Dân “chảo lửa” Ninh Thuận chật vật trong nắng hạn, nước suối đục ngầu cũng tranh nhau lấy

Công Tâm Thứ bảy, ngày 23/05/2020 06:20 AM (GMT+7)
Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ở vùng đất Ninh Thuận trong những ngày này chẳng khác nào "chảo lửa". Những cánh đồng cỏ khô héo, một số nơi thiếu nước sinh hoạt, trong khi người chăn nuôi hàng ngày phải chạy đôn chạy đáo lo thức ăn và nước uống cho đàn gia súc.
Bình luận 0

Ghi nhận của PV Dân Việt, những ngày này tại huyện Thuận Nam, Thuận Bắc (Ninh Thuận), cánh đồng cỏ tươi tốt ngày nào giờ đã héo khô chuyển sang màu vàng úa, khô cháy. Hàng ngàn con gia súc đang đứng trước tình trạng thiếu thức ăn và nước uống. Để có nguồn thức ăn, hàng ngày các hộ chăn nuôi phải cắn răng mua rơm khô về cho gia súc ăn, với giá cao từ 25.000 – 40.000 đồng/cuộn.

Nông dân chật vật trong vùng “chảo lửa” - Ảnh 1.

Vào mùa nắng hạn gay gắt, các hộ chăn nuôi thường tận dụng các lá cây đậu để làm thức ăn cho gia súc

Nông dân chật vật trong vùng “chảo lửa” - Ảnh 2.

Một số kênh mương thủy lợi hiện giờ đã cạn kiệt nước tưới

Còn tại thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), do hạn hán kéo dài khiến cho nguồn nước sử dụng của người dân khan hiếm. Hàng ngày, người dân mang can nhựa đi dọc theo con suối để cõng nước về tắm rửa, phục vụ cho gia súc. Toàn thôn có 180 hộ/gần 700 nhân khẩu, việc thiếu nước sinh hoạt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Bà Cà Mao Thị Sú (thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, Ninh Sơn) than thở nói: "Hơn 2 tháng nay, ngày nào tôi cũng ra con suối này để lấy nước về tắm giặt, rửa chén. Để có được nước tôi phải thức dậy từ sáng sớm, cứ đi trễ thì không có nước do số người lấy nước ngày càng đông. Những bình nước lấy về chỉ để dùng tạm trong ngày và sau đó tôi cũng phải mang can sang lấy nước của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ về uống".

Nông dân chật vật trong vùng “chảo lửa” - Ảnh 5.

Người dân tại thôn Tà Nôi, xã Ma Nới đang thiếu nước sinh hoạt

Ông Va Nhông Bông (một người dân địa phương) cho hay: "Hàng chục năm nay gia đình mới thấy nắng hạn khốc liệt kéo dài như thế. Mọi năm, cứ khoảng tháng 3- 4 thì mưa, tuy nhiên năm nay thì khác. Nhà tôi chỉ có 6 con bò, nhưng ngày nào cũng vật vả lo thức ăn và nước uống. Rơm rạ tại địa phương giờ cũng không còn nên phải đặt hàng nơi khác mang đến mua với giá trên 35.000 đồng/cuộn. Người dân như chúng tôi rất mỏi mòn chờ cơn mưa giải hạn".

Nông dân chật vật trong vùng “chảo lửa” - Ảnh 3.

Một số hồ chứa nước của Ninh Thuận đang xuống mực nước chết

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, do thiếu nước tưới nên 7.873,8ha diện tích của địa phương phải dừng sản xuất. Ngoài ra, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại từ vụ Đông Xuân 2019-2020 tính đến ngày 21/5 trên địa bàn tỉnh là 198,1 ha (cây lúa 89,5 ha; cây màu 43,65 ha; cây ăn quả 57,95ha, cây lâm nghiệp 7 ha). 

Bên cạnh đó, có 251 hộ/959 nhân khẩu đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Tính đến ngày 21/5, mực nước tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện ở mức 24,04/194,49 triệu m3 chiếm 12,36% tổng dung tích thiết kế. Trong đó, 9 hồ có dung tích trên mực nước chết, 3 hồ xấp xỉ mực nước chết, 8 hồ dưới mực nước chết và 1 hồ hết nước hoàn toàn.

Nông dân chật vật trong vùng “chảo lửa” - Ảnh 4.

Các hộ chăn nuôi gia súc đang chật vật tìm nguồn nước cho gia súc uống

Ông Đặng Kim Cương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian tới cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương nạo vét, đào mới ao chứa nước, trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giải quyết thức ăn cho đàn gia súc; tiến hành di chuyển đàn gia súc đến các khu vực thuận lợi về thức ăn, nước uống, đồng thời tích cực giám sát, hướng dẫn người chăn nuôi đề phòng dịch bệnh. 

Đồng thời, vận động nông dân mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn hán như: Mô hình tưới tiết kiệm, mô hình xen canh, luân canh có hiệu quả; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các loại cây trồng đặc thù như: nho, táo, rau,…áp dụng kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm",…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem