ Nga với tiêm kích Israel.
Video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy tiêm kích F-16 Israel vẫn tiếp tục lượn vòng ngoài khơi Syria sau khi trinh sát cơ Il-20 trúng tên lửa.
Chuyên gia này cho rằng Tổng thống Putin ban đầu sẽ là người đóng vai trò giữ cân bằng giữa giới ngoại giao và giới quân sự khi phản ứng với Israel sau thảm kịch. Nhưng một khi Bộ Quốc phòng Nga công bố các bằng chứng chi tiết, Putin chắc chắn sẽ nghiêng về phía quân đội, bởi đây không phải là lần đầu tiên Israel hành xử "thiếu trách nhiệm" ở Syria.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định họ đã gửi cho phía Israel 310 thông báo về các cuộc không kích gần lãnh thổ Israel, nhưng chỉ nhận được 25 thông báo khi Tel Aviv thực hiện các cuộc tấn công ở Syria. Các thông báo này cũng thường được Israel gửi ngay trước khi các cuộc không kích diễn ra.
"Đây là cách hành xử rất vô ơn trước những gì Nga đã làm với nhà nước và nhân dân Israel gần đây", Konashenkov nói.
Battat dự đoán những gì diễn ra tiếp theo trên bầu trời Syria sau thảm kịch Il-20 bị bắn rơi sẽ khiến Israel chịu bất lợi hơn nhiều so với Nga. Quan hệ song phương nhiều khả năng sẽ không bị cắt đứt, nhưng sự cố rõ ràng gây thêm rất nhiều căng thẳng và không quân Israel sẽ khó có thể tiếp tục tự do hành động trên không phận Syria như trước đây.
Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng - An ninh Thượng viện Nga Frants Klintsevich hôm qua cũng tuyên bố quân đội nước này hoàn toàn có đủ khả năng "cấm cửa" chiến đấu cơ Israel hoạt động trên không phận Syria.
Theo giới quan sát, Nga đang nỗ lực chấm dứt đổ máu ở Syria để xây dựng một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa các phe phái. Tuy nhiên, các cuộc không kích của Israel trên lãnh thổ nước này sẽ cản trở quá trình kiến tạo một Syria mới của Nga, buộc Moskva phải có những phản ứng cứng rắn hơn. "Lúc đó, Israel chỉ có thể tự trách mình mà thôi", Battat nói.
Thành Nguyễn (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.