Dân chiếm hàng trăm ha cao su của doanh nghiệp

Thứ ba, ngày 23/08/2011 13:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công ty Cao su Quảng Ngãi đang "cầu cứu" các cơ quan chức năng của tỉnh về việc người dân ở hai xã Bình Khương và Bình Nguyên, huyện Bình Sơn xâm chiếm hàng trăm ha cao su, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Bình luận 0

Ngang nhiêm chiếm vườn cây

Theo lãnh đạo Công ty Cao su Quảng Ngãi, bất đầu từ cuối tháng 6.2011, người dân lén lút cạo trộm mủ cao su vào ban đêm, sau đó vào cuối tháng 7, người dân ngang nhiên cạo trộm mủ vào sáng sớm, rồi từng bước 130 hộ dân đã xâm chiếm khoảng 180/260ha cao su. Trong đó, dân xã Bình Khương chiếm 120ha; dân xã Bình Nguyên chiếm 60/80ha. Chỉ tính trong 1 tháng gần đây, công ty bị mất 1.600kg mủ nước/ngày, với giá 25.000 đồng/kg mủ nước thì thiệt hại tới hơn 1,2 tỷ đồng.

img
Một "người lạ" trong khu vực cao su đang khai thác mủ của Công ty Cao su Quảng Ngãi ở xã Bình An.

Mặc dù Công ty đã thành lập tổ tuần tra vườn cây, Công an xã, huyện Bình Sơn hỗ trợ nhưng không ngăn chặn được nạn xâm chiếm, trộm mủ cao su. Việc người dân ngang nhiêm xâm chiếm vườn cây và cạo mủ vô tội vạ tất cả các loại cây, không theo quy trình kỹ thuật nào không chỉ làm thiệt hại về kinh tế trước mắt mà còn gây tổn thọ vườn về lâu dài, thiệt hại sẽ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Đền bù vẫn không chịu

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào năm 1998, diện tích đất lâm nghiệp tại khu vực núi ở 2 xã trên bị bỏ hoang khá nhiều hoặc trồng cây phân tán, kém hiệu quả. Vì vậy, UBND tỉnh đã chủ trương triển khai dự án trồng cao su nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo cho nhân dân. Trong khi tiến hành thu hồi đất để trồng cao su thì chỉ hỗ trợ tài sản trên đất, không bồi thường về đất.

Ông Nguyễn Hùng - Giám đốc Công ty Cao su Quảng Ngãi, bức xúc: Dựa vào lý do này nên khi phong trào trồng cây nguyên liệu: Bạch đàn, keo… phát triển và một số cây trồng như mì (sắn) có giá, thu nhập cao, thì các hộ dân "đòi" trả lại đất; một số khác thì đòi tiền đền bù.

Được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đồng ý hỗ trợ với mức 15 triệu đồng/ha, Công ty Cao su Quảng Ngãi tiến hành họp dân để chi tiền hỗ trợ. Thế nhưng người dân vẫn không đồng ý, mà chỉ yêu cầu trả đất.

Ghi nhận ý kiến trên, cuối năm 2010, sau khi đề nghị và được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đồng ý hỗ trợ với mức 15 triệu đồng/ha, Công ty Cao su Quảng Ngãi tiến hành họp dân để chi tiền hỗ trợ. Thế nhưng người dân vẫn không đồng ý, mà chỉ yêu cầu trả đất. Riêng đối với số diện tích đã trồng cao su và đến giai đoạn cho mủ, thì họ đòi chia với tỷ lệ 50/50. Trong khi vụ việc vẫn chưa được các cấp ngành chức năng giải quyết, thì xảy ra tình trạng người dân ồ ạt xâm chiếm cao su của doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, khẳng định: Việc người dân tự ý khai thác mủ cao su và chiếm vườn cây của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật. Địa phương đã giao cho các cơ quan chức năng xem xét giải quyết nhưng cũng cần phải làm rõ hơn việc thu hồi đất của người dân trước đó đúng sai thế nào.

Vì vậy giữa Công ty Cao su Quảng Ngãi và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, UBND tỉnh cần phải họp bàn, để đưa ra giải pháp hợp lý. Theo đó giữa Công ty Cao su và và số hộ có đất cần phải có sự thoả thuận trong việc phân chia tỷ lệ lợi nhuận phù hợp, nếu không vụ việc khó xử lý dứt điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem